Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: giám sát yếu kém, giá xăng còn tăng nhiều

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: giám sát yếu kém, giá xăng còn tăng nhiều

Vũ Yến

Chuyên gia: giám sát yếu kém, giá xăng còn tăng nhiều
Giá xăng tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của nhiều mặt hàng. Ảnh: Thành Hoa

(TBKTSG – Online) – Sau khi giá xăng RON 92 tăng lên mức kỷ lục 25.640 đồng/lít – lần tăng giá thứ hai chỉ trong vòng 14 ngày, nhiều chuyên gia cho rằng giá xăng sẽ tiếp tục "tăng nhiều, giảm ít", khi cơ chế giám sát vẫn còn yếu kém.

Tính chung 7 tháng đầu năm này giá xăng dầu đã được điều chỉnh 10 lần với 5 lần tăng và 5 lần giảm; nhưng trong đó, xăng là mặt hàng duy nhất từ đầu năm không giảm giá mà chỉ có tăng với tổng mức tăng 5 lần là 1.430 đồng.

Việc tăng giá xăng liên tiếp tất nhiên có ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Giá xăng tăng sẽ kéo theo sự tăng giá của rất nhiều mặt hàng, mớ rau muống cũng sẽ tăng trong khi đó tiền lương, thưởng không tăng.

Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn, trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM, điều cay đắng và đáng tiếc trong điều hành giá xăng dầu hiện nay là không có cơ sở minh bạch chứng minh sự cần thiết phải tăng giá xăng, ngoại trừ giá cơ sở tăng. Mà giá cơ sở này lại được quyết định bởi giá của một thị trường khác (giá xăng tại Singapore) chứ không phải từ chi phí thực, chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Như thế, việc lấy giá cơ sở của một thị trường khác để tăng giá bán lẻ không phải lấy giá trị thực mà là lấy giá trị tham chiếu trong khi người dân phải trả số tiền thực. Thế nên, việc các cơ quan chức năng khẳng định rằng việc tăng giá là tránh lỗ cho doanh nghiệp sẽ tạo ra sự bất an cho người tiêu dùng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, việc tăng giá xăng liên tục như hiện nay tất yếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chỉ số CPI trong cả nước thời gian sắp tới.

Nói thêm về dự thảo sửa đổi Nghị định 84 mới đây nhất cho phép doanh nghiệp (DN) xăng dầu có quyền tự quyết mức tăng giá trong phạm vi 3% (tương đương khoảng 500 đồng/lít), theo ông Sơn là một tín hiệu tốt, nhưng điều đó chỉ thực sự có giá trị khi nằm trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh. Thực tế, thị trường xăng dầu ở Việt Nam hiện nay đang là độc quyền nhóm với thị phần khoảng 50% thuộc về Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).

Ông Sơn khẳng định, việc doanh nghiệp được quyền định giá chỉ tối ưu khi đáp ứng được các điều kiện sau: có sự cạnh tranh lành mạnh giữa nhiều doanh nghiệp với nhau, có một cơ chế chống lạm dụng và cơ chế giám sát tốt. Để doanh nghiệp tự định giá khi mà cơ chế chống lạm dụng và cơ chế giám sát còn yếu thì rất nguy hiểm, theo ông Sơn.

Doanh nghiệp được quyền định giá theo giá tham chiếu mà không dựa trên giá trị thực thì phải có cơ sở pháp lý để buộc doanh nghiệp phải giảm giá khi giá cơ sở giảm. Ở các nước trên thế giới, cách tính giá xăng, sự tăng – giảm có sự linh hoạt. Còn ở Việt Nam, tăng giá xăng thì lũy tiến, liên tục mà giảm thì rất hiếm khiến người tiêu dùng có quyền nghi ngờ sự giám sát kém hiệu quả của cơ quan quản lý.

Dự thảo sửa đổi Nghị định 84 thay đổi việc tính giá cơ sở làm căn cứ điều chỉnh giá sẽ được lấy trong 15 ngày cuối của chu kỳ dự trữ 30 ngày, không phải lấy 15 ngày đầu như dự thảo trước. Về thay đổi này, ông Sơn cho là đúng về mặt lý thuyết để tránh tình trạng tăng, giảm giá bất thường. Thế nhưng, cách tính này lại lộ ra nhược điểm là lấy giá xăng quá khứ để áp cho giá xăng hiện tại và tương lai. Giá bán xăng theo đó, luôn là giá bán quá khứ. Vì vậy, doanh nghiệp có lỗ là lỗ ở quá khứ chứ không phải lỗ ở hiện tại và tương lai. Điều này dẫn tới hệ lụy là giá xăng vẫn được xây dựng trên một cơ sở giả định mà không có tác dụng thực tế đối với người tiêu dùng.

Ông Sơn cũng cho rằng, với cơ chế giám sát kém hiệu quả như hiện nay người tiêu dùng sẽ còn phải than thở dài khi giá xăng sẽ còn tăng liên tục.  

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới