Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyên gia Võ Trí Thành: Xử lý nợ xấu, cần Nhà nước

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyên gia Võ Trí Thành: Xử lý nợ xấu, cần Nhà nước

Tư Giang

Chuyên gia Võ Trí Thành: Xử lý nợ xấu, cần Nhà nước
Tiến sĩ Võ Trí Thành.

(TBKTSG Online) – Viện phó Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương Võ Trí Thành trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online về vấn đề xử lý nợ xấu. 

TBKTSG Online: Gần đây có nhiều con số về tỷ lệ nợ xấu được đưa ra. Ông hiểu những con số đó như thế nào?

– Ông Võ Trí Thành: Gần đây có 3 con số nợ xấu được phía Việt Nam đưa ra là 3,2%, rồi 10%, rồi 4,15%. Số đầu tiên là dựa vào báo cáo cuối năm ngoái của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổng hợp báo cáo của các ngân hàng thương mại. Số thứ hai 10% là của Thống đốc NHNN báo cáo Quốc hội theo Thanh tra của Ngân hàng Nhà nước hồi tháng 6. Số này đã cao hơn so với 6- 7% của cơ quan này hồi đầu năm nay. Còn con số cuối cùng 4,15% là báo cáo gần nhất của NHNN.

Tuy nhiên, con số mới nhất mà tôi biết từ nguồn của Quốc hội do Thanh tra Ngân hàng Nhà nước báo cáo là 8,6%. Ngoài ra, các định chế tài chính thế giới thường cho tỷ lệ này cao hơn 3- 4 lần con số của Ngân hàng Nhà nước, chẳng hạn Fitch cho là 13% cuối năm ngoái.

Là chuyên gia kinh tế, ông tin vào số nào nhất?

– Hiện tại, tổng dư nợ của Việt Nam tương đương khoảng 130 tỉ đô la Mỹ. Giả dụ tỷ lệ nợ xấu là 8,6% hay 10%, thì nợ xấu tương đương khoảng 11- 13 tỉ đô la Mỹ. Trong nợ xấu, nợ nhóm 4 và 5 là đáng lo nhất, và hai nhóm này tương đương 40%, tức là khoảng 5 tỉ đô la Mỹ. Tôi nghĩ con số này gần với thực tế nhất vì nó tương đương với 100.000 tỉ đồng mà Ngân hàng Nhà nước đang cần để xử lý nợ xấu. Nhưng bảo là con số đó tuyệt đối chính xác hay chưa thì tôi không biết.

Việc thành lập công ty mua bán nợ đang kéo theo rất nhiều tranh luận. Quan điểm của ông?

– Khẳng định được tỷ lệ nợ xấu là rất quan trọng để xác định nguồn lực xử lý nó là bao nhiêu. Nguồn lực đó không nhất thiết chỉ của Nhà nước, và có thể huy động từ các khu vực khác. Tuy nhiên, Nhà nước chắc chắn phải can thiệp để tạo động lực. Kinh nghiệm từ Mỹ hay Thụy Điển cho thấy xử lý nợ xấu phải là tiền Nhà nước.

Hơn nữa, trong xử lý nợ xấu thì nguyên tắc là ông chủ phải chịu, ví dụ như trích lập dự phòng rủi ro, hay định giá. Nợ xấu càng cao thì giá càng rẻ, chiết khấu càng lớn.

Xử lý nợ xấu phải tuân theo các nguyên tắc cơ bản. Định chế xử lý nợ phải có vai trò nhà nước lớn và quyền hạn đặc biệt vì phải xử lý nhanh và cương quyết. Định chế đó phải có cơ cấu đặc biệt với hỗ trợ của chuyên gia để định giá gần với thị trường hơn, tránh lợi ích nhóm. Ngoài ra, nợ xấu phải có thanh khoản.

Ông ủng hộ định chế này thuộc ai?

– Tốt nhất là cơ quan này thuộc Chính phủ, và Chính phủ ủy quyền cho Ngân hàng Nhà nước làm đại diện. Tôi không nghĩ cơ quan này có đủ năng lực để hiểu hết các vấn đề của ngân hàng nếu nó được đặt trong Bộ Tài chính.

Việc xử lý nợ xấu là rất cấp thiết. Bài học Nhật Bản là kinh nghiệm xương máu. Cuối những năm 90, họ mất tới mấy năm để tranh cãi, vì sao dùng tiền Nhà nước, vì sao dùng tiền thuế, cuối cùng nợ xấu phình ra to tướng. Hơn nữa họ sai lầm là đặt giá nợ xấu cao. Kết quả là Nhật Bản đã phải chịu suy thoái kéo dài sau đó. Vì thế, tôi nghĩ chúng ta cần học kinh nghiệm này.

Tôi muốn nhấn mạnh vai trò của Nhà nước là rất quan trọng trong xử lý nợ xấu. Thử nhìn xem, bây giờ bảo ai trong số doanh nghiệp tư nhân bỏ vốn mua nợ xấu? Anh có thấy mấy ai sẵn sàng không?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới