Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyến tàu cuối

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyến tàu cuối

Lái tàu Nguyễn Văn Thi nhấn còi chuẩn bị cho chuyến tàu khách cuối cùng rời ga Sài Gòn – Ảnh: ĐÌNH DŨNG

(TBKTSG Online) –  Sau khi phả một hồi còi vang dài vào bóng đêm ngay khi đồng hồ điểm 11 giờ đêm 6-2 (đêm 30 Tết), đoàn tàu khách mang số hiệu SE4 938 chậm rãi chuyển bánh rời Ga Sài Gòn hướng về Hà Nội.

>> Xem thêm video về vấn đề này (Nguồn: VTV)

Chuyến tàu cuối cùng của năm cũ Đinh Hợi đã bắt đầu hành trình đến năm mới, mang theo những hành khách với niềm mong muốn sớm đoàn tụ cùng gia đình để đón một cái Tết ấm áp.

Ngày cuối năm tại Ga Sài Gòn, không khí như trầm lắng lại. 10 giờ đêm, trong phòng chờ nhà ga, những hành khách cuối cùng chờ chuyến tàu ra Bắc, ngồi cạnh hành lý của mình nhìn xa xăm vào gốc mai và vài cành đào đã nở rộ hoa trong nhà ga. Họ, vì nhiều lý do, đã không thể mua vé sớm nên phải về trên chuyến tàu cuối này và nghĩ ngợi lan man về một giao thừa trên tàu, mỗi người một tâm trạng nhưng có một điểm rất chung là không biết gia đình đang đón Tết như thế nào?

Từ buổi sáng, đại diện Ga Sài Gòn cho Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online biết tàu SE4 khởi hành đi Hà Nội lúc 11 giờ đêm sẽ là chuyến cuối cùng trong ngày, hiện còn vé nhưng ít người mua. Trước giờ tàu khởi hành nhà ga đã tổ chức một buổi tiệc giao thừa sớm từ lúc 9 giờ tối.

Không giống cảnh náo nhiệt thường ngày, sân ga ngày cuối năm chỉ lác đác vài người đưa tiễn. Chẳng có cảnh bịn rịn kẻ dưới nhà ga, người trên tàu vẫy tay như thường thấy. Một nhân viên nhà ga đã thốt lên: chắc bạn bè, người thân về quê hết rồi nên chẳng còn ai đưa tiễn. Ai cũng vội vã trong thời khắc sắp bước sang năm mới này.

Sân ga, đoàn tàu và cả khách lẫn chủ đều đang cố gắng làm nốt công việc của năm cũ để chỉ một giờ nữa thôi, năm mới sẽ bắt đầu. Với nhiều người đi làm ăn xa nhà, đó là giờ phút đoàn tụ sau một năm trời. Nhưng những người trên chuyến tàu này đang chuẩn bị đón giao thừa trên tàu. Mỗi người đều mang tâm trạng riêng những nỗi buồn xa nhà trong giây phút giao thừa cũng tương tự như nhau. 

Anh Hà Triệu Minh nói khi đang cùng vợ con chuẩn bị hành lý lên tàu: “Tôi không quen với việc xa nhà vào đêm 30 Tết như thế này. Nhà tôi có truyền thống tất cả tập trung tại nhà cha mẹ đêm giao thừa, chúc tết rồi đi chùa. Nên hôm nay thấy cũng trong lòng sao sao!”. Anh Minh sẽ xuống tàu tại Ga Quy Nhơn, nghĩa là sáng mai đã tới nơi, nhưng anh vẫn khẳng định: “Chắc tôi sẽ gọi điện chúc Tết mọi người, bạn bè trên đường đi”.

Không như Minh, cô gái trẻ tên Nguyễn Thị Bích Thủy lại thu mình trên ghế, tay bấm bấm chiếc điện thoại như để xua đi nỗi nhớ nhà. “Đây là lần đầu tiên em không được đón giao thừa ở nhà, nơi có ông bà, cha mẹ, chú, dì tụ tập đông đủ để chúc mừng năm mới. Em thấy buồn!” Thủy nói.

Thủy cho biết thêm công việc của một nhân viên bán hàng mỹ phẩm ở trung tâm thương mại Diamond Plaza (TPHCM) đã không cho phép cô về với gia đình ở thành phố biển Nha Trang sớm hơn, nên chuyến tàu đêm nay là sự chọn lựa cuối cùng.

Nhưng với anh Nguyễn Văn Hải thì chuyến tàu cuối năm này cũng là một điều thú vị vì đây cũng là lần đầu tiên anh đón xuân ngoài đường. Do công việc quá bận rộn nên anh không thể đưa vợ về quê sớm hơn được. “Tới giao thừa à? Chẳng biết nữa, tàu cứ chạy, mình cứ ngồi. thế thôi,” Hải lạc quan.

Nhân viên đường sắt ra tín hiệu đèn cuối cùng cho phép đoàn tàu chuyển bánh (Ảnh: Đình Dũng)

Cũng giống như bao hành khách khác, anh Nguyễn Văn Thi, 43 tuổi, một trong hai lái tàu chính của đoàn tàu đêm nay, cũng mang một tâm trạng bồi hồi vì chỉ một tiếng nữa thôi thời khắc giao thừa đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới bắt đầu.

Đáng lẽ ra giờ này anh Thi phải đang có mặt ở nhà tại Nha Trang cùng vợ và cô con gái sáu tuổi chuẩn bị đón năm mới, nhưng vì công việc anh và đồng nghiệp đang phải mang trọng trách điều khiển con tàu với gần 400 hành khách về đích an toàn.

Với một số hành khách trên tàu, vì công việc hay vì lý do nào đó họ không thể về gia đình sớm hơn, thì đây có lẽ là lần đầu tiên họ trải qua cảm giác đón giao thừa dọc đường. Nhưng với anh Thi, chuyện đón xuân trên đường ray tàu bây giờ đã là bình thường. Qua 15 năm công tác trong ngành, anh chỉ nhớ láng máng một hai lần gì đó anh còn được đón xuân với gia đình, còn lại toàn dọc đường: khi thì đang ở đoạn nào đó ở rừng Tánh Linh, khi thì ở Đà Nẵng… và năm nay chắc chắn sẽ lại đón giao thừa ở cung đường Trảng Bom-Dầu Giây thuộc tỉnh Đồng Nai.

“Trong thời điểm giao thừa, mình thấy man mác buồn khi nghĩ về gia đình. Ai cũng vậy thôi, đều mong ngày Tết được xum họp gia đình,” anh Thi tâm sự.

Nhưng cái nghề khá đặc biệt của ạnh đã ít khi cho anh cái dịp may đó. Lịch lái tàu được xếp luân phiên. Ai về trước đi trước, ai về sau đi sau. Vì vậy, với lái tàu, hễ vào giờ nào là lên đường giờ đó bất kể đó là ngày lễ, Tết. Ngay cả vợ anh, dù đã được “làm công tác tư tưởng” rất kỹ về nghề lái tàu trước khi cưới nhưng vẫn buồn khi thường xuyên đón giao thừa với con nhỏ lủi thủi một mình ở nhà.

“Công việc mà! Riết rồi quen nên thấy bình thường. Chứ không như năm 1992, lần đầu tiên nếm mùi xa nhà ngày Tết trên tàu. Buồn không chịu nổi,” Thi cười nói.

Trong khi đó, đồng nghiệp anh là Nguyễn Đức Ngữ lại có thâm niên nhiều hơn về khoảng lái tàu đêm 30 Tết. “Về quê ăn Tết với tôi là một thứ gì đó xa xỉ,” anh Ngữ cười nói.

Nói vậy là vì anh lái tàu 50 tuổi đời này mới chỉ có một lần về quê Hà Tây ăn Tết kể từ khi chuyển vào công tác ở Sài Gòn từ năm 1979. Vì ba ngày Tết, không trúng ca lái tàu ngày này cũng dính ngày kia. Và rồi cũng “riết thành quen”.

“Người ngoài nhìn anh em chúng tôi nghĩ chúng tôi không có Tết, nhưng chúng tôi lại thấy bình thường vì đã xác định ngay từ đầu nghề nghiệp phải như thế”, anh Ngữ nói.

Nói vậy thôi, dù đang tập trung cao độ cho đoàn tàu đang đi với vận tốc hơn 80 km/giờ, giao thừa vẫn làm anh nghĩ ngay đến gia đình, dù chỉ là thoáng qua, rồi lại tập trung vào công việc.

Lấy tiếng còi thay champagne, người lái tàu chào đón năm mới đơn giản chỉ thết thôi. Có người kéo một hồi còi dài hơn bình thường; có người kéo ba tiếng còi dài như để chia sẻ với hành khách thời khắc đầu tiên của năm mới và rồi con tàu vẫn tiếp tục cuộc hành trình của mình.

ĐÌNH DŨNG

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới