Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: Không nên chạy theo tốc độ tăng GDP

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: Không nên chạy theo tốc độ tăng GDP

Ban Cao

Chuyên gia: Không nên chạy theo tốc độ tăng GDP
Ông Trương Đình Tuyển cho rằng, mức tăng trưởng GDP đạt 6,5% đã là rất tốt. Ảnh: HL

(TBKTSG Online) – Tại hội thảo “Kinh tế 2016 – 2017, tự chủ vượt qua thử thách và đón đầu xu thế dịch chuyển kinh doanh” do Tổ chức giáo dục PTI tổ chức chiều 26-6, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cho rằng Việt Nam không dễ đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% cho năm 2016 mà Quốc hội đã đề ra.

Ông Tuyển cho biết, kinh tế Việt Nam đang tiềm ẩn rất nhiều yếu tố bất ổn cần phải xử lý; trong đó, cán cân ngân sách đang rất xấu, nợ công tăng cao, bội chi ngân sách chiếm tỷ lệ lớn, thu luôn không đủ bù chi.

“Nợ xấu chưa được xử lý tốt, chủ yếu là gom về VAMC vì không đủ nguồn lực và thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết tài sản thế chấp, không tạo được thị trường mua bán nợ”, ông Tuyển nói.

Những khó khăn mà kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt khiến lãi suất huy động đang tăng ở tất cả các tổ chức tín dụng và ở tất cả các kỳ hạn, rất khó giữ mặt bằng lãi suất cho vay như năm 2015. Điều này sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hơn nữa, tình hình khô hạn và xâm nhập mặn xảy ra nghiêm trọng ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, và Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp vụ này mà còn ảnh hưởng đến cả vụ sau, năm sau.

Tăng trưởng GDP khu vực nông nghiệp trong quý I đã giảm 1,23%. Tăng trưởng công nghiệp cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (chỉ đạt 6,72% so với 8,74%), kéo theo mức tăng trưởng GDP quý I-2016 chỉ đạt 5,46%, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 đến 0,66 điểm phần trăm.

Cũng lo lắng về vấn đề tăng trưởng kinh tế, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, phân tích, một trong nhiều nguyên nhân khiến nền kinh tế bất ổn là sự tăng trưởng hiện nay lệ thuộc quá nhiều vào đầu vào nhập khẩu, mà ở đây là nhập khẩu từ Trung Quốc. Nền kinh tế đang phải nhập nguyên liệu quá nhiều, nhập khẩu tập trung vào một nước nên độ rủi ro lớn.

“Cấu trúc nền công nghiệp hiện chủ yếu là gia công lắp ráp, khai thác tài nguyên chứ không tập trung vào sản xuất. Một nền công nghiệp chỉ dựa vào bên ngoài thì làm sao phát triển được?” ông Thiên trăn trở.

Bên cạnh đó, ông Thiên nhận định, thực lực doanh nghiệp nội địa đang rất yếu, doanh nghiệp FDI đóng vai trò dẫn dắt, phát triển nền kinh tế. Trên thực tế, đang tồn tại nguy cơ hai nền kinh tế tách biệt nhau trong một quốc gia.

Trước tình hình đó, ông Trương Đình Tuyển đánh giá, năm 2016 phải hết sức coi trọng tăng cường ổn định vĩ mô, không nên chạy theo tốc độ tăng trưởng, và nếu mức tăng trưởng đạt 6,5% đã là rất tốt.

Để đạt được tăng trưởng GDP như kế hoạch thì phải tiến hành tái cơ cấu kinh tế. Dù trong ngắn hạn tăng trưởng sẽ sụt giảm, nhưng ông Tuyển cho là sự sụt giảm lành mạnh và có thể được bù đắp bởi sự cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn đầu tư, gồm vốn đầu tư công và ODA.

“Tiềm năng tăng trưởng GDP nằm ở việc cải cách môi trường kinh doanh, bởi hiện chi phí giao dịch của doanh nghiệp quá lớn, lên đến 20 tỉ đô la Mỹ/năm, chiếm tới 1% GDP”, ông Tuyển nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới