Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: “Cần loại bỏ việc đặt kế hoạch điều chỉnh tỷ giá”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: “Cần loại bỏ việc đặt kế hoạch điều chỉnh tỷ giá”

Lan Nhi

Chuyên gia: “Cần loại bỏ việc đặt kế hoạch điều chỉnh tỷ giá”
NHNN vẫn trung thành với mục tiêu giữ ổn định tỷ giá cho dù đồng Việt Nam đã mạnh lên nhiều so với các đồng ngoại tệ khác. Ảnh: TL

(TBKTSG Online)-  Trong lúc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn phát đi thông điệp giữ ổn định tỷ giá theo biên độ đã đề ra từ đầu năm thì các chuyên gia kinh tế cho rằng cần loại bỏ việc đặt kế hoạch điều chỉnh đồng Việt Nam giảm 2% khi không có cơ sở khoa học hoặc mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn.

Không nên đặt kế hoạch điều chỉnh

Trong nội dung Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân đang diễn ra tại Vinh (Nghệ An) hôm 22/4, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng nói rằng, tỷ giá có biến động liên tục trong thời gian ngắn vừa qua là diễn biến hết sức bình thường của thị trường.

>>> Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng: “Có cơ sở ổn định tỷ giá”

Bà nói: “Ngay như hôm nay (22/4/2015), tỉ giá giảm mạnh về 21.581- 21.583 đồng/1 đô la Mỹ, thấp hơn mức tỷ giá trần quy định khoảng 200 đồng và vẫn trong tầm kiểm soát của NHNN”. Bà Hồng khẳng định theo dõi số liệu mua bán ngoại tệ của hệ thống cũng cho thấy không có nhu cầu đột biến.

Vẫn theo bà Hồng, tỷ giá là câu chuyện nhạy cảm, không chỉ chịu tác động cung-cầu của thị trường đơn thuần mà còn chịu nhiều tác động từ tâm lý và kỳ vọng. Do vậy, quan điểm của NHNN là việc điều hành tỉ giá cần đứng trên bình diện toàn nền kinh tế, không thể chỉ xem xét xuất khẩu hay nhập khẩu.

Bà nói, NHNN xác định năm 2015 điều hành tỉ giá theo biên độ đã đề ra từ đầu năm (tức là điều chỉnh biên độ tỉ giá xoay quanh mức 2% – PV) trên cơ sở phân tích 5 yếu tố liên quan đến xuất nhập khẩu, dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán, lạm phát và tác động nợ công. Tuy nhiên NHNN vẫn theo sát diễn biến để có điều hành phù hợp và bám sát biên độ định hướng đã đặt ra.

Song tại cuộc Hội thảo “Chính sách tỷ giá của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” do Viện Kinh tế – Tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức cách đây 1 tuần tại Hà Nội, PSG-TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế quốc dân đã có bài viết nhấn mạnh “Cần loại bỏ việc đặt kế hoạch điều chỉnh đồng Việt Nam giảm giá 2%/năm khi không có cơ sở khoa học hoặc mục tiêu cho phù hợp với từng giai đoạn”. Ông Lạng cho rằng, kế hoạch này cần chuyển thành các điều chỉnh cục bộ để ổn định đồng Việt Nam trong tương quan sức mua với đồng đô la Mỹ.

>>> Chuyên gia: Chưa hết lo tỷ giá và nợ xấu

Theo phân tích của ông Lạng, có thể nhận định rằng, trong thời gian khá dài việc ngầm neo buộc đồng Việt Nam với đồng đô la Mỹ đã khai thác được các tác động tích cực như đảm bảo ổn định của đồng Việt Nam trong khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế. Cán cân thanh toán Việt Nam thặng dư liên tục trong 3 năm qua đã góp phần ổn định tiền đồng cho nên mọi điều chỉnh 2% tỷ giá mỗi năm là không cần thiết vì mục tiêu không rõ ràng, thậm chí làm giảm sức mua đối ngoại của tiền đồng.

Mặt khác, ông Lạng còn cho rằng, việc đặt ra kế hoạch điều chỉnh là không phù hợp với tư duy điều hành theo kinh tế thị trường với trọng tâm là lực lượng thị trường điều chỉnh trực tiếp và chủ yếu. Thậm chí kế hoạch này còn gây lúng túng cho các nhà hoạch định chính sách do đưa ra lời hứa sớm hơn thực tế cần thiết.

Đòi hỏi sự đánh đổi

“Vấn đề điều chỉnh tỷ giá, suy cho cùng là sự đánh đổi giữa các mục tiêu khác nhau", tiến sĩ Nguyễn Đức Độ, Viện kinh tế-tài chính nhận định. Ông Độ đặt câu hỏi: nếu NHNN cho rằng nguồn cung đô la Mỹ không thiếu thì sao trên thị trường lại xuất hiện xu hướng đầu cơ giá lên? Và ông tự trả lời rằng, khi thực hiện đầu cơ giá lên, thị trường đã không đặt cược vào sự mất cân đối trong quan hệ cung-cầu về đô la Mỹ. Quan điểm của ông Độ là thị trường đặt cược vào tác động tiêu cực của việc đồng đô la đang mạnh lên tới xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam.

“Khi NHNN dành cho mình một khoảng trống để có sự linh hoạt trong chính sách, thị trường có thêm một khoảng trống để đầu cơ”, theo ông Độ.

Ông cũng nhận định rằng, thị trường hiện không nghi ngờ về sức mạnh của NHNN trong việc kiểm soát tỷ giá song Việt Nam là nước có độ mở kinh tế cao, tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu còn lớn.

Vấn đề hiện nay là trung và dài hạn cần có những khuyến khích để khu vực xuất khẩu tăng trưởng mạnh hơn, tận dụng nhu cầu bên ngoài để ngăn chặn sự dư thừa năng lực sản xuất có thể xảy ra khi nhu cầu tiêu dùng và đầu tư trong nước chưa thể tăng mạnh và bền vững do nợ xấu, nợ công và lãi suất thực vẫn ở mức cao.

Thậm chí ông Độ gợi ý nếu kinh tế vẫn chỉ tăng trưởng trong khoảng 6 % đến 6,2%/năm và có nguy cơ rơi vào tình trạng giảm phát, việc nới rộng biên độ điều chỉnh tỉ giá lên mức 3%/năm cũng cần được cân nhắc; nhất là khi nhiệm vụ hạ mặt bằng lãi suất 1% đến 1,5% đang rất khó thực hiện trong bối cảnh nợ xấu, thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao.

Mời xem thêm:

Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng: “Có cơ sở ổn định tỷ giá”

Đồng tiền có vô cảm?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới