Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyển động nhân sự cấp cao ngành ngân hàng mùa đại hội cổ đông

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Một số nhân sự cấp cao sẽ phải lựa chọn giữa vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng hoặc Chủ tịch, tổng giám đốc doanh nghiệp tại cuộc họp đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022.

Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) dự kiến tổ chức cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022 vào chiều 20-4 để bầu HĐQT và Ban Kiểm soát (BKS) nhiệm kỳ 2022-2027. Theo đó, ông Đỗ Quang Hiển – Chủ tịch HĐQT SHB – có thể phải lựa chọn vị trí Chủ tịch ngân hàng hoặc Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn T&T, theo quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2017.

Bên ba vị trí trên, ông Hiển còn đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng Khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS), Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Quản lý quỹ Đầu tư Sài Gòn – Hà Nội (SHF) và là lãnh đạo tại một số doanh nghiệp khác.

Về cơ cấu nhân sự HĐQT SHB, hiện ngân hàng có 7 thành viên HĐQT gồm: ông Đỗ Quang Hiển; ông Võ Đức Tiến; ông Nguyễn Văn Lê; ông Thái Quốc Minh; ông Phạm Công Đoàn; bà Nguyễn Thị Hoạt; ông Trịnh Thanh Hải. Ba thành viên Ban Kiểm soát gồm ông Phạm Hòa Bình, bà Lê Thanh Cẩm và bà Phạm Thị Bích Hồng.

Theo dự kiến, HĐQT SHB nhiệm kỳ mới này sẽ bao gồm 7 thành viên, trong đó có tối thiểu 1 thành viên HĐQT độc lập.

Các cổ đông biểu quyết thông qua nghị quyết cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2021 của SHB. Ảnh minh hoạ: DNCC.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phát triển TPHCM (HDBank) dự kiến tổ chức họp ĐHĐCĐ vào ngày 22-4 để bầu hành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ 2022-2027. Tại cuộc họp này, bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch HĐQT HDBank và Vinamilk – sẽ phải lựa chọn vị trí Chủ tịch ngân hàng hoặc Chủ tịch Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) theo quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi.

Hiện Khoản 4, Điều 34, Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 được sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực từ ngày 15-1-2018 quy định Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng giám đốc (Giám đốc) của một tổ chức tín dụng không được đồng thời đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Sau khi Luật này có hiệu lực, một số lãnh đạo ngân hàng đã phải đưa ra lựa chọn của mình. Cụ thể, ông Vũ Văn Tiền đã rời vị trí chủ tịch HĐQT Ngân hàng An Bình (ABBank) sau cuọc họp ĐHĐCĐ thườn niên năm 2018 trong bối cảnh nắm giữ vị trí lãnh đạo ở nhiều công ty khác như chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình.

Bà Nguyễn Thị Nga cũng rời vị trí chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) để đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Tập đoàn BRG vào năm 2018.

Còn ông Dương Công Minh từ nhiệm vị trí chủ tịch HĐQT tại bốn công ty, gồm Him Lam, Dụng cụ thể thao Bảo Long, Phát triển Xín Mần và Chứng khoán Liên Việt để giữ vị trí chủ tịch HĐQT ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Bên cạnh SHB và HDBank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cũng bầu HĐQT nhiệm kỳ 2022-2026 tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2022. Dự kiến số lượng thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới có 7 thành viên, trong đó có 2 thành viên độc lập.

Hiện HĐQT của Sacombank có 7 thành viên, gồm: ông Dương Công Minh – Chủ tịch HĐQT; ông Phạm Văn Phong – Phó chủ tịch thường trực HĐQT; ông Nguyễn Miên Tuấn – Phó chủ tịch HĐQT; bà Lê Thị Hoa – Thành viên HĐQT độc lập; bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – thành viên HĐQT kiêm, Tổng giám đốc; ông Nguyễn Xuân Vũ; ông Nguyễn Văn Huynh.

Trước thềm ĐHĐCĐ thường niên năm 2022, một số ngân hàng đã có sự thay đổi nhân sự cấp cao. Cụ thể, ông Lê Hải – Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) – vừa xin từ nhiệm vị trí Tổng giám đốc sau hơn 1 năm đảm nhiệm vị trí này. Người thay thế ông Hải là ông Nguyễn Mạnh Quân – Phó tổng giám đốc thường trực.

Diễn biến này khiến ABBank trở thành một trong những ngân hàng có sự thay đổi ở vị trí tổng giám đốc nhiều nhất với 6 lần tính từ năm 2018 tới nay.

Ngân hàng ACB cũng thay tổng giám đốc vào tháng 1-2022. Theo đó, ông Đỗ Minh Toàn rời vị trí Tổng giám đốc ACB sau gần 10 năm đảm nhiệm, người kế nhiệm là ông Từ Tiến Phát – Phó tổng giám đốc ACB.

Eximbank cũng có tân Chủ tịch HĐQT là bà Lương Thị Cẩm Tú – thành viên HĐQT. Bà Tú được bầu giữ chức vụ chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ 2020 – 2025 thay cho ông Yasuhiro Saitoh.

Trước đó, bà Lương Thị Cẩm Tú đã được bầu làm thành viên HĐQT trong cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 lần 2 diễn ra vào ngày 15-2, với tỉ lệ phiếu bầu 62,2%.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới