Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia góp ý thêm về dự thảo “một luật sửa nhiều luật”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia góp ý thêm về dự thảo “một luật sửa nhiều luật”

Chính Phong

Chuyên gia góp ý thêm về dự thảo “một luật sửa nhiều luật”
Nhiều vướng mắc về thủ tục không đáng có ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế. Trong ảnh: Sản xuất sơn tại một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Minh Khuê

(TBKTSG Online) – Dự thảo “Luật sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh” mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì soạn thảo được các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước, hiệp hội ngành nghề coi là một tiến bộ, giúp rút ngắn và tối ưu hóa quy trình lập pháp, giảm thiểu chi phí, nguồn lực, tránh tính dàn trải trong các khâu của quá trình lập pháp.

Tuy nhiên, trong dự thảo luật được gọi nôm na là “một luật sửa nhiều luật” này, tổ soạn thảo chỉ mới “dám” đề xuất sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ 84 điều, khoản, mục trong 12 luật Đầu tư, Kinh doanh, Đất đai, Xây dựng, Bảo vệ môi trường, Quản lý thuế, Quảng cáo, Nhà ở, Khoáng sản, Điện ảnh, Đấu thầu, và Quy hoạch đô thị. Trong khi đó, nhu cầu sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các điều, khoản, mục của các doanh nghiệp và hiệp hội ngành nghề lớn hơn nhiều mà dự thảo luật nêu trên chưa bao quát được.

Vẫn biết là ôm đồm sửa đổi một lúc quá nhiều luật là một điều phức tạp, mất nhiều thời gian rà soát và có thể còn không được Quốc hội thông qua. Nhưng một số chuyên gia cho rằng đã sửa đổi thì nên sửa đổi những điều, khoản, mục gốc rễ trong các luật để doanh nghiệp có môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hơn.

Các chuyên gia đã nêu lên một số vướng mắc lớn để kiến nghị Bộ Kế hoạch-Đầu tư đưa thêm vào dự thảo này.

Luật sư Trần Anh Đức, thành viên CLB luật sư thương mại quốc tế Việt Nam (VBLC), nêu ví dụ, trước đây, trong lĩnh vực đầu tư nước ngoài, chỉ có một Giấy chứng nhận đầu tư. Nhưng nay, Luật đầu tư 2014 đang áp dụng tách thành ba loại giấy phép gồm Giấy chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, và Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Có nhiều loại giấy như vậy nên mỗi khi cần xin thay đổi một nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như chuyển nhượng vốn, thay đổi tỉ lệ góp vốn thì có thể kéo theo việc phải xin thay đổi nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, gây mất thời gian và chi phí cho nhà đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục thay đổi.

Ông Đức cho rằng nên bỏ Giấy chấp thuận chủ trương đầu tư, vì chỉ nên coi chủ trương đầu tư là thủ tục nội bộ giữa các cơ quan nhà nước với nhau, không nên bắt nhà đầu tư phải xin giấy này. Các cơ quan nhà nước cứ hội ý với nhau, cân nhắc lợi hại của dự án rồi đồng ý hay không đồng ý cho đầu tư, việc này không liên quan đến nhà đầu tư nên đừng bắt họ phải mất thời gian đi lại xin giấy.

Quy định về thời hạn góp vốn hiện đang làm khó cho doanh nghiệp cũng nên được sửa đổi. Trước đây, công ty TNHH có thời hạn ba năm để góp vốn điều lệ. Nay, Luật doanh nghiệp 2014 yêu cầu doanh nghiệp phải góp đủ vốn điều lệ trong 90 ngày kể từ khi thành lập. Thời hạn này quá ngắn đối với các dự án có hạ tầng quy mô lớn, doanh nghiệp khó có đủ thời gian chuẩn bị nguồn vốn.

Liên quan đến chuyện chấp thuận chủ trương đầu tư, Luật bảo vệ môi trường 2014 quy định nhà đầu tư phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong giai đoạn chấp thuận chủ trương đầu tư. Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thì nên bỏ quy định này vì nhà đầu tư bỏ tiền ra làm ĐTM mà không được cấp giấy đầu tư thì tốn tiền của họ, còn nếu họ làm sơ sài lấy lệ thì báo cáo không có ý nghĩa.

Ông Tuấn đề xuất sửa đổi, không cho phép các công ty, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện ĐTM, mà để các công ty tư vấn bên ngoài thực hiện ĐTM và họ phải chịu trách nhiệm pháp lý về tính chính xác của ĐTM. Việc tách ra thế này nhằm đảm bảo tính khách quan giữa việc thực hiện báo cáo với công tác quản lý nhà nước về môi trường.

Như thế, dự thảo “một luật sửa nhiều luật” là một tiến bộ nhưng phạm vi sửa đổi của nó vẫn còn để lại nhiều băn khoăn của các nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Xem thêm:

Bộ KH&ĐT nỗ lực với “một luật sửa nhiều luật”

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới