Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: Kinh tế năm 2013 vẫn khó khăn

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: Kinh tế năm 2013 vẫn khó khăn

Trung Chánh

Chuyên gia: Kinh tế năm 2013 vẫn khó khăn
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trình bày tại buổi họp mặt hội viên của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ tổ chức hôm 15-3 tại thành phố Cần Thơ – Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Nếu như nợ xấu, hàng tồn kho hay thị trường bất động sản “đóng băng”… là những nguyên nhân ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế Việt Nam trong năm 2012, thì theo nhiều chuyên gia kinh tế tình hình này vẫn còn tiếp diễn trong năm nay.

Với chủ đề: “Tình hình kinh tế 2013”, buổi họp mặt hội viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ được tổ chức tại thành phố Cần Thơ ngày 15-3 đã nhận được những ý kiến đánh giá về tình kinh tế Việt Nam trong năm 2012 và triển vọng 2013.

Theo một số nhà chuyên môn, kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm (2012) nhiều khó khăn, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 5,03%, mức thấp nhất kể từ năm 1999 đến nay.

Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, cho biết khó khăn của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2012 là kết quả của sự tích tụ từ nhiều năm trước mà có rất nhiều nguyên nhân: từ nợ xấu của ngân hàng, hàng tồn kho của doanh nghiệp tăng cao cho đến thị trường bất động sản “đóng băng” và tiêu dùng của người dân sụt giảm.

Báo cáo của ông Doanh cho biết: “Uớc tính Việt Nam hiện có trên 1 triệu tỉ đồng ứ đọng ở thị trường bất động sản và các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước nợ khoảng 1,3 triệu tỉ đồng”.

Ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ, cho biết tăng trưởng nóng thời gian qua là nguyên nhân dẫn đến những khó khăn hiện nay. Phát triển nóng của nuôi và chế biến xuất khẩu cá tra được ông Dũng đề cập như một ví dụ điển hình.

Một số đại biểu tham dự buổi họp mặt trên đặt vấn đề: “Với lãi suất vay ngân hàng đến 15-16%/năm, chúng tôi không hiểu họ (doanh nghiệp) lấy đâu ra tiền để trả lãi ngân hàng?”.

“Tổn thất lớn nhất của năm 2011-2012 và kéo đến năm 2013 là sự mất niềm tin lẫn nhau. Ngân hàng mất lòng tin ở doanh nghiệp, doanh nghiệp cũng mất lòng tin ở ngân hàng, nghĩa là ông đi vay phải có tài sản thế chấp, thì ông cho vay mới giải quyết, chứ không dễ dãi như trước nữa”, ông Doanh cho biết.

Theo ông Doanh, vấn đề trên thể hiện ở chỗ chỉ mới 2 tháng đầu năm 2013 đã có khoảng 8.600 doanh nghiệp ngừng hoạt động, cao hơn so với con số 8.000 doanh nghiệp được thành lập mới. “Nếu không có biện pháp thay đổi gấp thì có thể còn nhiều doanh nghiệp lớn, khá hơn cũng sẽ ngừng hoạt động trong thời gian tới, đó là bức tranh không tích cực cho tình hình kinh tế 2013 của Việt Nam”, ông nói.

Một số đại biểu, cho biết muốn tháo gỡ khó khăn, doanh nghiệp phải tự cứu lấy mình trước khi Nhà nước cứu bằng cách liên kết lại với nhau để giảm chi phí sản xuất và tăng năng lực tài chính.

“Nợ xấu ngân hàng và tồn kho sẽ dẫn đến “đóng băng” tín dụng, mà “đóng băng” tín dụng là căn bệnh mà nền kinh tế nào cũng đáng lo. Vì vậy, nợ xấu của ngân hàng cần phải đưa ra giải quyết ngay, tuy nhiên, giải quyết sẽ đụng chạm đến lợi ích nhóm và liệu có giải quyết được nhanh chóng hay không đó là một vấn đề”, ông Doanh cho biết.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới