Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện “người nhà”, chuyện “người ngoài”

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyện “người nhà”, chuyện “người ngoài”

Lê Minh Hoan

Chuyện “người nhà”, chuyện “người ngoài”
Một khi người dân tin rằng các lãnh đạo địa phương minh bạch thông tin, biết cầu thị lắng nghe, họ sẽ tự giác tham gia vào công việc của làng, của xóm. Ảnh: T.L

(TBKTSG) – Chỉ số xếp hạng “Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh” (PCI) đã được nhiều người biết đến, được các địa phương quan tâm, các chuyên gia phân tích chi li. Tuy nhiên, còn một chỉ số ít được nói đến, bàn đến, nhắc đến, đó là chỉ số xếp hạng “Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh”, gọi tắt là PAPI. Vì sao vậy? Có phải do đã nằm trong tiềm thức, PCI là mối quan hệ với “người ngoài”, nhằm thu hút nhà đầu tư, mà người ngoài thì phải săn đón, thì phải chăm sóc; còn PAPI chỉ mối quan hệ “người nhà”, giữa chính quyền với bà con mình thôi. Vậy là có rơi vào tư tưởng “sính ngoại” không nhỉ?

Theo các vị chuyên gia, nếu PCI là chỉ số đo lường cảm nhận của doanh nghiệp, thì PAPI là chỉ số đo lường cảm nhận của người dân đối với sự lãnh đạo, điều hành của chính quyền. Mà doanh nghiệp và người dân vừa là những đối tác đồng hành, vừa là khách hàng phải được chính quyền phục vụ một cách bình đẳng nhằm tạo nên sự phát triển cân đối của một địa phương. Cả hai chỉ số này mới phản ánh toàn diện về năng lực quản trị và điều hành của một bộ máy công quyền. Không được “nhất bênh trọng, nhất bên khinh”.

Cũng theo các vị chuyên gia, chỉ số PAPI được xây dựng trên triết lý coi người dân như “người sử dụng dịch vụ” hay là “khách hàng” của cơ quan công quyền – “bên cung ứng dịch vụ công”. Nói cho dễ hiểu hơn, đây chính là hệ thống chỉ báo khách quan, góp phần tạo động lực để lãnh đạo địa phương không ngừng cải thiện hiệu quả quản lý của mình. Nếu như trước đây, để so sánh thì thường là “ta” lại đánh giá “mình”, rồi “mình” với “ta”, từ đó mới có những câu quen thuộc, nào là “năm sau cao hơn năm trước”, nào là “từng bước được cải thiện”, “được nâng lên một bước”… Đó là những đánh giá thiên về định tính và không tránh khỏi sự chủ quan, “huyện bênh huyện, phủ bênh phủ”. Nay thì, thông qua các chỉ số xếp hạng, tất cả đều phơi bày ra một cách công khai trước “bàn dân thiên hạ”, không còn luẩn quẩn trong nội bộ nữa rồi.

PAPI không chỉ được bàn trong nội bộ cấp ủy, chính quyền. Người dân phải biết được đó là quyền của mình, việc của mình, rồi tự giác tham gia vào chuyện cộng đồng thì chúng ta mới “được” dõng dạc tuyên bố rằng: Đây thực sự là chính quyền “của dân, do dân, vì dân”!

Nói đến “quản trị” là nói đến hoạt động quản lý trong các tổ chức. “Quản trị địa phương” cũng là một cách tiếp cận theo hướng này, qua đó, hướng đến tạo điều kiện để người dân tham gia nhiều hơn vào các công việc của địa phương. Nhìn ở một góc độ khác thì “quản trị địa phương” là làm sao có sự tham gia của nhiều chủ thể vào các công việc của cộng đồng. Như vậy, câu chuyện “Hiệu quả quản trị và hành chính công” đâu chỉ là câu chuyện của riêng chính quyền, mà còn thuộc về cả cộng đồng nói chung và sự tương tác giữa cộng đồng với chính quyền. Một khi người dân tin rằng các lãnh đạo địa phương minh bạch thông tin, biết cầu thị lắng nghe, họ sẽ tự giác tham gia vào công việc của làng, của xóm thôi. “Dân biết, dân bàn, dân làm” chính là đây!

Ở một góc độ khác, trách nhiệm báo cáo và giải trình trong PAPI là sự thể hiện rõ ràng nhất cơ chế kiểm soát của người dân đối với cơ quan công quyền. Đây là cơ chế “dân kiểm tra”. Thông qua quy định về trách nhiệm giải trình về những hoạt động của mình, các cơ quan công quyền sẽ chịu trách nhiệm cao hơn đối với nhiệm vụ được giao.

Chúng ta hay kêu gọi người dân tham gia xây dựng chính quyền, vậy sao không lấy bộ tiêu chí PAPI làm cơ sở để xem coi người dân cảm nhận về cách thức điều hành của chính quyền như thế nào? Có minh bạch về quy hoạch sử dụng đất để bà con yên tâm “an cư lạc nghiệp” không? Có khuất tất gì trong bình xét hộ nghèo không? Rồi minh bạch về thu chi ngân sách, về các khoản đóng góp “Nhà nước và nhân dân cùng làm” như thế nào?

Tóm lại, toàn là những chuyện sát sườn với cuộc sống hàng ngày của bà con: chuyện học hành, chuyện khám chữa bệnh, chuyện công ăn việc làm, chuyện thủ tục đất đai, nhà cửa… Vấn đề là, việc “công” có “khai” đầy đủ và kịp thời không? Không chỉ là “công khai” với cấp trên, trong nội bộ, mà còn phải cho người dân, những người thụ hưởng các dịch vụ công, những người trả lương nuôi bộ máy công quyền. Thiếu nghĩa vụ giải trình sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề tiêu cực, như: vòi vĩnh, nhũng nhiễu, độc đoán, bè phái, thiếu tuân thủ luật pháp, che đậy, giấu giếm thu chi và quản lý nội bộ… Khi đó, người dân sẽ “chín nghi, mười ngờ”, rồi tất yếu sẽ thiếu niềm tin.

Đó, PAPI là như vậy đó. PAPI không chỉ được bàn trong nội bộ cấp ủy, chính quyền mà phải đến được với người dân. Người dân phải biết được đó là quyền của mình, việc của mình, rồi tự giác tham gia vào chuyện cộng đồng thì chúng ta mới “được” dõng dạc tuyên bố rằng: Đây thực sự là chính quyền “của dân, do dân, vì dân”!

Muốn vậy, đội ngũ cán bộ lãnh đạo cơ sở phải biết kỹ, hiểu sâu, thấm thía từng tiêu chí của PAPI, để bớt đi những lời phát biểu có cánh, khuôn sáo, mà phải hành động và… hành động nhiều hơn!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới