Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: Đa phần chưa đồng tình thu phí ô tô vào trung tâm

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: Đa phần chưa đồng tình thu phí ô tô vào trung tâm

Lê Anh

(TBKTSG Online) – Các chuyên gia đa phần vẫn còn băn khoăn và chưa đồng tình với việc thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM để giảm kẹt xe. Qua bàn thảo tại hội nghị phản biện thu phí xe ô tô vào trung tâm thành phố diễn ra ngày 12-12, nhiều chuyên gia đề nghị làm rõ nhiều vấn đề thì mới có cơ sở đánh giá tính khả thi của đề án.

Chuyên gia: Đa phần chưa đồng tình thu phí ô tô vào trung tâm
Theo các chuyên gia việc thu phí xe ô tô vào trung tâm còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ. Ảnh: Lê Anh.

Theo báo cáo thuyết trình của nhà đầu tư là Công ty cổ phần công nghệ Tiên Phong (ITD), để thu phí xe vào trung tâm sẽ thiết lập một vành đai xung quanh khu vực trung tâm 930 héc ta với 34 cổng thu phí. Mức phí được đề xuất từ 30.000 đến 50.000 đồng (tùy loại xe). Giờ thu phí từ 6-9 giờ và từ 16-19 giờ.

Tổng mức đầu tư của dự án là 1.556 tỉ đồng (trước thuế VAT), trong đó chi phí thiết bị chiếm cao nhất với 891,1 tỉ đồng, trong khi chi phí xây dựng chỉ là 40,7 tỉ đồng và các chi phí khác. Vào năm thứ 8 tiếp tục đầu tư thay thế các thiết bị chính đã hết khấu hao với tỷ lệ tái đầu tư là 100% , tổng giá trị tái đầu tư là 538 tỉ đồng (trước thuế VAT). Như vậy, đầu tư ban đầu là hơn 1.000 tỉ đồng.

Về tiến độ, nếu được chính quyền TPHCM chập thuận thì sẽ vận hành thử vào 12-2019, vận hành chính thức năm 2020 cùng với tuyến metro số 1.

Mục tiêu của việc thu phí nhằm giảm ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính của khu trung tâm. Nguồn thu phí sẽ dùng cho đầu tư trở lại cho vận tải hành khách công cộng.

Trong phần thảo luận, luật sư Trương Thị Hòa, cho rằng, theo danh mục phí và lệ phí đã được Quốc hội ban hành, phí đường bộ chỉ có 3 loại và không có phí ùn tắc giao thông. Theo bà Hòa, đề án thu phí ô tô vào trung tâm rất khó đạt được tính hiệu quả kinh tế nếu không có nhiều giải pháp đồng bộ. Bà cho rằng, cần xem xét lại phạm vi thu phí nếu chỉ thu ở quận 1, quận 3 thì không giải quyết được ùn tắc vì nhiều nơi ở thành phố vẫn ùn tắc thường xuyên.

Vị chuyên gia này đặt câu hỏi đề án chưa nêu  được tác động vào nhân dân như thế nào khi thu phí? Đề án cũng chưa nói rõ, TPHCM học tập mô hình nào của nước nào, khi áp dụng vào thành phố có khả thi không?

Tương tự, ông Đồng Văn Khiêm, thành viên hội đồng tư vấn phản biện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM băn khoăn, cần phải cân nhắc rất kỹ khi thu phí và có sự đồng thuận cao của người dân. Ông nhận định, đề án chưa có được sự điều tra, khảo sát bằng số liệu cụ thể, lượng xe đi vào trung tâm hàng ngày là bao nhiêu? Đề án cũng chưa phân tích được thời gian cao điểm xe đi vào trung tâm là bao nhiêu, thấp điểm bao nhiêu, xe tải  bao nhiêu, xe con bao nhiêu? Khi đó mới đánh giá phân tích rồi mới đưa ra được giải pháp hạn chế xe nào, hạn chế ra sao để tránh làm xong để rồi không mang lại hiệu quả.

“Tôi rất băn khoăn tính khả thi của đề án. Nhà đầu tư thuyết minh khi thu phí thì dân sẽ đi xe buýt , metro số 1 thay thế, tuy nhiên với 1 tuyến metro thì chưa thể đáp ứng được nhu cầu. Còn đối với xe buýt không có đường riêng thì không bao giờ đi đúng giờ. Người dân có thể đi xe buýt đi chơi, chứ đi làm xe đi chậm giờ thì không ai đi rồi lại quay về với xe máy, khi đó hạn chế ô tô thì lại tăng xe máy thì chưa mang lại hiệu quả" ông Khiêm chỉ ra bất cập.

Ông Lâm Thiếu Quân, Tổng giám đốc ITD cho biết, trong  quá trình nghiên cứu xây dựng đề án có mời tư vấn nước ngoài tham gia và đã tiến hành các bước thu thập thông tin từ các lái xe để đánh giá về mức phí ảnh hưởng như thế nào với họ.

Về hiệu quả kinh tế, theo tính toán khi triển khai thu phí, dòng xe sẽ đi nhanh hơn 10%, tiết kiệm cho xã hội là rất lớn. Ước tính việc bỏ ra hơn 1.500 tỉ đồng trong 15 năm có thể đem lại hiệu quả là 245.000 tỉ đồng. “Đây là hiệu quả của toàn xã hội do giảm ùn tắc đem lại chứ không phải hiệu quả trực tiếp từ việc thu phí” ông Quân cho biết.

Vấn đề mà các chuyên gia lo ngại giá cả hàng hóa trong khu vực có thể sẽ tăng khi xe vận chuyển hàng bị thu phí? Ông Quân cho biết, đề án đề xuất chỉ thu trong giờ cao điểm, hiện nay khung giờ cao điểm xe tải cũng bị cấm đi vào trung tâm nên việc thu phí không làm ảnh hưởng đến giá cả.

Về phía cơ quan quản lý, đại diện Phòng cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an TPHCM) cũng băn khoăn việc đặt các cổng thu phí ở phía các tuyến đường trục chính dẫn vào thành phố cũng phải tính toán nếu đặt gần các trạm thu phí BOT, người dân dễ phản ứng. Ngoài ra, cần có các bãi đậu xe tại các cổng thu phí để người dân có nơi gửi xe để đi phương tiện công cộng vào trung tâm.

Một số chuyên gia cũng đặt nhiều câu hỏi cần làm rõ như việc thu phí sử dụng vào việc gì có công khai minh bạch không ? Cần đánh giá kỹ tác động về mặt xã hội, khi thu phí vào trung tâm giá cả ở đây có thể sẽ tăng lên?

Ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, sau hội thảo sẽ tiếp thu ý kiến góp ý của các chuyên gia để tiếp tục chỉnh sửa đề án trước khi trình chính quyền thành phố xem xét.

Mời xem thêm:

>> Nhu cầu đi lại và bài toán thu phí ô tô vào khu trung tâm

>> Thận trọng với thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới