Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyển động chậm chạp của doanh nghiệp trong nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyển động chậm chạp của doanh nghiệp trong nước

Thanh Phương

Trung tâm thương mại Hùng Vương Plaza ở quận 5. Ảnh: Lê Toàn

(TBKTSG) – Có thể nói sự thành công của các mô hình bán lẻ hiện đại của những nhà điều hành chuyên nghiệp nước ngoài, như Parkson hay Diamond Plaza, Metro Cash & Carry hay Big C… đã thúc đẩy sự ra đời của những dự án tương tự sau đó, với khuynh hướng phát triển những khu thương mại dịch vụ phức hợp, như Hùng Vương Plaza, Saigon Paragon và một số dự án khác…

>> Chợ, siêu thị và cửa hàng

Theo bà Nguyễn Ngọc Minh, Giám đốc điều hành Công ty Hùng Vương, chủ sở hữu Trung tâm Thương mại dịch vụ Hùng Vương Plaza, sự hấp dẫn của mô hình này là nhờ có không gian mua sắm rộng rãi, mát mẻ, đẹp mắt; tập trung được nhiều nhãn hiệu hàng hóa quốc tế uy tín, chất lượng cao nên người mua có nhiều sự lựa chọn.

Bên cạnh đó còn là sự thuận tiện trong việc đáp ứng nhu cầu của cả gia đình. Bà Minh cho biết vào những ngày nghỉ hoặc cuối tuần, nhiều gia đình trẻ thường sử dụng cả ngày để giải trí, thư giãn tại Hùng Vương Plaza: mẹ có thể đi mua sắm, đi spa; cha thì tập thể dục thể hình; con trẻ có khu vui chơi riêng, có lớp học ngoại ngữ; và cả nhà có thể cùng nhau ăn uống, đọc sách, xem phim…

Rõ ràng, cùng với mức thu nhập ngày càng tăng của cư dân thành thị, mô hình bán lẻ hiện đại xuất hiện đã khơi dậy nhu cầu tiêu dùng hàng hiệu, đặc biệ t ở những người trẻ tuổi. Thị trường bán lẻ trở thành miếng bánh béo bở.

Vào cuối năm 2007, khi nền kinh tế chưa bị tác động của cuộc khủng hoảng, nhiều dự báo cho rằng chi tiêu cho tiêu dùng nội địa sẽ tăng đều 20% mỗi năm, nâng mức chi tiêu cho bán lẻ từ 36 tỉ đô la Mỹ năm 2006 lên 50 tỉ vào năm 2010. Tuy nhiên theo số liệu mà Bộ Công Thương công bố hồi đầu năm nay, quy mô thị trường bán lẻ năm 2008 (năm kinh tế bị suy thoái) đạt mức 970.000 tỉ đồng, tương đương trên 55 tỉ đô la Mỹ!

Cuộc đua tìm vị trí đẹp

Ở góc độ của một doanh nghiệp, bà Minh cho rằng bất cập hiện nay là quy hoạch phát triển các dự án trung tâm thương mại thiếu chỉn chu. Theo bà, không phải dự án căn hộ nào cũng quy hoạch trung tâm thương mại là kinh doanh bán lẻ ở đó sẽ thành công. Bà cho rằng cần có những quỹ đất hết sức đắc địa thuộc khu trung tâm để phát triển các trung tâm thương mại dịch vụ.

Theo số liệu nghiên cứu thị trường của Công ty Tư vấn bất động sản Savills, cho đến hết quí 1-2009, tại TPHCM chỉ có 25 trung tâm thương mại, 57 siêu thị và ba siêu thị bán sỉ với tổng diện tích khoảng 430.000 mét vuông, và công ty này đưa ra nhận định: “Nguồn cung này tương đối nhỏ đối với một thành phố tám triệu dân. Thị trường bán lẻ tại TPHCM còn khá non trẻ. Nhu cầu đối với các bất động sản bán lẻ đạt chuẩn quốc tế sẽ gia tăng trong vòng ba năm tới, đặc biệt là tại khu vực trung tâm”.

Tình trạng bất cân đối cung – cầu đang khiến giá thuê mặt bằng bán lẻ trở nên quá đắt đỏ và người hứng chịu chắc chắn không ai khác hơn người mua sắm cuối cùng. Theo Công ty CB Richard Ellis, giá thuê khu vực ngoài trung tâm TPHCM trung bình 40 đô la Mỹ/mét vuông; khu trung tâm khoảng 60 đô la/mét vuông, vị trí đẹp 85 đô la/mét vuông, nơi có mức giá cho thuê cao nhất lên đến 250 đô la/mét vuông.

Theo nhận định của các nhà bán lẻ nước ngoài, những khó khăn về địa điểm kinh doanh sẽ còn tiếp tục kéo dài. Với tình hình này, nhiều người dự đoán những dự án sắp sửa hoàn thành như Kumho Asiana (đường Lê Duẩn) hay Vincom (góc Đồng Khởi – Lê Thánh Tôn) sẽ có cơ may đạt doanh số bán lẻ cao trong vòng vài năm tới.

Riêng đối với mô hình siêu thị, có vẻ như các doanh nghiệp trong nước đang có lợi thế hơn do điều kiện mặt bằng và các mối quan hệ đối tác sẵn có, sẽ dễ phát triển loại siêu thị quy mô nhỏ so với những nhà bán lẻ nước ngoài cần những khu đất rộng để phát triển mô hình siêu thị đúng với tầm vóc thương hiệu của mình

 Trên thực tế cho đến nay, thị trường trong nước chưa ghi nhận sự hiện diện chính thức của Wal-Mart hay Tesco, mặc dù nghe nhắc đã lâu. GS cũng chỉ mới triển khai đầu tư căn hộ trong khi hoạt động bán lẻ khá nổi tiếng của thương hiệu Hàn Quốc này vẫn im hơi lặng tiếng.

Mở cửa đến đâu?

Vừa qua, việc tập đoàn Lotte bị chính quyền TPHCM từ chối cấp phép đầu tư cơ sở bán lẻ thứ hai trong khuôn viên dự án căn hộ cao cấp EverRich ở quận 11 được nhiều người cho là nhằm bảo hộ doanh nghiệp trong nước. Sự từ chối này được xem là phù hợp với chủ trương cấp phép cần phải xem xét đến nhu cầu tiêu dùng và quy hoạch phát triển dự án thương mại từng khu vực.

Điều đáng lưu ý ở đây là việc xem xét nhu cầu và quy hoạch mặt bằng bán lẻ hiện vẫn chưa có bộ tiêu chí cụ thể để căn cứ vào đó mà xem xét. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là doanh nghiệp trong nước đang tận dụng cơ hội này như thế nào.

Theo bà Nguyễn Ngọc Minh, cái khó của doanh nghiệp trong nước hiện nay là chưa đủ năng lực tổ chức, điều hành mô hình trung tâm thương mại hiện đại. Ngay cả nhà điều hành nước ngoài, không phải ai cũng thành công như nhau.

Ông Trần Thanh Sang, người điều hành thương hiệu thời trang NinoMaxx, với tư cách là khách thuê mặt bằng, cho biết tài năng của nhà điều hành có tác động lớn đến doanh số cũng như việc củng cố thương hiệu cho sản phẩm, dịch vụ. Ông nhận định: “Cho dù một trung tâm có vị trí tốt nhưng năng lực điều hành kém thì cũng sẽ không thành công”. Có lẽ điều này có thể giải thích cho hiện tượng một số trung tâm có vị trí rất đắc địa nhưng không thu hút được những thương hiệu đẳng cấp cũng như khách mua sắm sành điệu.

TBKTSG đã ghi nhận được nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại trước sự thay đổi chậm chạp và thiếu chuyên nghiệp của các doanh nghiệp trong nước. Một chủ đầu tư dự án bất động sản có quy hoạch phát triển trung tâm thương mại cao cấp cho rằng “thực hiện bảo hộ khi doanh nghiệp chưa đủ kỹ năng, trình độ thì không giúp doanh nghiệp cũng như nền kinh tế phát triển”.

Vị này nói thêm: “Hãy nhìn lại hơn mười năm qua, nếu không có Cora (nay là Big C), Metro (Cash & Carry), không có Diamond hay Parkson mà chỉ có doanh nghiệp trong nước loay hoay đóng cửa dạy nhau, chắc chắn diện mạo thị trường bán lẻ đã không được như bây giờ”.

Nhìn lại hơn mười năm qua, nếu không có Cora (nay là Big C), Metro (Cash & Carry), không có Diamond hay Parkson mà chỉ có doanh nghiệp trong nước loay hoay đóng cửa dạy nhau, chắc chắn diện mạo thị trường bán lẻ đã không được như bây giờ.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới