Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: Đừng quá thành kiến với đầu tư đa ngành

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: Đừng quá thành kiến với đầu tư đa ngành

Thanh Thương

Chuyên gia: Đừng quá thành kiến với đầu tư đa ngành
Ông Võ Trí Thành, (thứ hai từ trái qua) đang trao đổi với đại biểu tham dự trong hội thảo "Quay về cốt lõi" do báo Nhịp cầu đầu tư tổ chức ngày 22-10. Ảnh: Thanh Thương

(TBKTSG Online) – Tại hội nghị đầu tư 2013 với chủ đề "quay về cốt lõi", nhiều diễn giả cho rằng  quan điểm về việc đầu tư ngoài ngành khiến nhiều công ty làm ăn thất bại là chưa chính xác. Thực tế nếu doanh nghiệp dựa trên hệ thống quản trị hiệu quả, và dựa trên nền tảng năng lực cốt lõi để phát triển, thì việc đơn ngành, hay đa ngành cũng khó gây đổ vỡ công ty.

>> TPHCM còn 17 DNNN đầu tư ngoài ngành

Nhưng thế nào là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi, ông Nguyễn Minh Triết, Giám đốc điều hành Công ty tư vấn Stragery Asia cho rằng đã có những cách hiểu chưa chính xác, cụ thể như với các doanh nghiệp quay về cốt lõi là quay về kinh doanh truyền thống, mà thực chất đó là kinh doanh theo năng lực cốt lõi, theo thế mạnh của công ty để đủ sức cạnh tranh với đối thủ.

Đồng thời, các khái niệm cho rằng kinh doanh cốt lõi luôn bất biến theo thời gian, mở rộng danh mục kinh doanh là rời khỏi lĩnh vực kinh doanh cốt lõi đều không đúng hoàn toàn, theo ông Triết. Quan trọng nhất vẫn là đầu tư xoay quanh trục chính là năng lực cốt lõi để tạo ra thành công. Còn nếu đầu tư dàn trải trong lúc khả năng quản trị không tốt thì vẫn khó để cạnh tranh với các đối thủ khác vì dàn trải vốn, sức chống đỡ rủi ro yếu đi và khả năng bị các đối thủ cạnh tranh loại bỏ là rất lớn.

Mai Linh là một tập đoàn mạnh về cung cấp dịch vụ taxi , nhưng lại đầu tư quá nhiều vào các lĩnh vực không liên quan như giáo dục, bất động sản… khiến cho sự kiểm soát hoạt động khó, dẫn đến sự thua lỗ trong các năm qua”, ông Triết đưa ví dụ về việc đầu tư đa ngành không hiệu quả.

Ông Triết cho rằng việc kinh tế khó khăn lại là cơ hội để doanh nghiệp nhìn lại hoạt động kinh doanh của mình, giúp doanh nghiệp tìm ra năng lực cốt lõi và tập trung vào phát triển các lĩnh vực tạo ra sự tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp. Hầu hết các doanh nghiệp trước kia xem nhẹ các lĩnh vực cốt lõi, khi dễ dàng trong việc kiếm ra tiền, thì nay đã thay đổi quan điểm.

Còn ông Dominic Scriven, Giám đốc điều hành Dragon Capital, cho rằng trong thời điểm hiện nay, kinh doanh cốt lõi là rất cần thiết, song cũng không thể chấp nhận việc tập trung vào một lĩnh vực trong trạng thái ngủ quên, vì nó không đảm bảo cho thành công. Ông Scriven cho rằng mô hình tốt hơn vẫn là mở rộng kinh doanh thông minh bằng cách tích hợp các lĩnh vực dựa trên việc quản lý kinh doanh hiệu quả.

Ông Scriven cho rằng trên thế giới có những tập đoàn đa ngành thành công như Berkshire Hathaway, Vigin, Reliance, đa phần họ đều có những người lãnh đạo tốt. “Bí quyết để có một tập đoàn thành công là phải có những lãnh đạo kinh nghiệm vì phải trải qua nhiều thất bại rồi mới thành công được”, ông Scriven nói thêm.

Theo ông Scriven, những yếu tố quan trọng khi doanh nghiệp muốn mở rộng kinh doanh là phải có lãnh đạo có năng lực xuất sắc, phân tích kinh doanh tốt, để khi có kế hoạch thoái vốn cần thiết phải được thực hiện kiên định, tránh gây nhiều tổn thất cho công ty.

Theo ông Scriven, ở Việt Nam có một số công ty chỉ tập trung vào đầu tư cốt lõi như Vinamilk, nhựa Bình Minh, FPT, Dược Hậu Giang. Nhà đầu tư nước ngoài đã bỏ vốn vào các công ty này từ rất lâu. Tỷ lệ nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài luôn hết hạn mức quy định.

Tuy vậy, theo ông Scriven, không có gì đảm bảo là công ty kinh doanh tập trung không có những rủi ro. Với những vấn đề phải đối diện như chu kỳ kinh tế thay đổi, công nghệ thay đổi, lối sống thay đổi, doanh nghiệp lại thiếu hiểu biết về thị trường mới thì chắc chắn doanh nghiệp dạng này sẽ gặp khó khăn vì họ không xoay chuyển tình thế nhanh như công ty có nhiều lĩnh vực.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cơ điện lạnh REE cho rằng hiện công ty bà cũng bỏ vốn vào rất nhiều công ty khác, nhưng thực tế, là những công ty có liên quan đến ngành nghề cốt lõi của REE, đó chính là một trong những lý do khiến cho REE không gặp rủi ro nhiều trong hoạt động đầu tư như năm 2009 mà công ty đã từng gặp phải.

Nhìn ở góc độ vĩ mô, ông Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Quản lý kinh tế trung ương, cho rằng phải hiểu việc kinh doanh cốt lõi không phải chỉ là kinh doanh đơn ngành hay đa ngành. Mỗi loại đầu tư kể cả đơn ngành, hay đa ngành, đều có những rủi ro và cơ hội. Tuy vậy, vấn đề đa ngành ở Việt Nam lại có những cái khác, như nhượng quyền thương mại nhưng năng lực quản trị không được, bỏ tiền vào bất động sản, chứng khoán nhưng không kiểm soát được rủi ro, đó mới chính là cái cần phải tái cơ cấu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới