Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyển đổi số và góc nhìn về hướng con người trong doanh nghiệp

V.Dũng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Đa phần các doanh nghiệp khi đặt vấn đề về chuyển đổi số thường đưa những giá trị về thay thế công nghệ lên hàng đầu. Tuy nhiên chuyển đổi số không phải là nâng cấp công nghệ mà là chuyển mô hình kinh doanh và nâng cấp con người. Nâng cao năng lực tiếp nhận cái mới của nhân sự là yếu tố cốt lõi để doanh nghiệp không bị lỗi nhịp với chuyển đổi số.

Đây là nhận định của hầu hết chuyên gia trong hội thảo “Mong đợi và năng lực cho chuyển đổi số, làm sao để không lỗi nhịp?”, do Skale – hệ sinh thái giải pháp nhân lực số hàng đầu châu Á kết hợp cùng Tạp chí Kinh tế Sài Gòn, Saigon Times Club và Le & Associates đồng tổ chức. Những chia sẻ thực chiến từ lãnh đạo các doanh nghiệp đầu ngành như KIDO, PNJ, VNTT, BESTMIX… cho thấy tiến trình chuyển đổi số sống động và sự chuyển hóa từ lý luận chuyển đổi số sang áp dụng thực tiễn ra sao.

Con người và công nghệ như “chân trái và chân phải”

Trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đối mặt với những thách thức lớn từ tác động tiêu cực của dịch Covid-19, chuyển đổi số được xem là một trong những chiến lược then chốt mà các doanh nghiệp đang đẩy mạnh thực hiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong tình hình mới phục hồi sau đại dịch.

Theo bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Chủ tịch HĐQT Công ty Giải pháp nhân lực Le & Associates (L&A), trong mô hình 6 bước chuyển đổi số thì đã có 2 bước liên quan tới tư duy lãnh đạo và năng lực của con người. Bởi những lý do chính khiến cho doanh nghiệp thất bại khi ứng dụng công nghệ là thiếu năng lực triển khai và thiếu công nghệ quản trị nhân lực chỉn chu, quan trọng nhất là thiếu hiểu biết về công nghệ. Điều cần thiết là phải xây dựng được khung năng lực cốt lõi và lãnh đạo.

Các diễn giả chia sẻ về giải pháp chuyển đổi số tối ưu trong doanh nghiệp.

Theo bà Trần Phương Ngọc Thảo, Giám đốc chuyển đổi số hóa Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), Nếu muốn chuyển đổi số thành công thì đầu tiên phải đi từ nhận thức và tầm hiểu biết của người lãnh đạo. Họ cần sự nắm bắt được xu thế mới và nhận định được nó ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp và môi trường kinh doanh trong tương lai. Từ đó nắm bắt được các cơ hội và giảm thiểu được rủi ro nếu mình không chuyển đổi. Đồng thời có được sự lựa chọn ưu tiên cho từng hạng mục và mạnh dạn đầu tư đủ quy mô, đúng cách, tránh sự va vấp trong quá trình chuyển đổi số.

“Chuyển đổi kinh doanh giữa công nghệ với con người được ví tương tự như chân trái và chân phải. Có nghĩa là khi chúng ta bước một bước về mặt thay đổi công nghệ thì cũng phải kéo nhân sự đi theo một bước. Khi đội ngũ nhân sự được nâng tầm họ sẽ đưa ra những yêu cầu mới thì chúng ta lại tiếp tục đầu tư tiếp. Theo tiến trình này chuyển đổi số sẽ lan tỏa theo mô hình kim tự tháp từ lãnh đạo tới nhân viên mới khai thác hiệu quả việc chuyển đổi số”, bà Thảo cho hay.

Tình trạng thiếu nhân lực nội bộ để ứng dụng công nghệ số và thiếu thông tin về công nghệ số là các rào cản hàng đầu về chuyển đổi số. Và như thế nhu cầu tư vấn chuyên môn từ các chuyên gia chuyển đổi số là bức thiết. Theo các chuyên gia, mặc dù nhận thức về chuyển đổi số của lãnh đạo đã được nâng cao nhưng tình trạng thiếu thông tin cần thiết để xây dựng lộ trình tiếp cận đơn giản khiến cho tiến trình này trở nên khó khăn hơn.

Ông Đặng Hoàng Nam, Trưởng ban đầu tư, Quản lý phát triển kinh doanh thị trường quốc tế Bestmix, cho biết đối với doanh nghiệp có thâm niên trong các lĩnh vực chuyên ngành chúng ta nên có sự kết nối giữa công nghệ và con người ở mức độ nhẹ nhàng hơn. Cụ thể là tìm một phần mềm hỗ trợ tương đối thân thiện và không gây nên gánh nặng cho nhân sự để họ nhanh chóng đáp ứng và vận hành nhanh nhất. Lãnh đạo phải đi làm việc cùng họ để thiết kế quy trình và chứng minh được sự khác biệt mà công nghệ mang lại và nâng tầm nhân sự bằng các phần mềm đơn giản.

Cũng đánh giá cao vai trò của lãnh đạo trong chuyển đổi số, ông Trương Bình Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT SKALE, cho hay nhiều người luôn nghĩ chuyển đổi số là công nghệ đi trước, điều này tạo nên một rào cản rất lớn. Việc chuyển đổi tư duy của lãnh đạo mới là quan trọng, họ cần xem chuyển đổi số là câu chuyện chiến lược mà họ vẫn làm bao lâu nay. Điều quan trọng là người lãnh đạo cảm thấy sẵn sàng và không sợ những cái mới, khi có chiến lược tốt rồi thì mới tính đến năng lực của nhân sự giúp cho quá trình này trở nên nhẹ nhàng hơn.

Dưới góc nhìn của công ty công nghệ, bà Nguyễn Thị Linh, Giám đốc Nhân sự công ty VNTT, cho rằng chuyển đổi số cần một nguồn nhân lực chất lượng hơn là ổn định. Bới tốc độ phát triển công nghệ ứng dụng rất nhanh và chúng ta cần nhân sự phải đáp ứng tốt và phù hợp với mục tiêu của doanh nghiệp. Chuyện thay đổi nhân sự là bình thường doanh nghiệp cùng phải chấp nhận bởi quá trình chuyển đổi số tạo nên sự thay đổi về văn hóa làm việc.

Làm gì để không lỗi nhịp với chuyển đổi số

Khi được đặt vấn đề về việc làm sao để không lỗi nhịp trong chuyển đổi số, nhiều diễn giả cho rằng sự thống nhất các mục tiêu là điều quan trọng nhất và người lãnh đạo phải là người kết nối. Nếu có sự khác biệt về tư duy thì việc chuyển đổi số sẽ lỗi nhịp, dù mỗi bộ phận đều có một mục tiêu khác nhau nhưng cần phải có một ngôn ngữ chung để hoàn thiện.

Theo bà Trần Phương Ngọc Thảo, để chuyển đổi số hiệu quả và không lỗi nhịp cần phải phối hợp chuẩn giữa công nghệ và kinh doanh. Nếu hai chủ thể này không nói cùng một ngôn ngữ thì chúng ta mất rất nhiều thời gian. Bên cạnh đó là sự thiếu quan tâm chăm chút đến trải nghiệm nhân viên cũng là lý do gây lỗi nhịp.

“Chúng ta đầu tư một hệ thống quá phức tạp và không thân thiện thì nhân viên không muốn tìm tòi học hỏi và phát huy nó. Thậm chí những người có năng lực và gắn bó lâu cũng sẽ rời công ty vì quy trình phức tạp”, bà Thảo cho biết.

Ông Trần Lệ Nguyên chia sẻ với các doanh nghiệp SMEs về mục tiêu chuyển đổi số hướng đến kết quả kinh doanh.

Trong khi đó, ông Trương Bình Nguyên cho rằng lỗi nhịp của doanh nghiệp trong chuyển đổi số phần lớn vẫn là ở cán bộ quản lý cấp trung. Đội ngũ này ở thế hệ cũ hơn so với nhân viên trẻ nên bắt nhịp chậm hơn còn những vấn đề tiên tiến họ không nhanh bằng lãnh đạo. Để vào đúng nhịp cần cải thiện năng lực của đội ngũ này với những giải pháp công nghệ đơn giản và nâng cấp theo từng cấp độ. Vì vậy để cân chỉnh nhịp chuyển đổi số đầu tiên phải là giải pháp về nhân sự sau đó mới là công nghệ.

Theo các diễn giải, nhân viên thường rất thực tế, nên chuyển đổi phải gắn liền với quyền lợi của họ. Vì vậy cần phải có một phương pháp truyền thông hiệu quả để họ thấy được lợi ích và đồng lòng với mình.  Sự tác động của thị trường luôn là yếu tố dẫn đến quyết định thay đổi nhưng chuyển đổi một cách tổng thể rất khó. Vì vậy để tối ưu doanh nghiệp thường hướng đến mô hình chuyển đổi “một công ty hai tốc độ”. Đó là tốc độ nhanh cho đội ngũ trẻ để đáp ứng thị trường và tốc độ dành cho đội ngũ cũ hơn thường chậm hơn được tăng tốc theo thời gian.

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ông Trần Lệ Nguyên, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn KIDO, cho rằng chuyển đổi số là xu hướng nhưng mục tiêu mới là quan trọng. Với doanh nghiệp nhỏ cần phải xác định được mục tiêu cụ thể của chuyển đổi số là gì, chúng ta hướng tới điều gì và quan trọng nhất là bài toán hiệu quả kinh doanh. Doanh nghiệp cực đoan quá với chuyển đổi số dẫn đến đầu tư dàn trải sai với quy mô công ty thì vừa tốn nguồn lực, thời gian mà lại không đạt kết quả tốt.

“Chuyển đổi số hiệu quả là khi chúng ta “nội soi” được doanh nghiệp và đưa ra những chiến lược đúng đắn. Công nghệ hiệu quả là khi chúng ta định lượng tốt giá trị nhân lực, chúng ta thấy được bộ phận nào tốt và bộ phận nào yếu kém để đưa ra những giải pháp tốt nhất và mục tiêu cuối cùng vẫn là hiệu quả kinh doanh”, ông Nguyên cho hay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới