Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ, tâm điểm của đàm phán Mỹ – Trung

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ, tâm điểm của đàm phán Mỹ – Trung

Chánh Tài

(TBKTSG Online) – Hai yêu cầu của Mỹ đặt ra với Trung Quốc bao gồm chấm dứt cưỡng ép chuyển giao công nghệ và tăng cường các biện pháp chống ăn cắp tài sản trí tuệ đang làm nóng các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung. Dù giới phân tích dự báo hai phía sẽ khó tìm được tiếng nói chung về các vấn đề này nhưng đã xuất hiện dấu hiệu nhượng bộ từ phía Trung Quốc.

Trung Quốc "giấu" chi tiết về thỏa thuận thương mại với Mỹ

Mỹ-Trung đối đầu “chan chát” tại hội nghị cấp cao APEC

Chuyển giao công nghệ và tài sản trí tuệ, tâm điểm của đàm phán Mỹ - Trung
Mỹ nhiều lần cáo buộc Trung Quốc ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác liên doanh Trung Quốc. Ảnh: World Finance Markets

Hai trọng điểm trong đàm phán Mỹ – Trung

Hôm 4-12, Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận các cuộc đàm phán với Trung Quốc để giải quyết các bất đồng thương mại đang diễn ra. Tại cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung ở Argentina hôm 1-12, ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình quyết định ngưng áp thêm các đòn thuế vào hàng hóa của mỗi nước trong vòng 90 ngày để đàm phán tiến đến một thỏa thuận giúp kết thúc chiến tranh thương mại.

Trong suốt những tháng qua, Mỹ liên tục cáo buộc Trung Quốc cưỡng ép các công ty Mỹ chuyển giao cho các đối tác liên doanh Trung Quốc và ăn cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ. Thế nhưng kết thúc cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung ở Argentina cho thấy hai vấn đề đã không được nhấn mạnh.

“Điều đáng lưu ý là vấn đề ăn cắp tài sản trí tuệ chỉ được đề cập trong dòng thứ tư của thông báo Nhà Trắng (về kết quả cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung). Điều này cho thấy ông Trump tập trung vào vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Tuy vậy, điều này không có nghĩa là vấn đề này không nằm ở vị trí trọng tâm trong cuộc chiến áp thuế của Mỹ”, Steven Okun, cố vấn cấp cao ở Công ty tư vấn thương mại quốc tế McLarty Associates, nói.

Ông Okun cho biết cuộc chiến tranh thương mại mà Mỹ phát động chống Trung Quốc dựa trên các cuộc điều tra của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) nhằm vào các cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ, gây thiệt hại cho các công ty Mỹ hàng trăm tỉ đô la mỗi năm.

Theo ông, khả năng Trung Quốc cam kết chấm dứt các vi phạm bản quyền sở hữu tài sản trí tuệ và chuyển giao công nghệ bắt buộc có thể đạt được trong các cuộc đàm phán hiện nay nhưng vấn đề là Trung Quốc sẽ đền bù “những vi phạm trong quá khứ như thế nào”. “Điều này không thể thỏa thuận được trong vòng 90 ngày”, ông Okun nói.

Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson ở Washington cho rằng động thái làm giảm nhẹ tính quan trọng của hai vấn đề: cưỡng ép chuyển giao công nghệ và ăn cắp tài sản trí tuệ tại cuộc gặp cấp cao Mỹ – Trung ở Argentina cho thấy, hai bên khó đạt được giải pháp nhanh chóng về hai vấn đề phức tạp này trong các cuộc đàm phán đang diễn ra.

Dù vậy, phát biểu với báo chí hôm 3-12 tại Washington, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ nói rằng Mỹ – Trung “tiến rất gần đến một số thỏa thuận về ăn cắp tài sản trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ từ các công ty Mỹ. Khi tôi nói ‘tiến rất gần’ thì các vấn đề này thuộc dạng ưu tiên cao, nằm trong danh sách đặc biệt quan tâm”. Tuy nhiên, ông Larry Kudlow không cấp chi tiết nội dung của các thỏa thuận này.

Khó khỏa lấp khoảng cách

Phát biểu với báo chí tại Washington hôm 3-12, Giám đốc Hội đồng kinh tế quốc gia Mỹ nói rằng Mỹ – Trung “tiến rất gần” đến một số thỏa thuận về vi phạm tài sản trí tuệ và cưỡng ép chuyển giao công nghệ từ các công ty Mỹ. Ảnh: Bloomberg

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người xem chính sách thương mại của Mỹ là một trọng điểm trong cương lĩnh tranh cử tổng thống của ông vào năm 2016, muốn giải quyết các phàn nàn của ông về các thực hành thương mại của Trung Quốc, đặc biệt là cáo buộc ăn cắp tài sản trí tuệ của các công ty Mỹ.

Michael Hirson, Giám đốc phụ trách châu Á ở Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group cho rằng quyết định đình chiến thương mại Mỹ – Trung mở ra tiến trình đàm phán gian nan kéo dài 90 ngày giữa hai nước. Ông cho rằng vấn đề cưỡng ép chuyển giao công nghệ và ăn cắp tài sản trí tuệ nằm trong những mối lo ngại an ninh quốc gia của Mỹ và rộng hơn là sự cạnh tranh địa chính trị gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc. Ông Hirson nói: “Sẽ rất khó để khỏa lấp khoảng cách giữa hai nước về hai vấn đề này trong một thời gian ngắn như vậy”.

Liệu đình chiến thương mại có được duy trì hay không sẽ không chỉ phụ thuộc vào nội dung căn bản của các cuộc đàm phán Mỹ – Trung mà còn phụ thuộc vào mức độ ông Trump sẵn sàng chấp nhận các cam kết của Trung Quốc.
Ông Hirson cho rằng phản ứng chính trị trong nước ở Mỹ trong những tuần tới cũng có thể tác động đến lập trường của ông Trump. Sức ép từ chính đảng Cộng hòa của ông Trump và các cử tri ủng hộ ông cũng như từ đảng Dân chủ có thể buộc Trump phải áp đặt lập trường cứng rắn hơn về vấn đề cưỡng ép chuyển giao công nghệ và ăn cắp tài sản trí tuệ.

Để các cuộc đàm phán Mỹ – Trung thành công, các chuyên gia nhận định Trung Quốc cần phải đưa ra các nhượng bộ về chính sách công nghệ dù Bắc Kinh đang thúc đẩy chương trình Made in China 2025 nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao ở trong nước.

Trung Quốc sẽ nhượng bộ?

Edison Lee, nhà phân tích ở Ngân hàng đầu tư Jefferies, nhận định bất kỳ thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung Quốc nào cũng cần xử lý một số thay đổi cấu trúc trong ngành công nghệ Trung Quốc. “Chúng tôi thấy hai lĩnh vực mà Trung Quốc có thể nhượng bộ: chính phủ Trung Quốc trợ cấp cho các lĩnh vực công nghệ cao và các đòi hỏi lập liên doanh với các đối tác Trung Quốc trong một số dịch vụ công nghệ nhất định”, Edison Lee viết trong thư gửi cho khách hàng hôm 3-12.

Theo ông, các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc áp dụng ở ba cấp độ: thứ nhất, thông qua các gói trợ cấp phân bổ trực tiếp, thường là phục vụ hoạt động nghiên cứu và phát triển hoặc các dự án cụ thể; thứ hai, thông qua tín dụng thuế cấp cho hoạt động nghiên cứu và phát triển và cuối cùng, thông qua chính sách giảm thuế dành cho các công ty được phân loại là “công ty công nghệ cao”.

 Ông Lee nói: “Đối với các dịch vụ công nghệ, Trung Quốc có thể xóa bỏ một số rào cản thương mại phi thuế quan chẳng hạn như yêu cầu các công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm và điện toán đám mây phải liên doanh với các đối tác Trung Quốc. Nếu điều này xảy ra, các công ty công nghệ Mỹ như Microsoft, Amazon, Alphabet và Oracle sẽ được hưởng lợi”.

Trong một động thái được cho nhằm giải quyết các mối lo ngại của Mỹ về nạn ăn cắp tài sản trí tuệ, hôm 4-12, Ủy ban Cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) cùng các cơ quan khác bao gồm Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc và Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cùng đứng tên công bố 38 biện pháp xử phạt áp dụng cho các hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ, có hiệu lực bắt đầu từ tháng 12.

Các biện pháp cấm các công ty vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ phát hành trái phiếu hoặc sử dụng các công cụ huy động vốn khác; cấm tham gia vào các cuộc đấu thầu thu mua của chính phủ. Họ cũng sẽ bị cấm tiếp cận các gói hỗ trợ tài chính của chính phủ, thương mại quốc tế, đăng ký công ty mới, đấu giá đất đai hoặc giao dịch bất động sản. Ngoài ra, các công ty vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách đen để các tổ chức tài chính tham khảo trước khi quyết định cho vay hay cấp phép tiếp cận ngoại hối.

Xu Xinming, nhà nghiên cứu ở Trung tâm nghiên cứu tài sản trí tuệ Đại học Luật và khoa học chính trị Trung Quốc nhận định: “Đây là một sự chỉnh đốn chưa có tiền lệ về vi phạm bản quyền sở hữu trí tuệ xét trên khía cạnh phạm vi tham gia của các bộ ngành và mức độ nghiêm ngặt của biện pháp xử pháp”.


Theo Bloomberg, Market Watch

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới