Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: Nên buộc DN xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: Nên buộc DN xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu

Trung Chánh

(TBKTSG Online) – Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên kiến nghị với Chính phủ điều chỉnh Nghị định 109/2010/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 109) về kinh doanh xuất khẩu gạo theo hướng khuyến khích nhà xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu ổn định.

Chuyên gia: Nên buộc DN xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu
Nên đưa quy định vùng nguyên liệu vào điều kiện để cấp phép xuất khẩu gạo cho doanh nghiệp theo Nghị định 109. Trong ảnh là nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa – Ảnh: Trung Chánh

Theo đó, ngoài những quy định phải có ít nhất 1 kho chứa chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 tấn, phù hợp theo quy định chung của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành; Có ít nhất 1 cơ sở xay xát với công suất tối thiểu 10 tấn/giờ…, thì Nghị định 109 nên bổ sung thêm điều kiện doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải có vùng nguyên liệu ổn định.

“Hiện nay, việc bao tiêu sản xuất lúa cho nông dân thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn ở các tỉnh ĐBSCL còn chậm vì qua kiểm tra chúng tôi thấy chỉ có doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật, phân bón làm thôi, còn doanh nghiệp xuất khẩu gạo vẫn đứng ngoài cuộc”, ông Bảnh cho biết.

Theo ông Bảnh, trường hợp doanh nghiệp xuất khẩu gạo cùng thực hiện, với 153 doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay (có 99 doanh nghiệp được cấp phép xuất khẩu gạo thời hạn 5 năm theo Nghị định 109 tính đến cuối tháng 8- PV), tối thiểu 1 doanh nghiệp bao tiêu 5.000 héc ta, thì chỉ riêng các doanh nghiệp xuất khẩu gạo sẽ bao tiêu được 700 – 800 ngàn héc ta/vụ.

“Như vậy, với khoảng 1,5 triệu héc ta của vụ đông xuân và 1,6 triệu héc ta của vụ hè thu, nếu cả bên doanh nghiệp xuất khẩu gạo; doanh nghiệp thuốc bảo vệ thực vật và phân bón cùng làm, tôi nghĩ vấn đề tiêu thụ, tồn trữ sẽ được giải quyết”, ông Bảnh cho biết.

Đánh giá của nhiều nhà chuyên môn tại hội nghị: “Tổng kết điều tra nông hộ tạm trữ lúa” được tổ chức tại Đồng Tháp vào chiều 5-11, cho biết hiện khả năng tồn trữ lúa gạo ở Việt Nam yếu kém bởi vì áp lực nguồn cung lúa hàng hóa lớn khi vào vụ thu hoạch rộ, trong khi đó, doanh nghiệp xuất gạo lại không chịu đầu tư kho tồn trữ vì không có vùng nguyên liệu, hầu như chỉ đi thu gom xuất khẩu khi ký được hợp đồng.

Ông Bảnh cho biết việc bổ sung quy định vùng nguyên liệu vào điều kiện để cấp phép cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo theo Nghị định 109 chẳng những giúp họ chủ động được nguồn gạo, nông dân có địa chỉ tiêu thụ lúa mà còn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho chứa nhiều hơn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới