Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện hôm nay và những câu hỏi đến từ tương lai

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyện hôm nay và những câu hỏi đến từ tương lai

Nguyễn Vĩnh Nguyên

Trẻ cần được khuyến khích phát biểu ý kiến cá nhân. Ảnh: TL.

(TBKTSG) – 1.Giải thưởng văn hóa Phan Chu Trinh 2010(*) đã tìm được sáu người xứng đáng để trao giải. Đây là giải thưởng ít nhiều ghi nhận sự cống hiến của những cá nhân trong các địa hạt giáo dục, dịch thuật, nghiên cứu, Việt Nam học. Tuy nhiên, có người thắc mắc: vì sao giải thưởng này thiếu vắng những gương mặt trẻ?

Câu trả lời có thể là, giải thưởng này trao cho những thành tựu, sự nghiệp dài hơi. Thời gian là một trong những nhân tố góp phần làm nên giá trị của quá trình cống hiến. Có người bỏ cả đời để theo đuổi một mục đích trong lĩnh vực học thuật mà họ xác tín, dấn thân. Như Giáo sư Hoàng Tụy một đời trăn trở với sự nghiệp cải cách giáo dục, như nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân bỏ ra mấy chục năm để nghiên cứu môn văn bản học trong văn chương Việt Nam – đã khám phá và phục sinh nhiều tác phẩm giá trị của những tác giả lớn trong quá khứ. Hay như các dịch giả Nguyễn Đôn Phước, Phạm Văn Thiều đã tốn nhiều thời gian, tâm sức để tạo những cú hích mới cho lĩnh vực dịch thuật ở hai mảng sách mà Việt Nam đang thiếu là lý thuyết, tư tưởng kinh tế và tri thức khoa học… Rõ ràng, cần có đủ thời gian để hình thành một giá trị và cả thời gian để giá trị đó chống lại sự phù du, khẳng định sự vững chãi của nó.

Vậy có phải việc vắng bóng những người trẻ trong giải thưởng Phan Chu Trinh đơn giản chỉ vì họ chưa có đủ thời gian để tạo ra giá trị mới? Có lẽ không hẳn vậy. Bằng chứng là có nhiều giá trị học thuật đồ sộ mà tác giả của nó mới ở độ tuổi 20, như cố thi sĩ, nhà tư tưởng Phạm Công Thiện mà báo chí đưa tin thời gian qua. Nhiều tác phẩm văn chương, triết học ông Thiện viết ở tuổi 20 đã gây tiếng vang và tạo ảnh hưởng to lớn đến nền học thuật và tâm thế sống của không ít thanh niên miền Nam trước năm 1975.Vậy thời gian là vấn đề mà cũng không hẳn là vấn đề. Hay đây là một giải thưởng bảo thủ? Những người sáng lập đã khẳng định là không phải. Vậy là do thế hệ trẻ hiện nay thiếu tài năng, hay thiếu sự dấn thân để tiếp nối và khẳng định những giá trị mới trong đời sống học thuật?

2.Nhân dịp tiến sĩ, chuyên gia triết học thực hành Oscar Brenifier, tác giả bộ sách Tư duy cùng bé sang Việt Nam, không ít người lớn là giáo viên, là phụ huynh đã kiên nhẫn ngồi nghe ông Tây nói chuyện về việc dạy trẻ tư duy. Suốt các buổi giao lưu này, diễn giả hài hước chỉ toàn nêu câu hỏi, gợi mở, và tuyệt nhiên, không đưa ra đáp án cụ thể nào về phương pháp dạy trẻ tư duy (điều mà khán giả nóng lòng chờ đợi). Nhiều người đề nghị ông trả lời cụ thể câu hỏi “dạy trẻ tư duy như thế nào”, nhưng họ luôn “bị” đặt câu hỏi ngược trở lại. Những người kiên nhẫn đến cuối buổi nhận ra câu trả lời, đó là tư duy không phải thứ thức ăn được dọn sẵn mà là một quá trình không ngừng đặt ra các câu hỏi, đào sâu suy nghĩ.

Từ lâu, cha mẹ và giáo viên vẫn áp đặt cách dạy dỗ đạo đức, quy định đúng, sai cho con trẻ, khiến chúng trở nên nhút nhát, ít dám truy vấn ngược lại hay bày tỏ ý kiến cá nhân. Điều này khiến ông Oscar ngạc nhiên (đáng buồn) khi ông tiếp xúc với học sinh một số trường học và đưa ra nhận xét: “Các em rất rụt rè khi đưa tay phát biểu ý kiến riêng, các em sợ sai, sợ giáo viên…”.

3. Giáo dục tạo ra diện mạo cho những cá nhân và những giá trị cá nhân lớn lao sẽ tạo ra hình ảnh cộng đồng tương lai. Thay vì ta thán về việc văn hóa, đạo đức đang xuống cấp, thiếu sự kế thừa, sao ta không khuấy động khả năng tư duy, mưu cầu hiểu biết và suy tư của con người từ tuổi ấu thơ, trong gia đình, trên ghế nhà trường? Chuyện thiếu vắng những gương mặt trẻ trong một giải thưởng học thuật phải chăng có mối liên hệ ngầm với phương thức giáo dục trẻ em lâu nay? Sự trao truyền và phát huy những giá trị tri thức cộng đồng có lẽ phải được đánh thức, được tư duy lại, bắt đầu từ não trạng của nhà trường và triết lý giáo dục. Nếu không, chúng ta sẽ không tránh được những cơn hẫng hụt và viễn cảnh khủng hoảng giá trị ở tương lai.

____________________

(*) Lễ trao giải thưởng Văn hóa Phan Chu Trinh 2010 được tổ chức tại TPHCM vào ngày 24-3-2011, đúng vào dịp kỷ niệm 85 năm ngày mất của ông.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới