Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia kiến nghị nên phát triển cảng Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia kiến nghị nên phát triển cảng Vân Phong

Một góc Đầm Môn – Vịnh Vân Phong, nơi liên doanh Posco-Vinashin đề xuất xây dựng nhà máy thép liên hợp – Ảnh: Vietnamnet

(TBKTSG Online) – Liên quan đến dự án xây dựng nhà máy thép liên hợp Vinashin – Posco tại Vịnh Vân Phong, vị trí vốn trước đây quy hoạch cho dự án cảng trung chuyển quốc tế, các nhà khoa học và chuyên gia trong ngành hàng hải đã bày tỏ ý kiến không đồng tình.

Chiều 25-2, đại diện Văn phòng Trung ương Đảng đã làm việc với đại diện Hội Khoa học và kỹ thuật biển TPHCM, để ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học về dự án nhà máy thép liên hợp Vinashin – Posco tại vị trí tiềm năng dành cho cảng trung chuyển container quốc tế Vân Phong, thuộc khu vực Hòn Ông, tỉnh Khánh Hoà.

Chuẩn đô đốc Lê Kế Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học và kỹ thuật biển TPHCM, cho rằng Vịnh Vân Phong có vị trí đặc biệt quan trọng về mặt kinh tế và quốc phòng đối với đất nước. Đây là nơi duy nhất của Việt Nam có đủ điều kiện cạnh tranh mạnh trong hệ thống dịch vụ cảng trung chuyển container quốc tế, trong tương lai có thể vượt qua cảng Hongkong và Singapore về sức cạnh tranh. Vì vậy, không nên có bất cứ dự án nào gây ảnh hưởng không tốt đến khu vực này.

So sánh lợi ích do nhà máy thép và cảng trung chuyển mang lại cho địa phương, ông Lâm nói rằng về lợi ích gần, nhà máy thép chỉ sau vài năm đầu tư là có thể sản xuất, đóng thuế cho nhà nước, trong khi đầu tư vào Vịnh Vân Phong phải bỏ ra hàng chục tỷ đô la Mỹ trong vài chục năm. Nhưng, dự án nhà máy thép chiếm một phần lớn diện tích của Vân Phong, khiến diện tích còn lại không đủ để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế theo đúng yêu cầu. Xem xét lợi ích mang tính quyết định từ các cảng trung chuyển quốc tế đối với các quốc gia có thể thấy lợi ích lâu dài của Vân Phong.

Ông Lâm cho rằng không nhất thiết đặt nhà máy thép ở Vân Phong, nơi có thể tạo đột phá kinh tế cho Việt Nam, mà có thể chọn địa điểm khác, chẳng hạn Ninh Thuận – nơi đặt tập đoàn than và khoáng sản, hoặc Bình Thuận – nơi phát triển nhà máy điện nguyên tử.

Nhà khoa học này cũng dẫn chứng trường hợp nhà máy đóng tàu Hyundai Vinashin (liên doanh giữa Hyundai của Hàn Quốc và Vinashin) tại khu vực phía Nam Vân Phong. Ban đầu nhà đầu tư khẳng định dự án sẽ không gây ô nhiễm, nhưng bây giờ ô nhiễm từ hạt nix không thể giải quyết được. Từ đó, ông lý luận rằng nhà máy thép của Posco với công suất 8 triệu tấn/năm lại kèm theo một nhà máy nhiệt điện chạy bằng than, dầu hay gas đều gây ô nhiễm rất lớn.

Bộ GTVT từng đề nghị vị trí khác cho nhà máy thép

Ngày 30-11-2007, Thứ trưởng Bộ GTVT Trần Doãn Thọ tiếp ông Cho Chung-Myong, Giám đốc dự án Nhà máy thép liên hợp Posco – Vinashin tại Việt Nam.

Tại buổi tiếp phía Posco đã trình bày về các phương án đặt nhà máy tại Vân Phong (Khánh Hoà). Thứ trưởng cho biết Chính phủ Việt Nam ủng hộ đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phát triển công nghiệp luyện thép, tuy nhiên vị trí nhà máy do phía Posco đề xuất nằm trong Vịnh Vân Phong là nơi duy nhất thích hợp phát triển cảng trung chuyển và là địa điểm đã nằm trong quy hoạch của Chính phủ nên đề nghị phía doanh nghiệp nghiên cứu một số vị trí khác.

(Nguồn: Website Bộ GTVT)

Cùng quan điểm với ông Lê Kế Lâm, các thành viên của hội là Doãn Mạnh Dũng, Ngô Lực Tải, Huỳnh Vân Kha nói rằng dự án nhà máy thép của Posco (Hàn Quốc) chiếm tới 969 héc ta tại khu vực này khiến diện tích dành cho cảng bị thu hẹp, không đủ đáp ứng yêu cầu về cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai. Điều này sẽ khiến Việt Nam mất cơ hội lớn trong cuộc cạnh tranh quốc tế, sự phát triển bị kéo chậm lại nhiều năm.

Các chuyên gia này lý giải rằng Hongkong và Singapore đã thu được nhiều lợi ích từ cảng trung chuyển quốc tế. Hơn nữa, một nhà máy thép được xây dựng tại đây sẽ đặt ra nguy cơ ô nhiễm lớn.

Đại diện Văn phòng Trung ương Đảng cho biết sẽ chuyển  những ý kiến trên của các nhà khoa học đến lãnh đạo Trung ương.

Trước đó, ngày 4-2, Hội Khoa học và kỹ thuật biển TPHCM đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Trung ương để xem xét lại chủ trương cho phép phát triển dự án nhà máy thép tại Vân Phong. Theo hội, mặt bằng trên bán đảo Hòn Gốm rất hạn chế. Dự kiến thành phố Vân Phong trên bán đảo Hòn Gốm không quá 800 héc ta, trong khi đó, diện tích nhà máy thép dự kiến là 969 héc ta.

Công văn trình bày rằng hiếm có vịnh nào đạt độ sâu -30m và ít bị bồi lắng như Vân Phong. Tuyến nước sâu, kín gió là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, không nên xây dựng các công trình trên bờ hay dưới nước làm ảnh hưởng đến tuyến nước sâu. Xét về tiềm năng cảng biển, theo hội ở Việt Nam không có vị trí nào tốt bằng Vân Phong. Ngoài ra, dự án nhà máy thép là cần thiết đối với công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá của Việt Nam, nhưng hoàn toàn có thể được xây dựng ở một nơi khác trong khi cảng trung chuyển container quốc tế thì không có nơi nào thay thế được Vân Phong.

Ngày 18-1, Cục Hàng hải Việt Nam cũng có công văn gửi Thủ tướng kiến nghị Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) giao cho cục nghiên cứu giới thiệu cho Posco – Vinashin một vị trí khác phù hợp với nhu cầu diện tích sử dụng của dự án. Công văn đề nghị Chính phủ và Bộ GTVT ưu tiên phát triển cảng trung chuyển container quốc tế tại Vũng Đầm Môn, Vịnh Vân Phong theo đúng quy hoạch chung Khu kinh tế vịnh Vân Phong đã được phê duyệt”.

MẠNH HÙNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới