Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: Cần nghiên cứu kỹ dự án thủy lợi lớn ở ĐBSCL

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: Cần nghiên cứu kỹ dự án thủy lợi lớn ở ĐBSCL

Trung Chánh

Chuyên gia: Cần nghiên cứu kỹ dự án thủy lợi lớn ở ĐBSCL
Chuyên gia đề nghị cần chọn cống đập Ba Lai, Bến Tre để nghiên cứu những tác động trước khi đầu tư dự án Cái Lớn – Cái Bé. Trong ảnh là cổng Ba Lai. Ảnh: Internet.

(TBKTSG Online) – Liên quan đến việc đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giai đoạn 1 có vốn đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), một số chuyên gia đã đề nghị cần nghiên cứu thêm về tác động tích cực lẫn tiêu cực của công trình trước khi triển khai.

Trao đổi với TBKTSG Online bên lề hội thảo quốc tế “Thách thức an ninh nguồn nước sông Mêkông và câu chuyện Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) – Việt Nam” được tổ chức tại Cần Thơ hôm 29-5, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (DRAGON) thuộc Đại học Cần Thơ cho biết, kinh phí đầu tư dự án nêu trên là rất lớn, trên 3.300 tỉ đồng, cho riêng giai đoạn 1.

Ông Tuấn nói dự án chưa đưa ra được những dữ liệu đầy đủ để chứng minh việc bỏ ra một khoản tiền lớn như trên để xây đập, thì lợi ích thu được có đủ để bù cho khoản đầu tư đó hay không? “Tăng canh tác, tăng sản lượng (từ việc xây đập bảo vệ vùng ngọt hóa, nếu có), nó có bù được cho những tác động khác hay không, đó là cái chưa chứng minh được”, ông Tuấn cho biết.

Một điểm lưu ý nữa, theo ông Tuấn, đó là hệ sinh thái trong khu vực sẽ bị thay đổi vì ĐBSCL có 3 vùng sinh thái, gồm vùng nước ngọt ở phía trên, vùng nước lợ ở giữa và vùng nước mặn giáp biển. “Bây giờ nếu làm đập chặn ngang thì sẽ làm phá vỡ hệ sinh thái nước lợ, trong khi đó, chưa đánh giá được việc chặn như vậy sẽ có lợi nhiều hay bị hại nhiều”, ông nói.

Theo ông Tuấn, việc xây dựng đập có thể dẫn đến chất lượng nước sẽ thay đổi theo hướng xấu đi, bởi giữa sông và biển có mối quan hệ, biển giúp cải tạo ô nhiễm nguồn nước trong lưu vực sông và như vậy khi công trình đó được xây thì ô nhiễm có khả năng xảy ra ở phần bên trong đập.

Ông Tuấn đặt câu hỏi là việc ngăn mặn, giữ ngọt thông qua xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé để sản xuất lúa (hay một sản phẩm nông nghiệp nào đó liên quan sử dụng nước ngọt) có mang lại lợi ích lớn hơn nuôi tôm hay không? “Đến bây giờ chưa thể chứng minh được rất nhiều vấn đề ở đây (dự án) thì trước tiên cần rút ra những bài học từ cống đập Ba Lai (Bến Tre) – dự án ngăn mặn, giữ ngọt tỉnh Bếnn Tre”, ông Tuấn cho biết.

Ông Tuấn nhấn mạnh rằng nếu chưa rút ra được bài học từ cống Ba Lai thì việc đầu tư làm dự án Cái Lớn – Cái Bé là điều chưa nên trong lúc này.

Ngày 17-4-2017, Chính phủ đã có quyết định số 498/QĐ/TTg về phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, giai đoạn 1.

Theo đó, mục tiêu đầu tư dự án là nhằm kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và tỉnh Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn – Cái Bé. Đồng thời, dự án cũng góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang; Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định; tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua, cải tạo đất phèn và kết hợp phát triển giao thông thủy, bộ trong vùng dự án.

Dự án được đầu tư trong 5 năm, từ 2017 đến 2021, có tổng mức đầu tư dự kiến hơn 3.309 tỉ đồng. Trong đó, vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 là 3.300 tỉ đồng và vốn Ngân sách Nhà nước do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý là 9,5 tỉ đồng.

Về quy mô đầu tư, cụm công trình được xây dựng trong giai đoạn 1 gồm cống Cái Lớn – Cái Bé, đê nối hai cống Cái Lớn – Cái Bé với Quốc lộ 61, kênh nối sông Cái Lớn – Cái Bé và sửa chữa cống Âu Tắc Thủ.

Theo quyết định nêu trên, năm 2017 sẽ hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư, lập thiết kế, giải phóng mặt bằng. Dự án do Ban quản lý Đầu tư và Xây dựng Thủy lợi 10 làm chủ đầu tư và thuộc quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới