Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: Cần biện pháp quản lý dài hơi cho thị trường vàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: Cần biện pháp quản lý dài hơi cho thị trường vàng

Thanh Thương

Thị trường vàng cần có biện pháp quản lý dài hơi hơn. Ảnh: HT.

(TBKTSG Online) – Việc cho phép các doanh nghiệp nhập vàng đã giúp thị trường bình ổn trong một thời gian ngắn. Thế nhưng, trong vài ngày gần đây, giá vàng trong nước lại trở về trạng thái cao hơn giá vàng thế giới gần 600.000 đồng/lượng. Theo các chuyên gia, cần có biện pháp quản lý dài hơi hơn để thị trường vàng thực sự bình ổn.

Trong ngày 19-10 khi giá thế giới chỉ tăng nhẹ hơn 3 đô la Mỹ/ounce trên thị trường New York vào đêm ngày thứ Hai, 18-10 thì giá vàng trong nước đã tăng cao. Và hôm nay, 20-10, khi giá thế giới giảm mạnh 36,1 đô la Mỹ/ounce (khoảng 965.000 đồng/lượng) thì giá trong nước chỉ giảm 490.000 đồng/lượng

Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá vàng trong nước tăng mạnh hơn và giảm chậm hơn so với giá thế giới có 2 nguyên nhân. Đó là việc đô la Mỹ trên thị trường tự do khan hiếm, khiến giá tăng cao, hiện đã vượt 20.000 đồng/đô la. Thêm vào đó, sức mua của người dân hiện tại có tăng so với sức bán, từ ngày 15-10 trở lại đây, lượng vàng bán ra của PNJ khoảng 600 lượng/ngày, trong khi mua vào chỉ khoảng 300 lượng. Mặc dù vẫn còn vàng tồn kho, nhưng theo bà Cúc thì doanh nghiệp vẫn phải cân đối trạng thái để luôn có vàng khi cần nên không thể hạ giá như giá thế giới.

Bà Cúc cho rằng, việc vàng nhập trong ngày 12-10 vừa qua chỉ giúp hạ nhiệt thị trường trong vài ngày vì lượng nhập chỉ khoảng hơn 2 tấn. “Khi cầu vàng tăng nhanh thì lượng vàng nhập về này không thể giúp cho thị trường bình ổn”, bà Cúc nói.

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Trung Khánh, cố vấn Hội đồng Vàng thế giới, Phó chủ tịch Hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam việc nhập vàng là kịp thời, nhưng chỉ là biện pháp ngắn hạn, không có tính dài hơi trong quản lý thị trường vàng. “Vì thực tế, khi giá vàng chênh lệch cao thì hiện tượng nhập vàng lậu đã diễn ra. Đô la Mỹ trên thị trường tự do đã được mua gom để nhập vàng lậu, ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường ngoại tệ và tình hình kinh doanh của doanh nghiệp có nhu cầu mua ngoại tệ trong tình hình cung ngoại tệ chưa hết căng thẳng như hiện nay”, ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, Ngân hàng Nhà nước nên linh hoạt hơn trong việc cấp hạn ngạch cho các doanh nghiệp để không xảy ra hiện tượng khan hàng như vừa qua. Việc nhạy bén trong cách tính toán xuất hay nhập, vào thời điểm nào, dù là với số lượng không nhiều cũng sẽ khiến thị trường ổn định, tránh được sự chênh lệch không đáng có, và gây hoang mang cho người dân như khi giá vàng liên tục tăng nhanh trong những ngày qua.

Trong khi đó, ông Đinh Nho Bảng, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng ngoài việc điều hành kịp thời trong xuất, nhập vàng để không tạo ra hiện tượng thị trường bị cô lập thì một việc rất cần thiết hiện nay là nhà nước nên kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động của thị trường này, phải xử lý nghiêm các vụ vi phạm về “làm giá”…để thị trường vàng hoạt động minh bạch hơn.

Theo bà Nguyễn Ngọc Quế Chi, Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank-SBJ, muốn tháo gỡ nút thắt cho thị trường vàng thì việc cần thiết là phải tăng nguồn cung ngoại tệ để không xảy ra tình trạng khan hiếm đô la, đẩy giá đô la và giá vàng tăng mạnh. Muốn vậy, nhà nước phải khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu bán ngoại tệ và tăng thu hút đầu tư nước ngoài…

Theo ông Bảng, việc dự trữ vàng trong nhà đã là truyền thống của người Việt Nam, và trong lúc sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn thì nhiều luồng tiền đang tìm đến kênh vàng để tìm kiếm lợi nhuận. Và dù vài năm trở lại đây, khi ngân hàng tăng lãi suất huy động thì người dân cũng có gửi vàng nhưng không nhiều so với lượng vàng trữ tại nhà.

Ông Bảng cho rằng để thu hút được vàng trong dân, cần tháo nút thắt “cấm đầu tư vàng tài khoản ở nước ngoài” của các ngân hàng, để họ có thể an tâm về tính thanh khoản và tiếp tục huy động vàng, và người dân thấy được lãi suất hấp dẫn để gửi vàng. “Để tránh đầu cơ, nhà nước có thể kiểm soát các giao dịch này, và ngân hàng thương mại cũng phải báo cáo với Ngân hàng Nhà nước về những động thái mua bán của mình”, ông Bảng nói.

Còn theo ông Khánh thì Ngân hàng Nhà nước cũng có thể huy động trái phiếu bằng vàng, khi thu được vàng từ dân, nhà nước có thể bán ra để mua tiền đồng hoặc đô la Mỹ đưa vào nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước cũng có thể mua vàng tại thị trường nước ngoài để khi đáo hạn có vàng trả lại cho dân. Nhưng nên mua theo các hợp đồng tương lai để bảo đảm giá, tránh rủi ro cho hệ thống ngân hàng.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới