Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: Thể chế cản trở cải thiện môi trường kinh doanh

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: Thể chế cản trở cải thiện môi trường kinh doanh

Trung Chánh

Chuyên gia: Thể chế cản trở cải thiện môi trường kinh doanh
Thể chế là nguyên nhân gây cản trở đến cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Trong ảnh là công nhân đang làm việc tại Công ty cổ phần may Tây Đô (TP. Cần Thơ). Ảnh: Trung Chánh

(TBKTSG Online) – “Tôi cho rằng thể chế của Việt Nam, đặc biệt là thể chế kinh tế, chưa tuân thủ những nguyên tắc của quy luật kinh tế thị trường, nó vẫn có một cái gì đấy “vương vấn” giữa kinh tế kế hoạch tập trung với kinh tế thị trường”, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung Ương (CIEM) cho biết như vậy khi nói về nguyên nhân môi trường kinh doanh Việt Nam chưa được cải thiện.

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội nghị “Tập huấn thực hiện nghị quyết số 19: cải thiện môi trường kinh doanh ở địa phương” được tổ chức tại Cần Thơ hôm nay 25-8, ông Cung của CIEM dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng so sánh giữa Việt Nam và quốc tế, thì môi trường kinh doanh của Việt Nam chưa thuận lợi khi bị xếp hạng ở mức nửa cuối của thế giới, trong đó có nhiều chỉ số nằm trong nhóm 25% cuối cùng của thể giới.

Thực tế, bà Nguyễn Minh Thảo, Phó trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc CIEM dẫn các số chỉ số trong tổng số 10 chỉ số được WB sử dụng để đánh giá môi trường kinh doanh của một quốc gia, cho thấy Việt Nam thua xa các nước trong khu vực ASEAN.

Cụ thể, với chỉ số thành lập doanh nghiệp, hiện Việt Nam có số ngày thành lập là 14 và số ngày khởi sự doanh nghiệp là 34 ngày, trong khi của Singapore lần lượt là 1 và 3 ngày, Thái Lan là 6 và 28 ngày và của Malaysia, thì hai chỉ số này cùng là 6 ngày; với chỉ tiêu về nộp thuế và bảo hiểm xã hội, của Việt Nam hiện là 872 giờ, trong khi của Singapore là 82 giờ, của Thái Lan là 264 giờ và Malaysia là 133 giờ; còn với chỉ tiêu về thông quan hàng hóa, của Việt Nam cùng là 21 ngày đối với cả xuất và nhập khẩu, trong khi của Singapore lần lượt 6 và 4 ngày, Thái Lan là 14 và 13 ngày và Malaysia là 11 và 8 ngày.

Theo ông Cung, khi nhìn vào thực tiễn, doanh nghiệp thường phàn nàn về những cái không thuận lợi, những rào cản họ gặp phải trong quá trình hoạt động. “Cho nên tôi nghĩ rằng đánh giá chung, môi trường kinh doanh của chúng ta (Việt Nam) chưa thuận lợi là đúng”, ông cho biết.

Lý giải nguyên nhân, ông Cung của CIEM, cho rằng chính thể chế mà đặc biệt là thể chế về kinh tế chưa tuân thủ những nguyên tắc của quy luật thị trường là nguyên nhân cản trở sự cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam.

Theo ông Cung, nền kinh tế của nước ta vẫn là kế hoạch tập trung – tức là một nền kinh tế trong đó Nhà nước kiểm soát toàn bộ các yếu tố sản xuất và giữ quyền quyết định việc sử dụng các yếu tố sản xuất cũng như phân phối về thu nhập – vẫn còn “vương vấn” trong nội dung của những quy định pháp luật, tổ chức thực hiện liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh….

Vì vậy sẽ dẫn đến sự can thiệp của Nhà nước ở hai mặt: thứ nhất, quá mức không cần thiết và thứ hai, có những chỗ cần thiết can thiệp để điều chỉnh, nhưng lại không được can thiệp.

“Cho nên hai cách can thiệp như thế làm cho thị trường bị méo mó, thậm chí có can thiệp nhưng không phù hợp với thực tiễn kinh doanh nên trong nhiều nhiều trường hợp nó không hợp lý, không thuận theo logic tự nhiên, dẫn đến môi trường kinh doanh không được cải thiện”, ông Cung lý giải.

Dù thực tế môi trường kinh doanh của Việt Nam đang bị xếp ở thứ hạng rất thấp so với thế giới và các nước trong khu vực ASEAN, nhưng Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh cũng đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng.

Theo đó, trong năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ đạt và vượt mức trung bình các nước ASEAN 6 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Brunnei).

Cụ thể, về thời gian nộp thuế và bảo hiểm xã hội sẽ giảm xuống còn không quá 171 giờ so với 872 giờ hiện nay; thời gian thông quan biên giới tối đa 13 ngày đối với hàng hóa xuất khẩu và 14 ngày đối với hàng hóa nhập khẩu so với 21 ngày hiện nay (cả xuất lẫn nhập khẩu); thời gian giải quyết thủ tục phá sản doanh nghiệp giảm xuống còn tối đa không quá 30 tháng so với 60 tháng như hiện nay…

Đến năm 2016, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh sẽ đạt mức trung bình các nước ASEAN 4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philipines). Chẳng hạn, thời gian cấp phép xây dựng tối đa không quá 77 ngày so với 114 ngày hiện nay; thời gian khởi sự doanh nghiệp giảm xuống còn 60 ngày so với 125 ngày hiện nay và thuộc nhóm 60 nước đứng đầu của thế giới (với điều kiện là các nước không có sự thay đổi); thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản giảm xuống còn không quá 14 ngày so với 57 ngày hiện nay…

Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về mục tiêu của Nghị quyết 19 đặt ra, ông Cung cho rằng đây là điều tất yếu vì Việt Nam đã hội nhập nên cần thiết đặt ra những mục tiêu như trên để đảm bảo được luật chơi chung và thúc đẩy sự phát triển đất nước.

Tuy nhiên, liệu Việt Nam có hoàn thành được mục tiêu đề ra hay không? Theo ông Cung, nó còn phụ thuộc rất lớn vào sự quyết tâm của các bộ, ngành. “Nếu các bộ, ngành mà thực hiện đầy đủ, quyết liệt đúng thời gian chỉ đạo, định hướng của Nghị quyết 19 đã đề ra thì đạt được tất cả, còn nếu không thực hiện được như thế thì rất khó vì khoảng cách hiện nay với mục tiêu là rất lớn”, ông Cung cho biết.

Xem thêm:

Phải có thể chế cho thị trường điện cạnh tranh

Cải cách thể chế từ câu hỏi chưa có lời giải

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới