Thứ Ba, 16/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyển giá: nên đối phó như thế nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyển giá: nên đối phó như thế nào?

Nguyên Tấn

Chuyển giá: nên đối phó như thế nào?
Chỉ cần tạo điều kiện sản xuất và tiêu thụ mạnh tại nội địa như các hãng xe máy là sẽ hạn chế được chuyển giá? Ảnh: Quốc Hùng

(TBKTSG Online) – Chuyển giá đang trở thành vấn đề đau đầu của ngành thuế. Có ý kiến cho rằng nên xử lý thật mạnh tay với hành vi này, kể cả truy cứu trách nhiệm hình sự. Có ý kiến thì đề nghị nên xử lý theo những hình thức phù hợp thông lệ quốc tế.

Ngược lại, có quan điểm lại cho rằng chống chuyển giá khó có thể mang lại hiệu quả và chẳng khác nào “lấy trứng chọi đá” vì đằng sau các tập đoàn xuyên quốc gia có sự trợ lực của một lực lượng công ty tư vấn hùng hậu (xem thêm bài đã đăng dưới đây). Bạn đánh giá như thế nào về vấn đề này, xin mời “hiến kế” ở box bên dưới.

>>> Chuyển giá: khó khởi tố!

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau

Cùng với việc thất thu thuế, chuyển giá có thể tạo nên tình trạng cạnh tranh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Thế nhưng, đối phó như thế nào với hành vi này lại có những ý kiến trái chiều nhau.

Thỏa thuận trước về giá

Theo tiến sĩ Phan Hiển Minh, Đại học Mở TPHCM, Việt Nam đang trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới, do đó, đối với vấn đề chuyển giá cần có cách thức xử lý phù hợp với lệ quốc tế.

Một trong những biện pháp đang được chính phủ nhiều nước áp dụng là “thỏa thuận trước về giá giao dịch liên kết” (advance pricing agreement – APA). Thỏa thuận này được thiết lập trên cơ sở thương lượng giữa cơ quan thuế và doanh nghiệp đầu tư vào nước sở tại và có mối quan hệ liên kết với các doanh nghiệp khác.

APA bao gồm các tiêu thức, phương pháp xác định giá, chọn đối tượng so sánh, các điều chỉnh cần thiết, các giả định…

APA được xem là giải pháp tốt nhất trong những trường hợp không có cách nào khác để vừa đảm bảo lợi ích của các công ty đa quốc gia (tránh được việc đánh thuế trùng), vừa đảm bảo lợi ích của đất nước (tất cả lợi nhuận phát sinh trên lãnh thổ Việt Nam đều phải chịu thuế).

Mặt khác, đối với doanh nghiệp liên kết, việc đạt được một APA đồng nghĩa với việc tránh được rủi ro bị mất tiền phạt và chi phí khi phải điều trần khi bị cơ quan thuế phát hiện ra hoặc các phí tổn để giải quyết trong trường hợp xảy ra tranh chấp.

Ông Minh cho rằng với tốc độ phát triển quan hệ thương mại và đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam như hiện nay thì việc đi đến thực hiện quản lý thuế trên cơ sở APA sẽ là một phương pháp quản lý thuế hiện đại mà Bộ Tài chính nên nghiên cứu áp dụng.

Ông Minh cũng đề nghị Việt Nam cần phải quy định rõ việc xử lý đối với các hành vi vi phạm về chuyển giá. Theo ông, thông lệ quốc tế nói chung không áp dụng chế tài hình sự mà chỉ áp dụng hành chính nhưng mức phạt ở hầu hết các quốc gia đều rất nặng.

Không cần chống

Ở một góc nhìn khác, tiến sĩ Nguyễn Vân Nam, Giám đốc Công ty luật Nam Hùng, lại cho rằng chuyển giá là hiện tượng tất yếu, không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên phạm vi thế giới. Trong hoạt động kinh doanh mang tính toàn cầu, thuế rẻ tạo nên một lợi thế cạnh tranh và vì vậy các tập đoàn đa quốc gia luôn tìm cách chuyển các hồ sơ thuế về nơi có mức thuế thấp để khai thác lợi thế cạnh tranh ấy.

Không nằm ngoài quy luật trên, theo ông Nam, lợi nhuận của hầu hết các tập đoàn xuyên quốc gia tại Việt Nam trong lĩnh vực công nghiệp chủ yếu xuất phát từ chuyển giá. “Chuyển giá là một trong những lý do mà phần lớn các tập đoàn đa quốc gia ưu tiên đầu tư tại Việt Nam và do đó nếu không còn lý do này, họ sẽ bỏ đi nơi khác”, ông Nam nói.

Vì lý do trên, theo ông Nam, không cần thiết phải chống chuyển giá theo cách như hiện nay đang làm. Thay vào đó, Chính phủ nên kiến tạo một chính sách hợp lý để kích thích các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiêu thụ thật nhiều sản phẩm ngay tại Việt Nam.

Khi doanh nghiệp thu được lợi nhuận từ việc tiêu thụ sản phẩm ở đây, họ sẽ đầu tư thực sự thay vì chủ yếu chuyển giá như hiện nay. “Hãy nhìn vào các nhà sản xuất ô tô, mỗi tháng có doanh nghiệp chỉ bán được vài chiếc thì họ đầu tư làm gì nếu không chuyển giá? Ngược lại, như hãng xe máy Honda, tôi dám đoan chắc rằng họ sẽ không hoặc rất ít làm chuyện đó tại Việt Nam bởi đơn giản ở đây họ đang ăn nên làm ra”, ông Nam phân tích.

Theo ông Nam, khi các tập đoàn nước ngoài chịu đầu tư lâu dài thay vì chỉ để chuyển giá, Việt Nam sẽ thu được nhiều lợi ích hơn. Chẳng hạn, như: thu thuế, chuyển giao công nghệ, giải quyết công ăn việc làm, đào tạo nguồn nhân lực… “Điều quan trọng là phải có một chính sách thu hút đầu tư thật tinh tế và khôn ngoan”, ông Nam nhắc lại.

Chế tài đối với hành vi chuyển giá ở một số nước

Úc: số tiền phạt bằng 50% số thuế tránh được nếu công ty trả thuế sử dụng giá chuyển nhượng với mục đích nhằm giảm thiểu số thuế phải nộp. Phạt 25% số thuế tránh được nếu công ty trả thuế sử dụng giá chuyển nhượng nhằm các mục đích khác.

Trung Quốc: công ty trả thuế không khai báo về giá thị trường đúng hạn thì cơ quan thuế sẽ ấn định khoản tiền phạt lên đến 2.000 nhân dân tệ (tương đương trên 6 triệu đồng) và có thể lên đến 10.000 nhân dân tệ (trên 30 triệu đồng) trong trường hợp nghiêm trọng.

Ấn Độ: cơ quan thuế địa phương có thể ấn định mức phạt lên đến 300% so với mức chênh lệch về số thuế phải nộp (giữa số thuế do công ty trả thuế khai báo và số thuế do cơ quan thuế tính lại). Các công ty trả thuế được yêu cầu tính trước thu nhập chịu thuế trong một năm và có nghĩa vụ phải nộp thuế trước. Trường hợp không hoàn thành nghĩa vụ này thì khoản chậm nộp phải chịu lãi suất 18%/năm.

Hàn Quốc: số tiền phạt sẽ được ấn định từ 10% đến 30% đối với số chênh lệch thuế thu nhập doanh nghiệp, ngoài ra, công ty còn phải chịu lãi suất đối với khoản nộp bổ sung (được coi như chậm nộp) là 18,25%/năm. Nếu công ty trả thuế không trình ra được các tài liệu chứng minh theo yêu cầu thì có thể bị phạt đến 30 triệu won (tương đương gần 600 triệu đồng theo thời giá).

New Zealand: nếu công ty trả thuế không đưa ra các tài liệu chứng minh thì cơ quan thuế sẽ ấn định một khoản phạt lên đến ít nhất là 20% so với số thuế phải nộp.

Philippines: công ty trả thuế sẽ bị phạt với số tiền tương đương 25% – 50% so với số thuế chênh lệch. Ngoài ra, số thuế chênh lệch này bị coi như là một khoản chậm nộp và phải chịu lãi suất 20%/năm.

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới