Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyển giá và tránh thuế ở… Mỹ

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyển giá và tránh thuế ở… Mỹ

Thanh Hương

(TBKTSG Online) – Việc các tập đoàn lớn tìm mọi cách để tránh thuế không chỉ xảy ra khi họ đầu tư vào các nước đang phát triển. Các doanh nghiệp lớn của Mỹ cũng chuyển giá bằng cách tận dụng các lỗ hổng trong chính sách thuế, nhất là điều luật cho phép hoãn trả thuế đối với phần lợi nhuận ở nước ngoài.

Chuyển giá và tránh thuế ở... Mỹ
Lợi nhuận (đường màu xanh) và thuế (đường màu đỏ) doanh nghiệp tính theo phần trăm GDP từ năm 1945-2012. Biểu đồ của thefiscaltimes.com

Tuần qua, dữ liệu của nhóm Nghiên cứu lợi ích công (PIRG) đã chỉ ra trong năm 2014, Bộ Tài chính Hoa Kỳ và chính quyền các bang đã mất khoảng chừng 110 tỉ đô la tiền thuế chỉ tính riêng các công ty lớn của Mỹ (những công ty lớn nhất trong nhóm Fortune 500) chuyển tiền sang các tài khoản ở các nơi như Cayman Island, Bermuda và các “thiên đường thuế” khác.

Với luật hiện hành, các doanh nghiệp Mỹ được phép miễn hay hoãn trả thuế thu nhập liên bang đối với khoản lợi nhuận ở nước ngoài để tránh mức thuế thu nhập doanh nghiệp 35% cho tới khi khoản tiền được chuyển về lại Mỹ.

Ít nhất 362 công ty, chiếm 72% danh sách Fortune 500, duy trì việc tránh thuế theo cách này trong năm 2013. Trong số những công ty hưởng lợi nhiều nhất từ lỗ hổng này, có Pfizer, nhà sản xuất dược lớn nhất thế giới, không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp liên bang trong hai năm 2010 và 2012 dù lợi nhuận là 43 tỉ đô la trên toàn cầu. Pfizer còn nhận hơn 2 tỉ đô tiền hoàn thuế liên bang.

Microsoft có đến năm địa điểm tránh thuế ở nước ngoài đang giữ tổng cộng 92,9 tỉ đô la trong năm 2014. Lợi dụng luật thuế liên bang, Microsoft đã chuyển đổi được 29,6 tỉ đô la tiền thuế từ khoản thu nhập này. Citigroup cũng giữ 43,8 tỉ thu nhập ở nước ngoài, tránh được 11,6 tỉ đô tiền thuế.

Trong khi các nhà làm luật và giới quan sát chính sách đang lên tiếng chỉ trích các điều luật thuế và kêu gọi cải cách thuế hiện hành, Quốc hội Mỹ thì đau đầu với các chương trình cải cách tài chính và kiểm soát nợ, giới nhà giàu lại ngày càng hưởng lợi lớn từ những lỗ hổng trong chính sách thuế.

PIRG đang cùng với tổ chức Citizens for Tax Justice và Hội đồng doanh nghiệp Mỹ soạn thảo và vận động cho điều luật thuế doanh nghiệp mới trong năm 2015, trong đó ngăn không cho các doanh nghiệp giữ lợi nhuận tại quần đảo Cayman và các “thiên đường thuế” khác nhằm tránh thuế. Điều luật mới, nếu được phê chuẩn, cũng sẽ loại trừ việc trợ thuế cho các công ty chuyển việc làm và nhà máy ra nước ngoài.

JCT (Joint Committee on Taxation) ước lượng nếu điều luật thuế này được thông qua, sẽ tăng thu thuế hơn 590 tỉ đô la trong một thập niên tới.

Theo PIRG, các doanh nghiệp nhỏ chịu tác động kép từ luật thuế hiện hành cho phép miễn hay hoãn trả thuế với thu nhập doanh nghiệp ở nước ngoài này: họ đã chịu những bất lợi trong việc cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn, đa quốc gia trên thị trường và, giống như những người trả thuế trung bình khác, họ cuối cùng là những người phải gánh phần thiếu hụt do những “cá lớn” tránh thuế bằng việc chịu mức thuế cao hơn, những khoản cắt giảm dịch vụ công, hay tăng nợ liên bang. PIRG tính toán mỗi doanh nghiệp nhỏ phải đóng trung bình tăng thêm 3.244 đô la tiền thuế do những tác động này.

Ủy ban Tài chính Thượng viện đang xem xét những điều chỉnh về các điều khoản thuế doanh nghiệp trong năm nay. Chính quyền Tổng thống Obama đang đề nghị một kế hoạch cải tổ thuế cho phép tăng 238 tỉ đô la thu thuế trong 10 năm tới bằng cách đánh 14% “thuế chuyển đổi” trên 2 ngàn tỉ đô la lợi nhuận doanh nghiệp đang được giữ ở nước ngoài. Phần thuế tăng thu này sẽ được dùng để tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước.

Apple và Google nổi tiếng nhất trong số các “đại gia” tránh thuế bằng cách giữ lợi nhuận ở nước ngoài. Tuy nhiên, chuyển và giữ lợi nhuận ở nước ngoài không phải là cách lợi dụng luật pháp để tránh thuế duy nhất các doanh nghiệp lớn ở Mỹ ưa dùng.

Ví dụ Starbucks rất thích vận động giảm thuế cho “hoạt động sản xuất nội địa”. Theo đó, các hoạt động như rang xay cà phê cũng được tính như là “sản xuất nội địa” và được giảm thuế. Còn Facebook nổi tiếng sử dụng chiêu “cổ phiếu thưởng” để tránh thuế, nghĩa là các lãnh đạo công ty được thưởng cổ phiếu như tiền, nhưng tiền đó được miễn giảm thuế như một loại chi phí doanh nghiệp.

Theo Citizen for Tax Justice, khoảng 280 công ty thuộc Fortune 500 đã kiếm được 27,3 tỉ đô la trong ba năm qua nhờ dùng phương thức cổ phiếu thưởng này.

Ngoài ra, các phương thức tránh thuế phố biến khác như tận dụng điều khoản miễn thuế cho khoản khấu hao tài sản, máy móc (khiến thu thuế doanh nghiệp liên bang năm 2011 mất khoảng 76 tỉ đô la, theo Văn phòng Chính phủ); miễn thuế do đầu tư vào cổ phiếu địa phương (khiến thất thu thuế 58 tỉ đô la trong năm năm qua, mà Goldman Sachs hưởng lợi lớn nhất, theo The New York Times); trợ cấp thuế nhiên liệu hóa thạch, điều khoản hỗ trợ các doanh nghiệp ngành dầu khí cải tiến hay tìm nguồn dầu khí mới (mà các công ty như Chevron và Exxon Mobil ưa thích áp dụng); miễn thuế cho “bữa trưa miễn phí” (là cách được các cafeteria của Google tận dụng triệt để)…

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới