Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia: TPHCM cần đánh giá kỹ tác động khi tăng thuế, phí

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia: TPHCM cần đánh giá kỹ tác động khi tăng thuế, phí

Văn Nam

(TBKTSG Online) – Với cơ chế chính sách đặc thù vừa được Quốc hội chấp thuận, chính quyền TPHCM dự kiến sẽ tăng một số lại thuế, phí và lệ phí để tăng nguồn thu và cũng nhằm điều chỉnh hành vi người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, thành phố cần nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động tiêu cực lên doanh nghiệp và người dân khi tăng thuế, phí.

Chuyên gia: TPHCM cần đánh giá kỹ tác động khi tăng thuế, phí
Ông Trần Du Lịch phát biểu tại cuộc họp chiều 11-12. Ảnh: Văn Nam

Lãnh đạo UBND thành phố chiều ngày 11-12 đã có buổi họp lấy ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các sở ban ngành về việc triển khai các để án thực hiện theo cơ chế, chính sách đặc thù cho TPHCM vừa được Quốc hội ban hành và có hiệu lực từ ngày 15-1-2018.

Theo đó, UBND thành phố cho biết sẽ nghiên cứu lập một số đề án quan trọng có liên quan, gồm: đề án phân cấp ủy quyền; kế hoạch sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; đề án tăng mức thu thuế, phí đối với các loại thuế phí đang áp dụng và một số loại phí mới chưa có trong danh mục hiện nay; đề án thí điểm tăng thuế một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường; đề án huy động vốn đầu tư xã hội; đề án sử dụng hiệu quả nguồn thu từ cơ chế đâc thù …

Tại buổi họp, lãnh đạo UBND thành phố dự kiến tất cả những đề án liên quan đến việc triển khai cơ chế đặc thù sẽ được các sở ngành, cơ quan liên quan hoàn tất trước tháng 6-2018 để áp dụng sau đó.

Mặc dù dự báo về những chuyển động tích cực khi thành phố được Quốc hội cho thí điểm cơ chế chính đặc thù , cụ thể là động lực cho phát triển trong 5 năm tới nhưng nhiều chuyên giá kinh tế đề nghị phải có sự đánh giá kỹ lưỡng các tác động, cả tích cực lẫn tiêu cực khi triển khai tăng một số loại thuế, phí. các chuyên gia e ngại nếu không có sự nghiện cứu và đánh giá, có thể dẫn đến nhiều tác động tiêu cực cho sự phát triển của doanh nghiệp, sinh hoạt của người dân và thậm chí sẽ tạo ra sự dịch chuyển hoạt động xuất nhập khẩu hàng từ TPHCM sang các địa phương khác.

Theo ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM, đối với một số loại sản phẩm như rượu, bia, thuốc lá có ảnh hưởng đến người tiêu dùng nên công tác đánh giá sự tác động của việc tăng thuế có thể thuận lợi. Tuy nhiên, một số hoạt động cung ứng xăng dầu, túi ni-lông đang tạo nguồn thu lớn cho doanh nghiệp thì khi bị tăng thuế môi trường có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ. Do đó, cần đáng giá tác động thật kỹ lưỡng trước khi áp dụng.

Ông Trần Du Lịch, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM, cũng cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số mặt hàng và thuế bảo vệ môi trường cần có sự đánh giá về mặt tác động. Ví dụ, nếu thành phố tăng thuế nhập khẩu ô tô thì doanh nghiệp chuyển hoạt động nhập khẩu về các địa phương khác.

Góp ý cho chính quyền thành phố, ông Huỳnh Thế Du của Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nói rằng thành phố cần cải thiện môi trường đầu tư, song song đó sử dụng một cách hữu hiệu các nguồn lực; các nguồn thu ngân sách từ thuế, phí cần phải được sử dụng đúng mục đích, công bằng; việc ban hành và thu phí cần có tính khả thi.

“Đồng tiền sẽ có chân, nếu thành phố làm không khéo thì đồng tiền sẽ chạy về các địa phương khác, lúc đó sẽ dẫn đến việc chúng ta tăng thuế nhưng tổng nguồn thu lại giảm. Nhìn rộng hơn, cần tính đến việc TPHCM sẽ là chỗ trũng để các nơi khác dồn các hoạt động kinh tế về, còn nếu tính không khéo thì thành phố sẽ trở thành nơi cao hơn các nơi khác”, ông Du nói, và đề xuất TPHCM cần khai thác giá trị từ đất để tăng nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng.

Cũng đến từ Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, ông Vũ Thành Tự Anh, nhấn mạnh: “Chúng ta cần đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng và cần có cái nhìn tổng thể, bởi nếu không thì thành phố có thể thu được một số khoản nhưng lại giảm ở một số khoản khác. Mặc dù các đề án triển khai theo cơ chế đặc thù thành phố làm rất khẩn trương, gấp gáp nhưng cần theo nguyên tắc ‘không hối tiếc’, nghĩa là khi chúng ta tăng thuế, phí thì không dễ rút lại bởi rút lại sẽ ảnh hưởng uy tín của chính quyền địa phương. Do vậy, cần nghiên cứu kỹ để chúng ta không hối tiếc vì làm sai, làm vội vã!”. Vị chuyên gia này cũng cho rằng giá trị gia tăng lớn nhất của nền kinh tế đến từ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nên khi tăng thuế, phí cũng sẽ tăng chi phí lên doanh nghiệp, mà TPHCM lại là nơi mà doanh nghiệp đóng vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế.

Còn ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM, quan tâm đến việc các đề án sắp tới cần hướng đến việc giải quyết được các thách thức trong quản lý đô thị như ùn tắc giao thông, ngập nước, ô nhiễm môi trường, yếu kém về hạ tầng, quá tải bệnh viện và trường học …

Nghị quyết 54 được Quốc hội ban hành về thí điểm cơ chế đặc thù cho TPHCM phát triển có nội dung: về quản lý tài chính – ngân sách nhà nước thì HĐND thành phố để xuất Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường với mức tăng thuế hoặc thuế suất không quá 25% so với mức thuế hoặc thuế suất hiện hành.

Mời xem thêm:

TPHCM sẽ tăng và thêm thuế, phí từ năm 2018

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới