Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: Không nên lấy quỹ đường bộ xây trạm cân

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: Không nên lấy quỹ đường bộ xây trạm cân

Lê Anh

Chuyên gia: Không nên lấy quỹ đường bộ xây trạm cân
Xe chở quá tải là nguyên nhân làm đường nhanh hư hỏng – Ảnh minh họa: Thanh Xuân

(TBKTSG Online) – Để xây dựng 45 trạm cân tải trọng xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề xuất sử dụng một phần quỹ bảo trì đường bộ để làm. Các chuyên gia thì cho rằng không nên sử dụng quỹ đường bộ để xây dựng, việc xây dựng nhiều trạm cân có thể sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực và nên sử dụng cân di động.

>> Lập trạm kiểm tra tải trọng xe Dầu Giây

Đề xuất dùng một phần quỹ đường bộ để xây dựng

Quá trình đầu tư trạm cân được Tổng cục Đường bộ Việt Nam chia làm 3 giai đoạn,  giai đoạn 1 (2012-2015) xây 13 trạm, vốn đầu tư dự kiến 1.031 tỉ đồng; giai đoạn 2 (2015-2020) xây 19 trạm vốn đầu tư 2.428 tỉ đồng; giai đoạn 3 (2020-2030) xây thêm 13 trạm vốn đầu tư dự kiến 2.882 tỉ đồng. Tổng số vốn xây dựng 45 trạm cân là hơn 6.300 tỉ đồng.

Theo phương án trình lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), giai đoạn 2012-2020 tập trung xây 32 trạm cân trên các tuyến quốc lộ có lượng xe tải nặng tăng nhanh như quốc lộ 1, 2, 5, 70, 51, 20, 13, 32…

Về nguồn vốn xây dựng, Tổng cục Đường bộ đề xuất lấy một phần từ quỹ bảo trì đường bộ, vốn ngân sách nhà nước, vốn ODA, BOT… Do quỹ bảo trì đường bộ mới đi vào hoạt động nên đơn vị này đề xuất sau 2015 mới sử dụng quỹ đường bộ để xây dựng.

Hiện tại, Tổng cục đường bộ Việt Nam đang cho hoạt động thí điểm 2 trạm cân tại Dầu Giây (Đồng Nai) trên quốc lộ 1 và trạm cân trên quốc lộ 18 (Quảng Ninh).

Không nên lấy quỹ đường bộ để xây trạm cân

Sau khi tổng kết việc thí điểm 2 trạm cân tại Quảng Ninh và Đồng Nai, mặc dù thừa nhận có nhiều tiêu cực nhưng Bộ GTVT vẫn cho rằng cần có nhiều trạm cân để kiểm soát xe chở quá tải. Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, ông Thái Văn Chung, Tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM, cho rằng khi xây dựng nghị định về quỹ bảo trì đường bộ đã ghi rõ mục đích là sử dụng để duy tu bảo dưỡng đường, việc lấy quỹ để xây trạm cân là việc vô lý.

“Theo tôi việc xây dựng trạm cân để kiểm soát xe chở quá tải là cần thiết, song không nhất thiết phải xây dựng nhiều đến vậy, chỉ nên xây dựng ở những tuyến đường quan trọng. Hơn nữa cần trang bị các thiết bị tự động hóa để tránh tiêu cực và giảm nhân lực không cần thiết ở các trạm cân như hiện nay”, ông nói.

Đồng quan điểm, chuyên gia về giao thông Phạm Sanh cũng cho rằng mục đích thu phí bảo trì đường bộ chính là để bảo trì, duy tu đường. Trước đây, khi thu qua xăng dầu và ngân sách hỗ trợ, ngành giao thông tính toán là không đủ. Như vậy, sử dụng quỹ bảo trì đường bộ để đầu tư xây dựng các trạm cân xe cố định là không hợp lý, người dân đã bức xúc về chuyện thu phí lại càng thêm bức xúc khi 2 trạm cân thí điểm đều có tiêu cực.

Tính bình quân, chi phí xây dựng trạm cân chiếm gần 10% quỹ bảo trì đường bộ và mỗi năm nếu lấy chi phí xây dựng trạm cân để duy tu sửa chữa đường cũng được vài trăm km.

Theo ông Sanh, không nên lấy quỹ đường bộ để xây trạm cân, việc xây trạm cân nên kết hợp với các trạm thu phí BOT, sử dụng vốn ODA, và hay nhất là đầu tư các thiết bị cân di động.

“Có thể thấy, một quy hoạch dài hạn mà chỉ sử dụng công nghệ cân xe cố định là lạc hậu. Tôi thấy, việc kiểm soát tải trọng xe quá tải là việc đáng làm. Tuy nhiên, cách quy hoạch của Tổng cục Đường bộ Việt Nam là không khả thi, không hiệu quả và chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực”, ông nói.

Mặc dù quỹ bảo trì đường bộ mới bắt đầu thu từ đầu năm 2013, nhưng Bộ GTVT đã đề xuất sử dụng quỹ này vào nhiều việc khác ngoài vấn đề bảo trì đường. Cùng với đề xuất sử dụng quỹ để xây trạm cân, bộ này cũng đề xuất Chính phủ lấy quỹ để trả cho các nhà đầu tư đã chuyển nhượng quyền thu phí.

Để tăng thêm nguồn thu cho quỹ bảo trì đường bộ, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội, cho rằng số tiền phạt xe chở quá tải nên đưa vào quỹ bảo trì đường bộ nhằm khắc phục hư hỏng do chính xe đó gây ra, đồng thời tránh được tiêu cực.

“Có nhiều lái xe phản ánh với tôi rằng khi chở hàng vào đến trạm cân Dầu Giây, tỉnh Đồng Nai, chỉ cần đưa cho “cò” 1,2 triệu đồng là qua được trạm cân. Chính việc có trạm cân cố định càng làm nảy sinh tiêu cực nên cần xem xét lại việc xây dựng những trạm cân tiếp theo”, ông Liên nói.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới