Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia nhận định chứng khoán Việt Nam chịu áp lực lớn từ chính sách lãi suất của Fed

Vân Phong

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục thu hẹp bảng cân đối tài sản và tăng lãi suất điều hành vào ngày 26-7 có thể khiến thị trường chứng khoán Việt Nam đối mặt với áp lực điều chỉnh trong ngắn – trung hạn, theo các chuyên gia.

Ông Michael Kokalari, chuyên gia kinh tế trưởng VinaCapital, cho biết các đợt tăng lãi suất mạnh của Fed đã tạo áp lực lên thị trường chứng khoán toàn cầu vốn đã trong trạng thái căng thẳng do chiến tranh Nga – Ukraine và sự kiện Trung Quốc đóng cửa do Covid-19.

“Những nỗ lực của Fed nhằm kiềm chế lạm phát, chủ yếu gây ra bởi các vấn đề về chuỗi cung ứng toàn cầu, đã khiến thị trường chứng khoán trên toàn thế giới lao dốc. Một số nhà đầu tư đặc biệt lo ngại về khả năng xảy ra một ‘cơn bão’ đối với các nền kinh tế thị trường mới nổi, do lãi suất toàn cầu tăng mạnh, chỉ số USD/DXY tăng khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái và sự gia tăng gần đây của giá năng lượng và thực phẩm”, ông Michael Kokalari nhận xét.

Thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến trải qua đợt điều chỉnh khi Fed và ECB đồng loạt tăng lãi suất trong tháng 7. Ảnh minh hoạ: Lê Vũ

Bà Nguyễn Hoài Phương, Giám đốc đầu tư kiêm người điều hành Quỹ Đầu tư cổ phiếu tiếp cận thị trường Việt Nam (VESAF), cho rằng cần lưu ý động thái tăng lãi suất của Fed vì đây là yếu tố tạo sự bi quan cho nhà đầu tư.

Theo bà Phương, Fed sẽ điều hành lãi suất dựa theo giá dầu – yếu tố ảnh hưởng đến CPI lớn nhất, với dự kiến tăng lãi suất khoảng 3,5% trong năm nay.

“VinaCapital dự báo giá dầu sẽ khó hạ nhiệt do thiếu nguồn cung. Ngoài ra, việc đứt gãy nguồn cung cũng khó thay đổi trong thời gian ngắn. Vì vậy, lạm phát ngắn hạn dự báo vẫn duy trì ở mức cao”, bà Phương nói tại talkshow “Hành động trong mắt bão”.

Cũng theo bà Phương, quyết định tăng lãi suất của Fed sẽ dựa trên mức lạm phát tháng sau so với tháng trước.

Với những cơ sở này, bà dự báo lạm phát Mỹ sẽ tăng. Vì vậy, Việt Nam khó tránh khỏi ảnh hưởng bởi lạm phát với chỉ số CPI dự kiến đạt đỉnh 5,5% vào quí 4-2022, nhưng trung bình cả năm vẫn nằm trong mục tiêu 4%.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường thuộc Công ty chứng khoán MBS, cho rằng thị trường chứng khoán Việt Nam có thể chịu áp lực điều chỉnh khi Mỹ công bố báo cáo lạm phát tháng 6-2022 vào ngày 13-7 với mức 8,8%, cao hơn 0,2 điểm phần trăm so với tháng 5. Ngoài ra, thị trường việc làm tại Mỹ cũng ghi nhận nhiều nét khởi sắc trong tuần từ 4-7 tới 10-7.

“Hai yếu tố này sẽ tạo áp lực lên chính sách tiền tệ của Mỹ, khiến Fed dự kiến điều chỉnh tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm”, ông Sơn nói.

Chuyên gia này cũng lưu ý nhà đầu tư cần thận trọng trong ngắn hạn, đặc biệt trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam những năm gần đây thường biến động tương quan khá lớn với thị trường Mỹ. Cụ thể, các chỉ số trên thị trường chứng khoán đã giảm hơn 20% so với đầu năm trong bối cảnh chỉ số S&P500 điều chỉnh giảm 21% so với đầu năm vì hiện tượng “hệ số tương quan tiến đến một trong giai đoạn thị trường điều chỉnh” và một số yếu tố cụ thể của Việt Nam.

“Nếu ECB và Fed đều tăng lãi suất trong tháng 7 như dự kiến thì thị trường sẽ tiếp tục trải qua một đợt điều chỉnh trước khi phục hồi thực sự”, ông Sơn dự báo.

Trước đó, tại cuộc họp chính sách định kỳ tháng 6, Fed đã quyết định tăng lãi suất cơ bản thêm 0,75 điểm phần trăm – mức tăng lớn nhất tính từ năm 1994 – nhằm kiềm chế lạm phát, vốn là ưu tiên hàng đầu trong điều hành chính sách tiền tệ của cơ quan này trong bối cảnh hiện tại.

Bên cạnh rủi ro tăng lãi suất, các chuyên gia dự báo động thái thắt chặt tiền tệ thông qua thu hẹp bảng cân đối tài sản – bán tài sản hoặc để tài sản (trái phiếu chính phủ) tự động đáo hạn và không mua vào thêm trái phiếu mới nữa – của Fed sẽ khiến thanh khoản của các thị trường tài sản trên toàn cầu tiếp tục sụt giảm.

Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có động thái hút ròng tiền qua việc bán ra tín phiếu và ngoại tệ để thu tiền mặt trong ít tuần gần đây.

Động thái này, theo các chuyên gia, cho thấy cơ quan quản lý đang định hướng siết chặt chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát. Nhưng khi dòng tiền trở lại với ngân hàng thì thanh khoản trên các thị trường khác sẽ sụt giảm.

Với thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Trần Hoàng Sơn cho biết thanh khoản vẫn trong xu hướng sụt giảm với giá trị thanh khoản bình quân trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 13.000 tỉ đồng mỗi phiên trong những tuần gần đây. Đáng lưu ý, thanh khoản bình quân trong tuần giao dịch từ 4-7 tới 8-7 chỉ đạt hơn 9.000 tỉ đồng mỗi phiên, giảm 7% so với tuần liền trước và thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh 40.000 tỉ đồng mỗi phiên vào tháng 11-2021.

“Thanh khoản đang sụt giảm rất nhanh, rất khó kỳ vọng thị trường sẽ bứt tốc, phục hồi trong thời gian tới vì sự lên – xuống của thị trường phục thuộc rất nhiều vào dòng tiền”, ông Sơn lý giải.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới