Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyển động phía sau bảng xếp hạng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyển động phía sau bảng xếp hạng

Đậu Anh Tuấn

Công nhân của Công ty  Yakult trong nhà máy ở Bình Dương, địa phương ba năm đầu liên tục được xếp hạng PCI cao nhất nhưng năm 2008 và 2009 đã tụt xuống vị trí thứ hai. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Làm hài lòng doanh nghiệp, người dân của mình mới là mục tiêu quan trọng và bền vững nhất của mọi chính quyền.

Những phản hồi nhiều chiều

Việc công bố bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đã đón nhận những phản hồi khác nhau ngay từ lần đầu tiên vào năm 2005. 

PCI được xem là tập hợp tiếng nói của các doanh nghiệp dân doanh, những doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, những doanh nghiệp có lẽ cảm nhận tốt nhất về hoạt động của  bộ máy hành chính địa phương và không nhận được nhiều sự ưu ái như các doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp nhà nước.

Đây cũng là lập luận mà nhóm nghiên cứu PCI luôn bảo vệ trước các tỉnh. Chính đối tượng doanh nghiệp “thấp cổ bé họng này”, đối tượng dễ chịu tổn thương nhất từ sự nhũng nhiễu của bất cứ cán bộ nhà nước nào, mới cung cấp được góc nhìn thực chất về môi trường kinh doanh của địa phương.

Rất khác với những nhà đầu tư nước ngoài hay những doanh nghiệp nhà nước, họ không thể dễ dàng gặp hay phàn nàn với những người đứng đầu bộ máy chính quyền địa phương về môi trường kinh doanh.

Có lẽ vì vậy mà tỷ lệ doanh nghiệp hợp tác trả lời điều tra qua thư của Phòng Thương mại và Công nghệ Việt Nam (VCCI) không ngừng tăng dần lên: từ 13% năm đầu tiên lên gần 30% những năm gần đây. Việc doanh nghiệp tham gia trả lời điều tra được xem là cách chuyển tải những khó khăn trong hoạt động kinh doanh của mình lên lãnh đạo chính quyền cấp tỉnh.

Một vị lãnh đạo chính quyền cao nhất tại một tỉnh sau khi nghe nhóm nghiên cứu PCI trình bày phản ánh của các doanh nghiệp qua điều tra nói rằng ông rất bất ngờ. Bất ngờ vì chưa từng có doanh nghiệp nào trực tiếp phản ánh với ông những vấn đề gai góc, phiền hà như vậy, thay vào đó toàn những lời tốt đẹp.

Những cuộc đối thoại với doanh nghiệp mà UBND tỉnh hay các sở, ngành đứng ra tổ chức thông thường chỉ nhận được những phát biểu xã giao từ doanh nghiệp, góp ý nếu có thì xa xôi, khéo léo. Điều này rất thực tế, bởi khi doanh nghiệp dám trực tiếp phê phán chính quyền, dù trên tinh thần xây dựng, thì “may ra thắng được một keo nhưng sau đó làm sao sống nổi ở đất này” như lời một doanh nghiệp tâm sự thẳng thắn.

Rất nhiều doanh nghiệp đã hợp tác tích cực trong điều tra PCI. Có doanh nghiệp phát biểu tại một hội thảo ở một tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cho biết ông dành hơn hai ngày để điền cẩn thận các thông tin trên phiếu điều tra. Đại diện một doanh nghiệp khác tại một tỉnh ở miền Đông Nam bộ trả lời phỏng vấn trên truyền hình cho biết năm vừa qua ông không hài lòng với một số ban, ngành của tỉnh và ông đã thể hiện điều này qua việc trả lời phiếu điều tra của VCCI.

Bên cạnh đó, năm nào cũng có những giám đốc doanh nghiệp gọi điện thoại cho VCCI bày tỏ sự thất vọng vì hợp tác trả lời điều tra mấy năm liền nhưng không thấy chuyển biến tích cực gì từ môi trường kinh doanh của địa phương. Điều đáng buồn là một số trong những doanh nghiệp đó không đủ kiên nhẫn để tiếp tục hợp tác trả lời điều tra.

Các chính quyền địa phương tiếp nhận PCI với những cách thức khác nhau. Nhiều địa phương chủ động liên hệ với nhóm nghiên cứu PCI để nắm rõ phương pháp, cách thức tiến hành nghiên cứu, phân tích, đánh giá những điểm mạnh, điểm yếu trong môi trường kinh doanh… nhưng cũng có địa phương phản hồi gay gắt, chất vấn và chỉ trích về phương pháp thực hiện PCI, đặc biệt trong những năm đầu. Có lãnh đạo địa phương còn đề nghị rút tỉnh ra khỏi bảng xếp hạng PCI hàng năm.

Địa phương có thứ hạng PCI thấp thì sốt ruột, vì thứ hạng trong PCI “chạm” đến hình ảnh địa phương, hoặc vì các đại biểu hội đồng nhân dân đưa thứ hạng PCI (ở hạng thấp) vào các phiên chất vấn của hội đồng nhân dân. Và không sốt ruột sao được khi tại một tỉnh miền Trung trong một tuần có hai đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương thì đều băn khoăn về thứ hạng PCI không cao năm vừa qua.

Cơ hội để hành động

Điểm tích cực là nhiều tỉnh, thành đã chuyển sức ép bên ngoài này thành hành động bên trong, tạo ra được sự chuyển đổi của bộ máy. Tỉnh Hà Tây (cũ) là một ví dụ. Năm đầu tiên công bố PCI, Hà Tây xếp hạng cuối cùng (42/42 tỉnh, thành phố). Ngay sau đó, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch hành động chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể và rõ ràng cho từng sở, ngành, tập trung vào giải pháp cải cách thủ tục hành chính, thành lập hẳn một tổ công tác để giám sát việc thực hiện tại các nơi…

Nỗ lực này đã thể hiện qua kết quả điều tra hai năm sau đó, Hà Tây tăng hơn 20 bậc trong bảng xếp hạng PCI 2007, thậm chí đứng đầu cả nước về chỉ số Chi phí thời gian trong PCI năm đó. Có lẽ chính những vị lãnh đạo Hà Tây thời kỳ này đã biến thứ hạng thấp trong PCI thành một cơ hội để tiến hành cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy bộ máy chính quyền các cấp vốn dĩ khá trì trệ nhiều năm liền.

Còn nhiều ví dụ khác như Hà Tây tại những tỉnh xếp hạng PCI chưa cao như Khánh Hòa, Bình Phước, Quảng Ninh, Long An… Hà Nội còn ban hành riêng một đề án dày 26 trang nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố giai đoạn 2009-2010.

Nhiều tỉnh huy động sự giúp đỡ của các dự án hỗ trợ kỹ thuật của nước ngoài, thậm chí đặt hàng cho các trường nghiên cứu, chuyên gia phân tích, tìm hiểu sâu thêm về những vấn đề được nêu ra từ chỉ số PCI. Việc địa phương xây dựng một đề án, một nghị quyết không khó, thành lập một tổ công tác, một nhóm làm việc để cải thiện môi trường kinh doanh rất dễ. Điều khó nhất là tạo sự chuyển biến từ người lãnh đạo cao nhất đến từng công chức cấp thấp nhất phải đồng lòng hỗ trợ doanh nghiệp.

Với những tỉnh xếp hạng PCI cao, lãnh đạo địa phương cũng có những trăn trở nhằm giữ vững “thương hiệu”. Sau ba năm liên tục đứng đầu, Bình Dương tụt xuống thứ hai sau Đà Nẵng trong xếp hạng PCI 2008. Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, cho biết: “Điều này đặt ra cho lãnh đạo tỉnh phải tìm cho được nguyên nhân khiến Bình Dương tụt giảm chỉ số. Không phải là vấn đề thứ hạng nhưng cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư”.

Đây có lẽ cũng là một khía cạnh tích cực của bảng xếp hạng PCI, thay vì chạy theo những con số chỉ tiêu mơ hồ và khô cứng. Làm hài lòng doanh nghiệp, người dân của mình mới là mục tiêu quan trọng và bền vững nhất của mọi chính quyền.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới