Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: không nên quá thắt chặt cung tiền

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: không nên quá thắt chặt cung tiền

Thanh Thương thực hiện

Chuyên gia: không nên quá thắt chặt cung tiền
Bà IVy Au Yeung.

(TBKTSG Online) – Dù lạm phát vẫn là mối nguy hiện hữu đối với một số nước châu Á nhưng Việt Nam không nên thắt chặt cung tiền quá mức, vì điều này sẽ gây ra tình trạng đình đốn cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Đây là nhận định của bà Ivy Au Yeung – giám đốc điều hành khối dịch vụ tài chính thương mại khu vực châu Á của Ngân hàng ANZ khi trao đổi với TBKTSG Online ngày 20-12 nhân chuyến làm việc của bà tại Việt Nam.

TBKTSG Online: Hiện tại Việt Nam cũng như một số nước châu Á đang đối diện với tình hình lạm phát tăng cao, vì vậy nhiều nước hiện đang dùng các biện pháp để thắt chặt cung tiền ra thị trường như tăng lãi suất, giảm tăng trưởng tín dụng…, theo bà đây có phải là phương án tối ưu để giảm lạm phát?  

Bà Ivy Au Yeung: Đúng là để đối phó với lạm phát, các chính phủ đang cố gắng thắt chặt cung tiền ra thị trường. Tuy vậy, tôi cho rằng muốn hạn chế lạm phát thì chính phủ phải điều hành khéo léo và hiệu quả nguồn cung tiền, điều này không có nghĩa là quá thắt chặt mà nên cân nhắc để dòng vốn chảy vào những nơi cần thiết. Vì nếu kìm cung tiền quá nhiều thì kinh tế sẽ chịu những hiệu ứng của nó. Mục tiêu chống lạm phát đang phần nào gây khó khăn cho doanh nghiệp và mục tiêu tăng trưởng của một số quốc gia, vốn không chảy vào nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp khiến nền kinh tế bị đình đốn.

Với việc lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt trong vài tháng gần đây thì tôi cho rằng chúng ta đã nhìn thấy dấu hiệu tích cực trở lại.

Còn về vấn đề lãi suất, nhất là lãi suất tiền đồng đang ở mức quá cao khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng không nhỏ, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có gần 50.000 doanh nghiệp không có hoạt động gì trong 10 tháng đầu năm. Theo bà thì Việt Nam đã đến lúc giảm lãi suất tiền đồng?

– Một cơ sở quan trọng để giảm lãi suất chính là lạm phát, như tôi đã đề cập ở trên, việc giảm lãi suất tiền đồng có thể từ từ xem xét, đặc biệt là lãi suất cho vay, để giúp doanh nghiệp tiếp cận được vốn, vượt qua khó khăn hiện tại. Tuy vậy, việc giảm lãi suất cũng tùy theo đối tượng vay, để dòng tiền đi đúng hướng vào các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, làm lợi cho nền kinh tế, mà lại không làm gia tăng lạm phát.

Hiện tại như tôi được biết thì một số ngân hàng cũng có chương trình giảm lãi suất cho vay. Cụ thể như BIDV vừa đưa ra chương trình cho vay với lãi suất tối thiểu 14,5% cho một số đối tượng cụ thể như tài trợ hàng xuất khẩu, nông nghiệp và phát triển nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, khắc phục bão lũ.

Riêng ANZ chúng tôi có một số những ưu tiên về lãi suất cho doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh. Cụ thể thấp hơn mặt bằng chung của thị trường khoảng 1-2% đối với tiền đồng, còn 2-3% đối với tiền đô la Mỹ, vì ANZ có thế mạnh về ngoại tệ.

Những mức lãi suất như bà vừa nói có dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ? Vì hiện tại ở Việt Nam, chỉ 30% doanh nghiệp có thể tiếp cận được vốn ngân hàng?

– Như tôi được biết, không chỉ ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở hầu hết các nước khác đều khó tiếp cận vốn ngân hàng vì họ không chỉ ra được các chỉ số tài chính thuyết phục theo tiêu chí ngân hàng, cũng có thể họ không biết cách tiếp cận với ngân hàng. Chính phủ các nước cũng có các chính sách bảo lãnh cho doanh nghiệp vừa và nhỏ hoặc kêu gọi ngân hàng giúp đỡ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng tất nhiên không phải tất cả doanh nghiệp đều hội đủ điều kiện.

Tại Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 60-70% trong nền kinh tế, nên việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ là rất quan trọng. Riêng ANZ có dành ra một gói hỗ trợ doanh nghiệp 160 triệu đô la Mỹ (tương đương 3.376 tỉ đồng) trong đó có khối dịch vụ tài chính thương mại bao gồm cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu cho các nhóm ngành như nông sản và các nhóm ngành mang tính cạnh tranh cao như may mặc, thủy sản, ngành mấu chốt của nền kinh tế.

Vậy theo bà thì Việt Nam nên làm gì để hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian khó khăn như hiện nay?

– Theo tôi, nếu có tổ chức đứng ra bảo lãnh, tư vấn làm thủ tục, liên hệ với các ngân hàng có đủ điều kiện để vay thì nguồn vốn mới đến được các đối tượng này. Ở các nước thường có hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, họ sẽ đứng ra làm việc này.

Tôi cũng thấy ở Việt Nam có Ngân hàng Phát triển (VDB) cũng là một kênh hỗ trợ. Đồng thời bản thân các doanh nghiệp nhỏ cũng phải cố gắng chứng tỏ vị trí của mình thông qua việc sử dụng hiệu quả tiền đầu tư, minh bạch thông tin trong báo cáo tài chính. Chúng tôi tin rằng, với sự bắt đầu của các hiệp hội, nhóm doanh nghiệp với các đối tác của mình bao gồm luôn các ngân hàng thương mại song hành với doanh nghiệp, chúng ta sẽ sớm tìm ra phương cách hữu hiệu nhất dành cho nhóm doanh nghiệp, ngành nghề đó trong sự phát triển chung.

Là giám đốc điều hành khối dịch vụ tài chính thương mại, khu vực châu Á của ngân hàng ANZ, xin bà cho biết có dòng vốn nước ngoài nào sẽ vào Việt Nam trong năm sau, và đó có là cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ? 

– Như tôi đã đề cập, những vấn đề Việt Nam đang gặp phải là trong ngắn hạn, vì vậy, nếu nhìn xa hơn, chắc chắn dòng vốn vào thị trường này sẽ không giảm. Theo quan sát của ngân hàng ANZ, gần đây có một xu hướng đáng chú ý là một số lượng không nhỏ các doanh nghiệp từ Úc, và một số nước Bắc Á chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam và một số nước trong khu vực để tận dụng nhân lực rẻ hơn và thị trường tiêu dùng cá nhân mạnh ở tại thị trường nội địa. Tôi cho rằng trong bối cảnh khó khăn của kinh tế trong nước, và chỉ số niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đang sụt giảm thì đây là một trong các dấu hiệu tích cực cho thấy Việt Nam vẫn hấp dẫn các nhà đầu tư.

Và điều này sẽ giúp cho một số doanh nghiệp vừa và nhỏ được hưởng lợi vì nhiều dòng vốn đầu tư thường tìm đến các doanh nghiệp này để có thể thâm nhập vào thị trường nhanh chóng, không mất nhiều thời gian cho các thủ tục phức tạp. Bên cạnh đó, nhà đầu  tư nước ngoài vẫn cho rằng đây là thời điểm tốt để sở hữu doanh nghiệp với giá hợp lý nên nếu các doanh nghiệp nhỏ muốn thực hiện sáp nhập hay bán cổ phần chi phối thì có thể sẽ tìm được đối tác.

Xin cảm ơn bà!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới