Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: Cần minh bạch hóa ngành khai khoáng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: Cần minh bạch hóa ngành khai khoáng

Tư Hoàng

Chuyên gia: Cần minh bạch hóa ngành khai khoáng
Các chuyên gia cho rằng ngành khai thác khoáng sản cần minh bạch hóa. Ảnh TL.

(TBKTSG Online) – Nhà nước cần minh bạch hóa hoạt động khai thác khoáng sản bằng cách áp dụng các tiêu chuẩn của Sáng kiến minh bạch ngành công nghiệp khai khoáng (Eiti).

Đây là ý kiến chung của các chuyên gia và các nhà quản lý tại buổi hội thảo giới thiệu Eiti do Viện tư vấn phát triển (CODE) tổ chức sáng 24-7 tại Hà Nội.

Ông Trịnh Đình Thắng, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế- Bộ Công Thương, khẳng định bộ này ủng hộ việc Việt Nam tham gia Eiti.

Ông nói: “Bộ Công Thương nhận thấy cần thúc đẩy mạnh hơn tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các bên trong lĩnh vực khai khoáng. Chúng tôi cho rằng, Việt Nam nên tham gia Eiti”.

Ông nói thêm: “Doanh nghiệp khai khoáng cần công khai khoản nộp, chính quyền công khai khoản thu, và cần có cơ quan độc lập giám sát các khoản thu chi này. Eiti là tiêu chuẩn tối thiểu về minh bạch trong khai khoáng”.

Ông Thắng nhận định, ngành công nghiệp khai khoáng ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, hiệu quả kinh tế thấp, phân chia lợi nhuận không đều, và để lại nhiều hậu quả môi trường.

Tại hội thảo, đại diện Công ty TNHH Vàng Phước Sơn, một doanh nghiệp khai thác vàng được niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam cho biết nhiều điểm bất hợp lý trong những khoản thu chi từ phía chính quyền địa phương.

Vị đại diện cho biết, chính quyền huyện, nơi doanh nghiệp này khai thác vàng, phàn nàn rằng huyện không được hưởng lợi từ công ty, dù công ty này đóng góp nhiều cho ngân sách của tỉnh và của trung ương.

Vị đại diện doanh nghiệp cho biết, luật pháp hiện hành chỉ nêu chung chung là doanh nghiệp nên có trách nhiệm với địa phương nhưng không nêu định lượng là bao nhiêu.

Ông cho biết, dù doanh nghiệp vừa mới khai thác được một năm nhưng đã đóng góp khá nhiều cho huyện, song không đáp ứng được như người dân địa phương mong muốn.

“Rốt cuộc là người dân địa phương cảm thấy thiệt thòi, và chính quyền huyện không có nguồn thu”, vị này phàn nàn.

Trong khi đó, ông Đậu Anh Tuấn từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng chính quyền cần xem lại cách quản lý và chi tiêu những khoản đóng góp của doanh nghiệp khai khoáng.

Ông Tuấn nói: “Doanh nghiệp cho rằng, họ đóng phí rất đầy đủ, nhưng không biết chính quyền sử dụng khoản phí này như thế nào. Chẳng hạn như phí bảo vệ môi trường, doanh nghiệp cho biết đóng đầy đủ, nhưng khi môi trường ô nhiễm thì doanh nghiệp bị coi là nguyên nhân trong khi chính quyền địa phương đã sử dụng khoản phí doanh nghiệp đóng để khắc phục môi trường ra sao thì không ai biết”.

Ông Tuấn khẳng định rằng, phải minh bạch được tất cả quá trình này, và áp dụng Eiti sẽ giúp đẩy nhanh quá trình đó.

Ông kêu gọi: Eiti không chỉ là câu chuyện của chính quyền hay doanh nghiệp mà là câu chuyện của cả xã hội và các tổ chức pháp luật dân sự. Tham gia Eiti để chứng tỏ Việt Nam là một nước minh bạch”.

“Minh bạch có lợi cho cả xã hội, nhà nước và doanh nghiệp. minh bạch sẽ giúp phân bổ nguồn lực tốt nhất, và giúp chống tham nhũng”, ông Tuấn khẳng định.

Báo cáo của hội thảo cho biết, các doanh nghiệp lớn của nhà nước như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin); Tổng công ty Thép Việt Nam; Tập đoàn Hoá chất Việt Nam; Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam… hiện đang áp đảo trong khai thác các mỏ khoáng sản quan trọng, quy mô lớn.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều tiềm năng khoáng sản và dầu khí với 5000 điểm mỏ, 60 loại khoáng sản khác nhau. Đóng góp khai khoáng ngày càng tăng, từ 4,6% GDP năm 1995 lên 11% GDP năm 2009.

Sáng kiến minh bạch Eiti được khởi xướng từ năm 2002 bởi cựu thủ tướng Anh Tony Blair tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu về phát triển bền vững Johannesburg, Nam Phi.

Eiti đang được xem như là một trong những công cụ hữu ích để giúp các quốc gia giàu tài nguyên trên thế giới quản lý tốt hơn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo cho ngành khai khoáng có những đóng góp tích cực hơn trong quá trình phát triển.

Cho đến nay, trên thế giới đã có 35 quốc gia thực thi sáng kiến và trên 50 công ty khai khoáng, hàng chục quốc gia phát triển, các tổ chức tài trợ và hàng trăm tổ chức xã hội tham gia, ủng hộ thực thi sáng kiến này.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới