Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyển sang hướng thời trang hóa

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyển sang hướng thời trang hóa

Thời trang áo dài VN. Ảnh: Thùy Nguyên

(TBKTSG) – Ngành dệt may năm 2008 gặp nhiều khó khăn: tác động từ suy thoái kinh tế Mỹ – thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với tổng kim ngạch gần 5 tỉ đô la Mỹ năm 2007, đồng đô la Mỹ mất giá, giá nguyên liệu nhập khẩu tăng, ảnh hưởng của lạm phát…

Trong bối cảnh đó, theo Thứ trưởng thường trực Bộ Công Thương Bùi Xuân Khu, cuộc bình chọn Doanh nghiệp dệt may tiêu biểu lần thứ 5 năm 2008, do Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Hiệp hội Dệt may Việt Nam phối hợp tổ chức, sẽ góp phần giúp doanh nghiệp tìm hướng đi đúng để vượt qua khó khăn và định vị thương hiệu dệt may Việt Nam theo hướng thời trang hóa.

TBKTSG: Ông có thể cho biết một vài nhận định về tác động của cuộc bình chọn Doanh nghiệp dệt may tiêu biểu đối với ngành dệt may? 

Thứ trưởng BÙI XUÂN KHU: Sau bốn năm tổ chức, giải thưởng Doanh nghiệp dệt may tiêu biểu đã có kết quả tốt, thể hiện ở việc xây dựng quy chế bình chọn, tổ chức xét chọn, và cập nhật tiêu chí bình chọn mới qua mỗi năm.

Các tiêu chí bình chọn được xây dựng sát với thực tiễn buộc mỗi doanh nghiệp, cả trong nước và liên doanh, phải nỗ lực trong đầu tư, quản lý, cải thiện chất lượng sản phẩm, chăm lo cho người lao động… mới đáp ứng được yêu cầu. Yếu tố này tạo động lực thúc đẩy doanh nghiệp không ngừng đổi mới để trở thành thương hiệu dệt may tiêu biểu của Việt Nam. Sự có mặt của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành tại các lễ trao giải đã nói lên uy tín của giải thưởng.

– Theo ông, giải thưởng có tác dụng thực chất như thế nào với doanh nghiệp? 

– Trước hết, giải thưởng tôn vinh những giá trị của doanh nghiệp và thông qua đó nâng cao niềm tự hào về thành quả của mình. Tiếp đến, nó khuyến khích lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động nâng cao năng suất lao động, cải thiện năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, cho ngành dệt may và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của cả nước.  

– Còn những điểm cần rút kinh nghiệm qua bốn lần bình chọn trước? 

– Tôi cho rằng, càng về sau cuộc bình chọn càng đưa ra được những tiêu chuẩn khắt khe hơn. Những tiêu chí mới cũng góp phần làm cho các doanh nghiệp ngày càng hoàn thiện, xét theo đánh giá của ban tổ chức. Uy tín của giải cần được duy trì, muốn vậy tiêu chuẩn xét chọn, đánh giá cần công khai, hội đồng bình chọn phải thể hiện sự công tâm…

– Tiêu chí nào cần được nhấn mạnh tại cuộc bình chọn năm nay để có sự đổi mới phù hợp với thực tế? 

– Năm nay nền kinh tế gặp khó khăn, cả nước phải tập trung kiềm chế lạm phát, thúc đẩy xuất khẩu và bảo đảm bình ổn cung cầu trong nước. Theo tôi, một trong những điểm yếu hiện nay của ngành dệt may là thị trường trong nước chưa được các công ty quan tâm đúng mức, vì vậy có thể bổ sung thêm một tiêu chí là công ty nào bán hàng tốt nhất tại thị trường nội địa sẽ được trao giải. Những công ty có thành tích xuất khẩu cao nhất cũng là yếu tố ban tổ chức cần tính đến trong việc xét chọn nhằm khuyến khích xuất khẩu.

– Một vấn đề nhiều người có thể thắc mắc là tại sao nhiều doanh nghiệp năm nào cũng có mặt trong danh sách trao giải, trong khi có doanh nghiệp lại chưa bao giờ được nhắc đến?

– Đúng là có chuyện này. Để tránh việc lặp đi lặp lại giải thưởng cho một vài doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp khác tham gia thì ngoài các tiêu chí quen thuộc nên đưa thêm những tiêu chí mới như tôi đề cập ở trên.

Cần lưu ý là mỗi doanh nghiệp đều có thế mạnh ở một mặt nào đó và các loại giải thưởng cần nhắm đến những mặt mạnh này.Nghĩa là yếu tố đổi mới, sáng tạo và đa dạng hóa giải thưởng đóng vai trò rất quan trọng.

– Ông có thể cho ví dụ cụ thể? 

– Cuộc bình chọn năm 2009 có thể tập trung vào những doanh nghiệp sản xuất vải và các loại phụ liệu cho ngành công nghiệp dệt may nhằm tạo nguồn nguyên liệu phụ trợ thay thế nhập khẩu. Tiêu chí này sẽ có tác dụng thúc đẩy doanh nghiệp dệt nỗ lực hơn và quan trọng là điều này sẽ thúc đẩy ngành nguyên, phụ liệu dệt may phát triển.Tôi muốn nhấn mạnh là tất cả doanh nghiệp được trao giải đều phải không ngừng nỗ lực nhằm duy trì thành tích của mình và hướng đến giải thưởng năm sau.

– Chủ trương thời trang hóa ngành dệt may là mục tiêu lâu dài và trước hết nên tập trung vào thị trường nội địa?

– Thời trang hóa là xu hướng tất yếu và lâu dài của ngành công nghiệp dệt may thế giới vì nó mang lại nhiều lợi ích và giá trị. Lấy ví dụ, một chiếc cà vạt “made in Italy” có giá tới 200 đô la Mỹ nhưng chỉ cần rất ít nguyên liệu để sản xuất, nghĩa là hàm lượng giá trị gia tăng mà sản phẩm thời trang này tạo ra cho ngành dệt may Ý là rất lớn, và nó còn mang lại uy tín và thương hiệu quốc gia cho nước này trên toàn cầu.    

Ngành dệt may nước ta cũng sẽ đi theo con đường đó và trải qua các giai đoạn từ sản xuất gia công tiến đến thời trang hóa tại thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới. Tôi lấy ví dụ, Công ty May Việt Tiến đã bắt đầu thời trang hóa các sản phẩm của họ, sản xuất chiếc áo sơ mi thời trang bán trong nước rồi dần dần tiến ra nước ngoài để xây dựng thương hiệu.    

Thời trang hóa sẽ tạo ra thương hiệu cho dệt may Việt Nam, muốn vậy, trước hết các công ty phải làm tốt tại thị trường trong nước.

– Nhưng nói chuyện tạo thương hiệu dệt may Việt Nam trên thế giới phải chăng còn quá sớm khi ngành này hiện chỉ nắm công đoạn thấp nhất trong chuỗi giá trị sản phẩm, tức vẫn gia công là chính? 

– Thực tế là công nghiệp dệt may có gần hai triệu lao động và luôn đạt kim ngạch xuất khẩu rất cao nhưng chủ yếu là gia công, đến 60-70%. Theo tôi, ưu tiên trước mắt là phải chấm dứt tình trạng phụ thuộc quá nhiều vào nguồn nguyên, phụ liệu dệt may nhập khẩu. 

Việc chủ động sản xuất nguồn phụ liệu đầu vào phải song song với việc đưa yếu tố thiết kế và thời trang của chính người Việt Nam vào từng sản phẩm quần áo. Ba yếu tố này nếu được giải quyết mới có thể chấm dứt tình trạng làm gia công của ngành dệt may và tạo dựng thương hiệu thời trang riêng cho sản phẩm dệt may Việt Nam.

– Mất bao lâu mới đạt được điều này, thưa ông?

– Tôi nghĩ phải mất vài chục năm.

– Ông có thể cho biết kim ngạch xuất khẩu dệt may năm nay là bao nhiêu khi sức mua tại thị trường tiêu thụ chính là Mỹ sụt giảm do suy thoái kinh tế?  

– Thị trường Mỹ chiếm 54-55% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may, trong khi Mỹ vẫn áp dụng cơ chế giám sát hàng dệt may Việt Nam nhập khẩu vào thị trường nước này. Ngoài ra, biến động giá cả thế giới, giá dầu tăng, đồng đô la Mỹ mất giá… đã khiến cho thị trường Mỹ tăng trưởng chậm hơn so với các năm trước. Các yếu tố này có ảnh hưởng trực tiếp đến chúng ta.

Đầu năm nay ngành dệt may đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 9,5 tỉ đô la Mỹ. Song, với tình hình lạm phát hiện nay, mục tiêu này là rất khó thực hiện. Sáu tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 4,2 tỉ đô la Mỹ và cả năm nếu đạt 9 tỉ đô la Mỹ đã là thành công. 

THÀNH TRUNG thực hiện

Phát động cuộc bình chọn Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may Việt Nam năm 2008

Thời báo Kinh tế Sài Gòn và Hiệp hội Dệt may Việt Nam vừa phát động cuộc bình chọn Doanh nghiệp tiêu biểu ngành dệt may Việt Nam lần thứ 5 năm 2008.

Tại buổi họp báo công bố phát động giải thưởng tổ chức chiều ngày 7-7, ông Trần Đình Vĩnh, Phó tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn, cho biết đây là cuộc bình chọn được tổ chức hằng năm nhằm tôn vinh những doanh nghiệp dệt may có hoạt động kinh doanh tốt. Ban giám khảo là những chuyên gia trong ngành cùng đánh giá để chọn ra những doanh nghiệp tiêu biểu nhất trong năm.

Ban tổ chức giải sẽ bắt đầu nhận hồ sơ đăng ký trong tháng 7 và kiểm tra thẩm định trong tháng 8. Lễ trao giải dự kiến diễn ra vào ngày 19-9.

Ban tổ chức giải cho biết, sẽ có 10 doanh nghiệp được bình chọn cho danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu toàn diện và khoảng 40 giải thưởng Doanh nghiệp tiêu biểu từng mặt dành cho các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh tốt dựa trên một số tiêu chí như hiệu quả kinh doanh cao, xuất khẩu tốt, chiếm lĩnh thị trường nội địa, thương hiệu mạnh, quan hệ lao động tốt, phát triển mặt hàng có tính cạnh tranh cao, sản xuất nhiều vải phục vụ cho xuất khẩu…

Phát biểu tại buổi họp báo, ông Lê Quốc Ân, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết mục đích của cuộc bình chọn không chỉ nhằm tôn vinh các doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh tốt mà còn là cơ sở để các doanh nghiệp ngành dệt may phấn đấu trong giai đoạn phát triển mới.

Về kết quả sản xuất kinh doanh trong sáu tháng đầu năm, ông Ân cho biết kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm của toàn ngành dệt may đạt 4,2 tỉ đô la Mỹ, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Năm nay, ngành dệt may Việt Nam phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 9,5 tỉ đô la Mỹ, tăng 20% so với năm 2007.

Ông Ân nhận định, nếu toàn ngành tiếp tục nỗ lực, doanh nghiệp được hỗ trợ vay thêm vốn sản xuất, thủ tục vay nhanh gọn thì có thể đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu năm nay vì số lượng đơn hàng xuất khẩu trong năm nay là rất nhiều.

Hiện ngành dệt may Việt Nam có khoảng 2.500 doanh nghiệp, thu hút trên 2 triệu lao động.

Ông Ân khẳng định hiện lợi thế của ngành dệt may Việt Nam vẫn là yếu tố lao động, Việt Nam vẫn đang nằm trong nhóm những nước và vùng lãnh thổ có chi phí lao động khá thấp trên thế giới.

Tính chung cả nước, giá lao động ngành dệt may bình quân khoảng 120 đô la Mỹ/người/tháng, trong đó khu vực TPHCM khoảng 150 đô la Mỹ, còn các tỉnh, thành khác khoảng 70 đô la Mỹ.

Theo ông Ân, năng suất lao động, nhân lực quản lý, nhất là cấp trung và cao cấp chính là điểm yếu mà ngành dệt may Việt Nam cần khắc phục ngay.

VĂN NAM

 

Phương pháp và tiêu chí bình chọn năm 2008

Đối với danh hiệu Doanh nghiệp tiêu biểu từng mặt

Mỗi mặt tiêu biểu được chấm điểm theo các tiêu chí cụ thể, được tính theo trọng số và có tổng số điểm tối đa là 10. Đối với các tiêu chí có tính định lượng thì dùng số liệu báo cáo của doanh nghiệp có xác nhận (hoặc kiểm tra) của cơ quan chức năng có liên quan. Đối với các tiêu chí định tính thì ban giám khảo sẽ tổ chức các tổ tư vấn phù hợp để phúc tra đánh giá lại phần đăng ký của doanh nghiệp. Ngoài ra, kết quả của các cuộc bình chọn doanh nghiệp trong năm do các tổ chức có uy tín như Bộ Công thương, VCCI, Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng, Thời báo Kinh tế Việt Nam, báo Sài Gòn Tiếp thị…  tổ chức, cũng sẽ được sử dụng trong việc chấm điểm.

Ban tổ chức sẽ lựa chọn từ 3-5 doanh nghiệp có điểm cao nhất ở từng mặt để trao danh hiệu.

Tiêu chí bình chọn Doanh nghiệp tiêu biểu từng mặt

STT

Danh hiệu

Tiêu chí

Trọng số

Điểm tối đa

1

Hiệu quả kinh doanh tốt

1. Lợi nhuận trước thuế

2. Tỷ suất lợi nhuận/vốn sở hữu

30%

70%

3

7

2

Tăng trưởng mạnh

1. Doanh số (không tính VAT)

2. Tốc độ tăng trưởng

50%

50%

5

5

3

Xuất khẩu tốt

1. Kim ngạch xuất khẩu

2. Tỷ trọng xuất FOB/tổng xuất khẩu

50%

50%

5

5

4

Chiếm lĩnh thị trường nội địa

1. Doanh số bán nội địa

2. Có thương hiệu trong nước

3. Tổ chức mạng lưới tiêu thụ tốt

40%

30%

30%

4

3

3

5

Thương hiệu mạnh

1. Đạt các giải thưởng và danh hiệu trong và ngoài nước

2. Có ISO 9000

3. Thương hiệu lan tỏa khắp nước

50%

25%

25%

5

2,5

2,5

6

Quan hệ lao động tốt

1. Có SA 8000, WRAP, OHSAS 18000

2. Có hệ thống lương và phúc lợi tốt

3. Không có tranh chấp lao động

4. Số lao động lớn

25%

25%

25%

25%

2,5

2,5

2,5

2,5

7

Quản lý môi trường tốt

1. Có ISO 14000

2. Có chứng nhận Ecolabel

50%

50%

5

5

8

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới