Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện những người đi

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyện những người đi

Hồ Hùng

Chị Đỗ Thị Thanh Tuyền trong lần hiếm hoi về thăm nhà. Ảnh: Hồ Hùng.

(TBKTSG) – Nhiều con đường nông thôn ở ĐBSCL giờ đây vắng hẳn bóng thanh niên. Những căn nhà ven đường, hầu như chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Thanh niên vùng quê đã khăn gói đi TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… lập nghiệp, nhưng ước vọng làm giàu chưa mấy người thỏa mà chỉ còn đó, những số phận làm thuê.

Nắng sáng vẫn còn, nhưng con đường ven rạch Cai Cẩm nối liền huyện Phong Điền và huyện Thới Lai (Cần Thơ) đã vắng lặng bóng người. Suốt tuyến đường hơn ba ki lô mét, hầu như không có một quán giải khát nào, nơi vốn dành cho những thanh niên hay lui tới. Ông Trần Văn Tắc ở ấp Trường Khương, xã Trường Long, nói rằng đã có mấy quán mở ra, nhưng rồi nhanh chóng đóng cửa vì buổi sáng chỉ bán được vài “cái đen” cho mấy ông già…

“Đi làm hết rồi. Con gái thì đi phụ bán quán cà phê, giúp việc nhà, làm công nhân… Mấy đứa con trai thì cũng đi làm thuê, làm mướn, hay làm cho mấy xí nghiệp. Dồn hết lên Sài Gòn, Đồng Nai… chi đó”, ông Tắc nói.

“Thực trạng và giải pháp cho vấn đề di cư ở tỉnh Hậu Giang”, một nghiên cứu mới nhất của đại học Cần Thơ, cho thấy thời gian gần đây, số người di cư ngày càng nhiều. Cụ thể, số người di cư dưới hai năm trở lại đây chiếm tỷ lệ cao nhất (40%), kế đó là từ 2-4 năm (32%)… Chứng tỏ, thực trạng dịch chuyển lao động đã có từ lâu, nhưng bốn năm trở lại đây mới bùng phát mạnh.

Một năm chỉ ba vụ lúa, còn lại là những ngày ngáp dài, thở vắn, tha thẩn ở vùng quê. Có lẽ đôi lần ra phố chợ, nhìn những thanh niên trang lứa phóng xe tay ga, khoác quần áo đắt tiền, mua sắm thỏa thích… nên những thanh niên quê mùa không ít lần nóng mặt, và mơ ước làm giàu cứ lớn dần trong họ?

Vùng quê chỉ có nếp vườn, mảnh lúa, muốn giàu hơn cũng chẳng được. Cứ thế, từng người, từng người một ra đi. Nhưng làm gì khi thất học, chẳng tay nghề, thế là như một thỏa thuận ngầm, tất cả đều bắt đầu bằng những ngày làm thuê, làm mướn, hay chập chững làm công nhân.

Chị Đỗ Thị Thanh Tuyền, ở ấp Trường Tây, xã Trường Thành, huyện Thới Lai (Cần Thơ), nói rằng đây là lần đầu tiên kể từ Tết Nguyên đán vừa qua, chị được về thăm nhà. “Tăng ca tuần bốn ngày, về đến nhà đã gần 9 giờ tối. Sáng sớm ngày nào cũng tất bật lo đi ra xí nghiệp. Tết về quê được đã là quý rồi! May mà lần này, được xét nghỉ phép ba ngày”, chị nói. Lên Bình Dương làm tám năm theo lời giới thiệu của người cậu, đầu tiên là chồng chị, tiếp theo là chị. Để rồi, cả ba người em chồng cũng lần lượt lên theo.

Ông Nguyễn Trọng Tài, ở rạch Lò Mo (xã Trường Thành), cùng người vợ già đã quen với cảnh cô đơn, lặng lẽ trong căn nhà gỗ cũ. Cả bốn người con của ông bà, đều đi Bình Dương làm công nhân. Đứa con gái út, bốn năm trước cũng đã đi theo anh chị. “Tết nó mới về, nhà mới ấm áp chút chú ơi. Vậy mà có năm, sáng 30 tụi nó mới về, rồi ba ngày sau đã khăn gói đi sạch”, ông nói. Nhà có 12 công ruộng, nhưng tới bảy người con nên chia tới xẻ lui, phần đất còn lại làm chẳng đủ ăn. Ông bà ngậm ngùi, nhìn từng đứa con một, thu gom hành lý.

Theo trường Đại học Cần Thơ, những người di cư phần lớn làm công nhân (44,3%) và những công việc giản đơn (37%). Có đến 11,4% đi bán hàng rong, làm bồi bàn, bảo vệ…, trong khi chỉ có 1,4% là chuyên viên có bằng cấp. Chị Tuyền kể: “Mấy anh em tui làm công nhân hết. Tui thì làm ở một công ty may, mỗi tháng được 1,4 triệu đồng, cộng thêm tiền tăng ca tổng cộng khoảng 2 triệu đồng. Có việc là quý, dù biết chẳng dư dả bao nhiêu”.

Ngày ngày, gia đình chị ăn rau nhiều hơn thịt. Chồng chị đã bỏ hẳn cà phê, thuốc lá nhưng mỗi tháng hai vợ chồng chỉ dư chừng 500.000 đồng. “Nhiều khoản đâu có tiết kiệm được, như tiền học, tiền sách vở cho đứa con. Tháng nào một trong ba người bị bệnh là coi như phải thâm vô tiền dành dụm”. Chị cho biết cả năm vừa rồi, hai vợ chồng về quê ăn Tết, chỉ dư được bốn triệu đồng sau một năm dài cật lực.

Còn ông Tài kể rằng, ước vọng của những người con của ông trước khi ra đi là để gom tiền cất cho cha mẹ một mái nhà khang trang hơn. Nhưng từ bảy, tám năm nay, ước vọng đó vẫn chưa thành hiện thực, và chúng vẫn lẳng lặng kiếp làm thuê. “Mỗi lần Tết về, có vài trăm ngàn cho cha mẹ, mua ít đồ cúng, xong chúng lại lẳng lặng nhìn mái lá xác xơ, cái vách nhà mục rỗng, rồi thở dài nhìn đâu đó xa xăm”.

Có dư là đỡ! Chứ như hai đứa con của chị Nguyễn Thị Mỹ Vàng ở chợ Ba Mít, xã Trường Thành, “đứa đi phụ hồ, đứa phụ bán cây xăng ở Tây Ninh, chừng về chỉ đủ tiền xe đi tới chợ Ô Môn. Lội bộ rã cẳng mới về tới nhà, hai đứa đói run, bật khóc”, chị kể. Chị Mỹ Vàng cũng chưa thấy ai xa quê, sau đó trở về có vốn mở mang làm ăn tại địa phương, mà chỉ đi chưa hẹn ngày về lại, hoặc về hẳn với hay bàn tay trắng, như con của chị.

Nghiên cứu của Đại học Cần Thơ cho kết quả, dù hết sức tiện tặn, nhưng số người gửi tiền về nhà dưới 4 triệu đồng/năm chiếm tỷ lệ cao nhất với 55,7%, và chỉ 15% gửi về từ 4-8 triệu đồng/năm, còn trên số đó là rất hiếm.

Những người mà chúng tôi gặp, đều thừa nhận rằng, con cái họ khó làm giàu nơi xứ người khi bằng cấp không có, tay nghề cũng không. Khát vọng làm giàu nung nấu khi khăn gói ra đi dần dà cũng phải lãng quên trong kiếp làm thuê chỉ mong đủ nuôi sống chính mình.

Những người ra đi không chỉ để lại nỗi nhớ mong khắc khoải cho những người ở lại, mà còn làm khốn khó thêm những vùng quê. Như ba năm trước, tiền công cắt lúa chỉ 100.000 đồng/công, thì nay đã dao động từ 150.000-200.000 đồng do thiếu lao động khi vào mùa vụ. “Nhà nhà di cư, người người di cư” khiến vùng quê chỉ còn người già, phụ nữ trung niên, gia tăng tình trạng “già hóa” thôn quê, thiếu nhân lực, gây khó khăn cho sự phát triển. Một tác động không kém phần tiêu cực nữa là văn hóa, truyền thống của địa phương ngày càng mai một.

Ly nông bất ly hương, tạo việc làm ngay tại địa phương, đó là cách để cản dòng di cư đang bột phát như hiện nay. Nhưng để làm được điều đó, không đơn giản!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới