Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: Bảo hiểm cần đẩy mạnh số hoá để tăng sức cạnh tranh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: Bảo hiểm cần đẩy mạnh số hoá để tăng sức cạnh tranh

Dũng Nguyễn

(TBKTSG Online) – Chia sẻ tại Diễn đàn và Triển lãm quốc gia về Bảo hiểm Việt Nam 2019 do Bộ Tài chính tổ chức tại TP.HCM mới đây, nhiều lãnh đạo trong ngành bảo hiểm cho biết việc áp dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh là điều không thể thiếu. Dù tốc độ “công nghệ hóa” đang còn chậm, ngành bảo hiểm cũng đầy triển vọng khi giao dịch điện tử trong ngành trở nên thông suốt hơn.

Hiện nay, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể cho thấy rộng đường áp dụng công nghệ. Chẳng hạn như Prudential giới thiệu chatbot hỗ trợ, Generali giới thiệu ứng dụng GenVita tập trung kênh bán hàng và hỗ trợ khách hàng nhiều dịch vụ khác nhau.

Chuyên gia: Bảo hiểm cần đẩy mạnh số hoá để tăng sức cạnh tranh
Công nghệ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành bảo hiểm. Ảnh: V.D

Các công ty cũng cố gắng cải thiện kênh thương mại điện tử, như việc FWD bán sản phẩm qua Tiki, hay Manulife Việt Nam qua Shopee. Câu chuyện của FWD, công ty bảo hiểm nhỏ mới thành lập cũng được kể lại, theo đó, hướng đi của công ty là cố gắng bỏ bớt giấy tờ, yêu cầu, minh họa các quyền lợi đơn giản hơn.

Một điểm chung đặc biệt nữa là các doanh nghiệp tập trung vào chuyện giải quyết câu chuyện của khách hàng đòi quyền lợi. Theo các công ty bảo hiểm nhân thọ, đây là câu chuyện mấu chốt nhất vì đây là bước cuối cùng của một sản phẩm bảo hiểm, phản ánh hình ảnh doanh nghiệp.

Chẳng hạn như Manulife tăng độ hài lòng khách hàng bằng eClaims, khách hàng có thể nộp yêu cầu bồi thường trực tuyến, không cần chứng từ gốc, trong vòng 1 phút có thể nhận phản hồi về kết quả bồi thường. Manulife đưa ra yêu cầu số hóa với mục tiêu cụ thể là tăng trải nghiệm khách hàng, được đo bằng chỉ số khảo sát sự hài lòng.

Trên thực tế, ngành bảo hiểm đặc thù riêng vì cơ chế hoạt động, phụ thuộc nhiều vào tổng đại lý. Trước đây đa phần môi giới nhận tiền trực tiếp và hợp đồng có chữ ký từ khách hàng, rồi nhiều trường hợp rủi ro xảy ra như thất lạc giấy tờ, chậm trễ ghi nhận giao dịch, môi giới bỏ đi,…

Còn ngày nay, hầu như công ty bảo hiểm nào cũng tiến hành số hóa quy trình hoạt động. Khách hàng có thể ký hợp đồng trực tiếp, tiền ngay lập tức chảy về công ty trong vòng 24h được nộp nhiều kênh khác nhau thậm chí cả ví điện tử và hóa đơn điện tử có thể được xuất ngay lập tức. Các phía tham gia giao dịch như công ty bảo hiểm, môi giới và khách hàng do đó đều được lợi.

Theo các diễn giả, nhờ vào việc áp dụng công nghệ, quy trình bán hàng của doanh nghiệp bảo hiểm được cải thiện hơn, quản lý rủi ro tốt hơn đồng thời góp phần làm tăng trải nghiệm khách hàng và là cơ sở quan trọng để tăng doanh thu. “Ứng dụng công nghệ là câu chuyện bắt buộc, nếu không làm thì không thể phát triển thị trường”, đại diện AIA cho biết.

Tuy nhiên, tại diễn đàn, nhiều diễn giả cũng nhận định rằng tốc độ áp dụng công nghệ vào ngành bảo hiểm vẫn còn chậm.

Chẳng hạn, theo bà Tina Nguyễn, Tổng Giám đốc của Generali Việt Nam, việc bán hàng trực tuyến với các sản phẩm bảo hiểm đã xuất hiện từ lâu, phi nhân thọ thì dễ dàng hơn nhưng bảo hiểm nhân thọ thì khó áp dụng vì tính đặc thù của nó, cần tư vấn và thẩm định trực tiếp nhiều hơn. Chính vì vậy, đại diện Generali cho rằng sẽ còn khá lâu nữa người dân mới có thể mua được hiểm nhân thọ trực tuyến.

Trong khi đó, đại diện bảo hiểm Bảo Minh cũng cho biết công ty còn một số vướng mắc liên quan đến câu chuyện hóa đơn điện tử chưa sát với doanh thu thực tế ghi nhận và phát sinh do đặc thù ngành.

Đại diện cho một doanh nghiệp bảo hiểm cũng nhận định rằng, thực tế công nghệ áp dụng trong ngành bảo hiểm hiện nay không có gì mới, hiện cũng chỉ dừng lại câu chuyện ở tự động hóa các công đoạn, quy trình. Trong khi đó, các sản phẩm tiếp cận kệnh trực tuyến thì cũng chỉ dừng lại ở một bộ phận lớp trẻ quan tâm.

Trong bài chia sẻ của mình, bà Bà Bùi Thị Kim Quy, Phó Tổng Giám Đốc phụ trách Khối Nghiệp Vụ và Hỗ trợ Kinh Doanh, Aviva Việt Nam, dẫn lại thông tin cho biết qua khảo sát, có đến 58% khách hàng vẫn "thích" nói chuyện với con người để có câu trả lời nhanh hơn thay vì máy móc.

Công nghệ ảnh hưởng đến tất cả khâu trong quy trình hoạt động của một công ty bảo hiểm, từ đầu vào đến đầu ra. Nguồn: Aviva Việt Nam.

Thay đổi lớn nhất trong ngành bảo hiểm trong thời gian tới là Nghị định 165 của Chính phủ ban hành năm 2018. “Đây là nghị định đã khá toàn diện và rộng đường cho các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển”, ông Ngô Việt Trung, Phó Cục trưởng, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính nhận định.

Nghị định này đã cụ thể hóa tối đa các nội dung xoay quanh chứng từ điện tử trong hoạt động tài chính, đặc biệt là phương thức xác thực chứng từ điện tử được công nhận bên cạnh chữ ký số, là nền tảng giúp bảo hiểm giảm bớt các giấy tờ trong quy trình hoạt động của mình.

Theo TS. Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học & Thống kê tài chính, Bộ Tài chính, Nghị định 165 bao quát toàn diện các giao dịch điện tử, trong đó bao gồm kinh doanh bảo hiểm. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể khai thác lợi ích của giao dịch điện tử/hệ thống công nghệ thông tin để tạo lợi thế cạnh tranh và sáng tạo các loại hình sản phẩm mới ứng dụng công nghệ.

Một trong những điểm mấu chốt khác là đề án xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho bảo hiểm. Yêu cầu đặt ra đối với dữ liệu dùng chung của ngành bảo hiểm là vừa để quản lý giám sát, vừa xây dựng cơ sở tính toán phí bảo hiểm thuần, kiểm soát rủi ro và trục lợi bảo hiểm, giảm thiểu cạnh tranh không lành mạnh, ông Trung cho biết.

Tuy nhiên, tốc độ xây dựng kho dữ liệu dùng chung vẫn còn chậm, theo nhận định của nhiều chuyên gia tại diễn đàn. Các doanh nghiệp cũng đang cần cơ sở dữ liệu để kết nối, đã có giải pháp đưa ra nhưng việc triển khai thì chưa được như kỳ vọng.

Theo bà Tina, điều quan trọng là khuyến khích người dân sử dụng công nghệ nhiều hơn, hợp đồng điện tử không phải ai cũng đồng ý nhận, họ cần một bộ hồ sơ giấy để vững tin vào con dấu. “Vì vậy, muốn câu chuyện này phát triển thì cả ngành phải cùng nhau làm thì mới đạt được hiệu quả, rủi ro gì thì cùng nhau giải quyết cũng dễ dàng hơn”, bà Tina kết luận.

Hiện nay thị trường bảo hiểm Việt Nam có 64 đơn vị bảo hiểm, trong đó có 30 công ty bảo hiểm phi nhân thọ, 18 bảo hiểm nhân thọ, 2 công ty tái bảo hiểm và 14 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, có 1 chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.

Tính đến tháng 9-2019, tổng giá trị tài sản thị trường bảo hiểm ước đạt 441.000 tỉ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018. Tổng doanh thu bảo hiểm ước đạt 112 ngàn tỉ đồng, tăng 20%, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 28.000 tỉ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ.

Theo Đề án Cơ cấu lại thị trường chứng khoán và thị trường bảo hiểm đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025, ngành bảo hiểm sẽ tăng trưởng bình quân 20% đến năm 2020 và 15%/năm trong giai đoạn 2021-2025.

Dự kiến đến năm 2020, có 11% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ và 15% vào năm 2025. Doanh thu phí bảo hiểm bình quân trên GDP, ước đạt 3% vào năm 2020 và 3,5% vào năm 2025.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới