Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: 700 tỉ đô la Mỹ vốn ngoại, kinh tế vẫn kém phát triển!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: 700 tỉ đô la Mỹ vốn ngoại, kinh tế vẫn kém phát triển!

Trung Chánh

Chuyên gia: 700 tỉ đô la Mỹ vốn ngoại, kinh tế vẫn kém phát triển!
PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, đang trình bày trong hội thảo hôm nay 29-7 tại Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – “Từ lúc mở cửa (1986) cho đến nay, có khoảng 600-700 tỉ đô la Mỹ vốn bên ngoài vào Việt Nam, nhưng vì sao nền kinh tế vẫn kém phát triển?” PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, đặt vấn đề tại một hội thảo ngày 29-7.

Bên lề hội thảo “Bước ngoặt kinh tế năm 2016 nhìn từ các FTA, AEC và TPP- vai trò của Nhà nước và áp lực cạnh tranh doanh nghiệp” được tổ chức tại Cần Thơ hôm nay 29-7, ông Trần Đình Thiên khẳng định với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online rằng “Chính hiệu quả sử dụng và chất lượng của dòng vốn kém là nguyên nhân.”

Dẫn chứng cụ thể hơn, theo ông Thiên, ngay trong dòng vốn FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài), thì lợi ích cho nền kinh tế cũng không cao như kỳ vọng.

Thứ nhất, trong giai đoạn đầu Việt Nam cần số lượng nên chất lượng và “đẳng cấp” ít được chú trọng và mất nhiều thời gian mới cải thiện được; thứ hai, doanh nghiệp trong nước không kết nối được với vốn FDI, cũng đồng nghĩa là lực lượng này chưa phát huy được nội lực để đưa kinh tế phát triển, trong khi mục tiêu của FDI là giúp nâng cao “đẳng cấp” của nền kinh tế Việt Nam.

Cũng theo ông Thiên, thời gian qua, FDI vào chủ yếu để tăng GDP và phần Việt Nam được hưởng lợi bao nhiêu trong GDP tăng cũng không rõ ràng, trong khi đó, Việt Nam phải ưu đãi cho khu vực FDI rất nhiều, gồm chính sách thuế, đất đai…

“Chẳng hạn, Samsung đầu tư vào nước ta rất nhiều, nhập khẩu vào cũng rất nhiều, nhưng cái phần thu của Việt Nam rất là ít, chủ yếu “dính” đến giá trị gia tăng vài phầm trăm thôi,” ông Thiên nói.

Theo ông Thiên, xuất khẩu khu vực FDI hiện chiếm gần 70% tổng xuất khẩu của Việt Nam và nhập khẩu chiếm hơn 50%. “Một đất nước có định hướng xuất khẩu mà phần nước ngoài (FDI) đóng góp gần 70% và nó càng tăng lên nữa, thì rõ ràng đó vấn đề nghiêm trọng,” ông Thiên cho biết.

Từ những phân tích trên, ông Thiên của Viện kinh tế Việt Nam khẳng định: “Cách thu hút FDI của Việt Nam có vấn đề và cần phải thay đổi.”

Theo ông, thứ nhất, phải thay đổi tư duy chiến lược, cần chú trọng vào chất lượng FDI thay vì số lượng như thời gian qua; thứ hai, bằng mọi cách phải kết nối được khu vực FDI với khu vực nội địa; thứ ba, quan trong nhất, cần phải có chính sách để khu vực nội địa lớn lên nhanh trên cơ sở là khu vực được ưu tiên, chứ không phải chỉ ưu tiên cho khu vực FDI, bởi khu vực nội địa mới là nội lực quyết định phát triển kinh tế.

Ngoài ra, theo ông Thiên, tham nhũng trong việc sử dụng vốn ODA (vốn hỗ trợ phát triển chính thức) thời gian qua cũng là vấn đề gây cản trở rất lớn đối với phát triển kinh tế của đất nước.

Theo ông, cơ chế phân phối vốn ODA theo kiểu “xin-cho” tự bản thân nó đã tiềm chứa rất nhiều nguy cơ xảy ra tham nhũng, cho nên việc có những vụ tham nhũng vốn ODA gây chấn động thời gian qua cũng không phải là điều quá ngạc nhiên. “Vì vậy, vấn đề đặt ra trong quản trị vốn ODA sắp tới là phải thay đổi trong việc phân phối vốn,” ông đề xuất.

Xem thêm:

Để lợi ích của vốn FDI không chỉ là luồng tiền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới