Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia VinaCapital lạc quan về thị trường chứng khoán năm 2022

Lê Hoàng

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG Online) – Chuyên gia kinh tế trưởng của VinaCapital, ông Michael Kokalari cho rằng số lượng nhà đầu tư chứng khoán tại Việt Nam có thể sẽ tăng gấp ba lần trong mười năm tiếp theo.

Vị chuyên gia này nhận định như vậy khi khái quát về thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm 2022 cũng như đưa ra chiến lược đầu tư của VinaCapital.

Ông Michael Kokalari cho rằng nhà đầu tư chứng khoán có thể tăng gấp 3 lần trong 10 năm tới nếu Việt Nam đi theo quỹ đạo tương tự như Đài Loan. Trong ảnh là một nhà đầu tư trên sàn chứng khoán. Ảnh: TL

Trong báo cáo “Looking Ahead at 2022” của VinaCapital, ông Michael Kokalari cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2022 sẽ được hỗ trợ bởi nhiều yếu tố tích cực và sự hồi phục trong nhiều lĩnh vực.

Với triển vọng tăng trưởng GDP từ 7-7,5%, thậm chí có thể vượt trên 7,5%, bất động sản/nhà ở sẽ tiếp tục thu hút dòng tiền mạnh mẽ trong năm nay. Triển vọng kinh tế tươi sáng cũng sẽ mang đến cho thị trường chứng khoán một năm tích cực, tiếp nối đà tăng 36% của VN-Index trong năm 2021.

Trong 18 tháng qua, số lượng tài khoản đầu tư chứng khoán mở mới rất lớn. Tuy nhiên theo VinaCapital tỷ lệ người Việt Nam đầu tư trên thị trường vẫn là con số khiêm tốn so với quy mô dân số. Nếu Việt Nam đi theo quỹ đạo tương tự như Đài Loan (mà theo VinaCapital đây là khả năng rất cao), số lượng nhà đầu tư chứng khoán có thể sẽ tăng gấp ba lần trong mười năm tiếp theo.

Trong các lĩnh vực sẽ hưởng lợi trong năm 2022, VinaCapital đánh giá cao triển vọng của cổ phiếu ngành ngân hàng (chiếm 30% VN-Index), bất động sản (chiếm 23%) và hàng tiêu dùng không thiết yếu (chiếm khoảng 3%).

Năm 2022, đối với nhóm ngành ngân hàng, theo đánh giá của VinaCapital, lợi nhuận của các ngân hàng có thể sẽ tăng khoảng 30% nhờ tăng trưởng tín dụng ước đạt 14% và sẽ ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 hơn. Cụ thể, các vấn đề về chất lượng tài sản sẽ ít ảnh hưởng đến lợi nhuận và các ngân hàng sẽ không phải tiếp tục hy sinh lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế, chẳng hạn như sẽ không tiếp tục cho vay với lãi suất ưu đãi trong năm nay.

Dù lạc quan về triển vọng chung của ngành nhưng tăng trưởng lợi nhuận của từng ngân hàng sẽ có mức dao động từ khoảng 6% đến 50%, do có sự khác biệt lớn trong tăng trưởng tín dụng của từng đơn vị vì Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ hạn ngạch dựa trên chất lượng tài sản – vốn có sự chênh lệch giữa các ngân hàng Việt Nam, theo đó, mức tăng trưởng tín dụng trung bình có thể đạt 14% trong năm nay.

Ngoài ra, có nhiều yếu tố đặc trưng có thể ảnh hưởng đến cả lợi nhuận và giá cổ phiếu của các ngân hàng, bao gồm các giao dịch bancassurance với các công ty bảo hiểm nước ngoài (thường phát sinh các khoản trả trước khá lớn) và các câu chuyện về tài trợ quay vòng /tái cơ cấu.

Đối với ngành bất động sản, VinaCapital kỳ vọng lợi nhuận của các công ty trong lĩnh vực này sẽ tăng khoảng 25% trong năm 2022, nhờ doanh số bán/đặt mua các căn hộ mới sẽ tăng gần gấp đôi sau khi đã giảm hơn 50% trong năm 2021 do ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội nhằm phòng chống Covid-19, và vấn đề pháp lý/quy định có liên quan đang được sửa đổi. Ngoài ra, lợi nhuận của các công ty có doanh thu định kỳ (ví dụ: công ty môi giới bất động sản và chủ sở hữu/công ty vận hành các trung tâm mua sắm) cũng sẽ tăng trong năm nay.

Một ngành khác theo VinaCapital cũng hưởng lợi trực tiếp từ phục hồi kinh tế nội địa là lĩnh vực tiêu dùng. Chi tiêu của người dân Việt Nam sẽ tiếp tục tăng mạnh năm 2022.

VinaCapital cho rằng đại dịch đã thúc đẩy xu hướng mua sắm thông qua kênh bán lẻ hiện đại và sàn thương mại điện tử. Tuy nhiên, do thu nhập bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, một số người đã chuyển qua mua các sản phẩm rẻ hơn, do đó doanh số của một số mặt hàng không thiết yếu hoặc phân khúc cao cấp sẽ khó phục hồi về mức trước Covid-19 trong năm nay.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới