Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: Không cần thiết phải xây dựng dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: Không cần thiết phải xây dựng dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Liên quan đến quy hoạch xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé, một số chuyên gia cho rằng không cần thiết phải xây dựng hệ thống thủy lợi này. Nhiều ý kiến cho rằng những luận điểm trong bản báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm đề xuất xây dựng dự án là thiếu tính thuyết phục và chưa thực tế.

Chuyên gia: Không cần thiết phải xây dựng dự án thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé
Ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập trình bày tại buổi tham vấn ý kiến chuyên gia diễn ra hôm nay, 28-5, ở Cần Thơ. Ảnh: Trung Chánh

Mục tiêu của việc đầu tư xây dựng dự án nói trên nhằm kiểm soát nguồn nước mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang và tỉnh Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn – Cái Bé. Đồng thời, góp phần phát triển thủy sản ổn định ở ven biển tỉnh Kiền Giang.

Dự án cũng hướng đến mục tiêu chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết thiếu nguồn nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế xã hội ổn định. Việc đầu tư dự án cũng nhằm mục tiêu tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua, cải tạo đất phèn.

Tại buổi tham vấn ý kiến của các chuyên gia về xây dựng dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé được tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 28-5, ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nhấn mạnh rằng, việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi này là không cần thiết.

Theo ông Thiện, bốn luận điểm được đưa ra trong báo cáo đánh giá tác động môi trường, để khẳng định sự cần thiết và cấp bách phải đầu tư dự án nêu trên, chưa có tính thuyết phục .

Luận điểm thứ nhất được nêu ra xuất phát tình trạng khô hạn của mùa khô năm 2016. Thế nhưng, theo ông Thiện, đây là một sự kiện cực đoan 90 năm mới có một lần, không phải là xu hướng chung của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nên không thể căn cứ vào yếu tố cực đoan đó để khẳng định cần thiết phải đầu tư dự án nêu trên.

“Ngay từ tháng 4-2016 chúng tôi đã nói phải hết sức bình tĩnh vì cái này (khô hạn, xâm nhập mặn) không phải là tình hình chung của đồng bằng. Thực tế chứng minh năm 2017 bình thường, 2018 bình thường và thậm chí bây giờ ngồi đây tôi có thể dự đoán năm 2019 cũng bình thường”, ông cho biết.

Luận điểm thứ hai được viện dẫn là nguy cơ nước biển dâng. Ông Thiện cho rằng, đây là luận điểm thiếu căn cứ, không đúng với thực tế của ĐBSCL, tức khả năng nước biển dâng đến năm 2100 chỉ khoảng 53 cm, chứ không phải là 1 mét như những kịch bản được đưa ra trước đó.

“Vì vậy, đừng lấy chuyện nước biển dâng đề “hù dọa””, ông nói và cho biết sụt lún đất mới là vấn đề đáng lo hơn. Nguyên nhân sụt lún là do sử dụng nước ngầm vì sông ngòi bị hủy hoại, không chảy được, trong khi lượng phân bón, thuốc trừ sâu sử dụng quá nhiều cho nền nông nghiệp và do đắp đập.

Luận điểm thứ ba được đưa ra để xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé khi nói ĐBSCL gánh trọng trách đảm bảo an ninh lương thực, theo ông Thiện là không đúng vì nói năm khô hạn 2016 an ninh lương thực bị đe dọa, nhưng Việt Nam vẫn xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, tức có dư cả chục triệu tấn lúa, thì rõ ràng an ninh lương thực không hề bị đe dọa.

Luận điểm thứ tư được đưa ra khi nói nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt ở ĐBSCL do tác động của thượng nguồn. Ông Thiện không đồng tình và cho rằng đập thủy điện không làm hết nước, mà chỉ có tác động đến phù sa và thủy sản.

Theo ông, việc bỏ ra hơn 3.300 tỉ đồng (giai đoạn 1) để xây dựng dự án thì rất cần sự thận trọng. “Nó liên quan trách nhiệm của những người đưa ra quyết định, đánh giá tác động, phải có trách nhiệm với thế hệ sau, chứ không thể xài tiền một cách vô tội vạ như thế này”, ông cho biết.

Cũng theo ông Thiện, việc xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé có thể đẩy quy hoạch tích hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư rơi vào "thất thủ"; chiến lược phát triển nông nghiệp theo hướng thuận thiên, theo nguyên tắc Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu cũng sẽ thất bại.

Ông Dương Văn Ni, chuyên gia về đa dạng sinh học thuộc trường Đại học Cần Thơ cho rằng, ĐBSCL có nhiều dự án thủy lợi lớn như dự án ngọt hóa Bán đảo Cà Mau; dự án thoát lũ ra biển Tây, dự án Ô Môn – Xà No…, nhưng chưa hề được đem ra mổ xẻ, đúc kết. “Chúng ta mổ xẻ xem những cái ngày xưa chúng ta xem là tốt đẹp, thì khi thực hiện nó được cái gì, không được cái gì để rút tỉa, để cái sau không giẫm lại cái cũ”, ông nói.

Theo ông Ni, với một dự án đầu tư kinh phí lớn như Cái Lớn – Cái Bé, thì cần phải rất thận trọng để không phải hối tiếc. Việc công bố thông tin, tham vấn ý kiến của những người trong cuộc, của các chuyên gia là cần thiết.

Ông Đặng Kiều Nhân của Viện nghiên cứu Phát triển ĐBSCL thuộc trường Đại học Cần Thơ cũng cảnh báo việc xây dựng dự án thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc phát triển kinh tế-xã hội của vùng ĐBSCL, đi ngược lại mục tiêu phát triển ĐBSCL theo hướng thuận thiên như chỉ đạo của Chính phủ.

Dự án thủy lợi Cái Lớn  – Cái Bé được chia làm hai giai đoạn. Trong đó, các công trình xây dựng ở giai đoạn 1 gồm, cống Cái Lớn, cống Cái Bé; đê nối 2 cống với quốc lộ 61; kênh nối sông Cái Lớn – Cái Bé; sửa chữa âu Tắc Thủ. Còn giai đoạn 2 sẽ nạo vét kênh Thốt Nốt và kênh KH6; sửa chữa cống, âu Tắc Thủ; cụm công trình bờ kênh Chắc Băng và sông Trẹm; cống Lương Thế Trân; cống Ông Đốc; cống Xẻo Rô; cống Ngọn Tắc Thủ và trạm bơm Tắc Thủ.

Mời xem thêm:

Chuyên gia: Cần nghiên cứu kỹ dự án thủy lợi lớn ở ĐBSCL

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới