Chuyện thời đô la giảm giá
![]() |
Abu Dhabi đã mua 90% cao ốc Chrysler – được coi là viên ngọc của thành phố New York |
(TBKTSG) – Từ nhà máy bia đến nhà chọc trời, từ sân bay đến công nghệ sinh học: người ngoại quốc đang đổ xô đi mua các tài sản của Mỹ với giá hời nhờ đồng đô la Mỹ giảm giá mạnh trong thời gian gần đây.
Biến chuyển khác thường
Khi giá trị đồng đô la Mỹ giảm so với các ngoại tệ mạnh khác thì đã diễn ra nhiều chuyện lạ. Trong khi một số lượng lớn công dân Mỹ có thu nhập vừa phải nay tránh đi du lịch nước ngoài, thu ngắn thời gian du lịch, tiết giảm chi tiêu khi đi du lịch trong các tháng hè năm 2008 thì đất nước của họ lại đón nhiều du khách ngoại quốc hơn bao giờ hết.
Người Anh sử dụng đồng bảng Anh vẫn còn trị giá rất cao nên không hề ngại du lịch Mỹ đã đành mà người dân ở 15 nước sử dụng đồng euro còn rủ nhau đi du lịch Mỹ thật nhiều do một euro bây giờ đổi được gần 1,6 đô la Mỹ. Người Úc cũng bay đến Mỹ tham quan, mua sắm và giải trí nhiều hơn vì đồng đô la Úc nay đã có giá gần bằng đồng đô la Mỹ. Còn du khách Trung Quốc đã bắt đầu đi khám phá nước Mỹ trong 12 ngày với giá hơn 3.000 đô la/người vì giá trị của đồng nhân dân tệ đã tăng 9,7% so với đô la Mỹ.
Top 10 công ty lớn của Mỹ đã đổi chủ (Nguồn: BusinessWeek)
Bán |
Mua |
Giá trị |
Anheuser-Busch Companies, nhà sản xuất bia Budweiser ở St.Louis |
InBev NV ở Levun, Bỉ |
52 tỉ đô la Mỹ ngày 11-6-2008 |
Genentech, sản xuất y dược, các loại thuốc trị ung thư, ở California |
Roche Holding, công ty y dược ở Basel, Thụy Sĩ |
43,7 tỉ đô la Mỹ ngày 21-7-2008 |
Lyondell Chemical, lọc dầu, hóa chất ở Houston, Texas |
Basell Industries ở Rotterdam, Hà Lan |
19,7 tỉ đô la Mỹ ngày 16-7-2007 |
Lucent Technologies, trang thiết bị viễn thông ở New Jersey |
Alcatel ở Paris, Pháp |
18,9 tỉ đô la Mỹ ngày 2-4-2006 |
MedImmune, công nghệ kỹ sinh, thuộc trị cúm |
AstraZeneca ở London, Anh |
15,7 tỉ đô la Mỹ ngày 22-4-2007 |
John Hancock Financial Services, đầu tư và bảo hiểm ở Boston |
Manulife Financial ở Toronto, Canada |
13 tỉ đô la Mỹ ngày 28-9-2003 |
KeySpan, công ty gas ở Brooklyn, New York |
National Grid ở London |
12,1 tỉ đô la Mỹ ngày 25-2-2006 |
SABIC Innovative Plastics, nhựa ở Pittsfield, Masschusetts |
Saudi Basic Industries ở Riyadh, Ả Rập Saudi |
11,6 tỉ đô la Mỹ ngày 21-5-2007 |
Innovene, hóa dầu, lọc dầu ở Chicago, sở hữu bởi BP (Anh) |
Ineos Enterprises ở Runcorn, Cheshire, Anh |
10,7 tỉ đô la Mỹ ngày 7-10-2007 |
Compass Bancshares, ngân hàng thương mại ở Birmingham, Alabama |
Banco Bilbao Vizcaya Argentina ở Bilbao, Tây Ban Nha |
9,75 tỉ đô la Mỹ |
Một biến chuyển khác thường nữa diễn ra ở lĩnh vực xuất nhập khẩu. Khi giá trị đồng đô la giảm và lạm phát tăng cao ở nhiều nước trên thế giới thì “outsourcing” (gia công sản xuất ở nước ngoài) đã không còn là ưu tiên hàng đầu của các cơ sở sản xuất và kinh doanh hàng hóa Mỹ nữa. Bây giờ họ nói nhiều và thi nhau thực hành “relocalization” (địa phương hóa ngược trở lại) và “de-outsourcing” (rút lui khỏi các thị trường gia công giá rẻ, đặc biệt là ở châu Á), trở về sản xuất ngay ở nước nhà hoặc ở các thị trường gần hơn với nước nhà (Mexico, các nước Nam Mỹ).
Và may sao, khi giá trị đồng đô la giảm, hàng hóa người Mỹ làm ra có lực hút mạnh hơn. Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, các hãng vận tải biển, các hãng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không và các cảng biển ở Mỹ đều báo cáo khối lượng hàng xuất đi các nước trên thế giới đã tăng cao trong sáu tháng đầu năm 2008.
Làn sóng doanh nghiệp Mỹ đổi chủ
Đáng chú ý hơn nữa, khi giá trị đô la giảm so với các ngoại tệ khác, khi kinh tế Mỹ suy thoái, lạm phát tăng cao, thất nghiệp tăng, thị trường chứng khoán liên tục rớt điểm… thì các doanh nghiệp Mỹ không còn đóng vai trò những “raider” (kẻ tấn công) hàng đầu thế giới trong các thương vụ M&A, tức sáp nhập và mua lại các doanh nghiệp ở nước ngoài. Ngược lại, họ đã rơi vào thế bị động, trở thành những con thú bị săn lùng.
Kẻ bị săn gần đây nhất hồi trung tuần tháng 6-2008 là Anheuser-Busch, công ty sản xuất kinh doanh bia và thức uống số một ở Mỹ (sản phẩm nổi tiếng nhất là bia Budweiser, được người Mỹ gọi thân mật là Bud). Tuy các lon và chai bia Bud vẫn sẽ được sản xuất ra từ các nhà máy ở Mỹ nhưng chúng trở thành sản phẩm của InBev, một đại gia bia xuất xứ từ Bỉ. InBev đã mua Anheuser-Busch với giá 52 tỉ đô la và trở thành nhà sản xuất bia lớn nhất thế giới.
Khi người Mỹ chưa kịp hoàn hồn thì họ lại nhận thêm cú sốc lớn vào ngày 21-7-2008, khi nghe tin Công ty Dược Roche Holdings của Thụy Sỹ chào mua thêm một phần lớn cổ phần vốn của tập đoàn Genentech với giá 43,7 tỉ đô la Mỹ.
Thực ra đây chỉ là hai thương vụ M&A lớn đáng kể nhất trong số 2.331 doanh nghiệp Mỹ đã phải bán cho các doanh nghiệp nước ngoài trong năm năm trở lại đây với tổng giá trị lên đến 772,3 tỉ đô la Mỹ.
Theo nhà cung cấp dữ liệu Capital IQ thì trong tổng số vụ mua bán công ty kể trên, riêng năm 2007 có nhiều công ty Mỹ bị bán nhất với giá trị 294,4 tỉ đô la Mỹ, tăng 90% so với năm 2006 và bằng năm lần giá trị các doanh nghiệp Mỹ bị bán đi trong năm 2003. Còn tính đến hết sáu tháng đầu năm 2008 đã có thêm nhiều doanh nghiệp Mỹ đổi chủ mới đến từ nước ngoài, tổng trị giá hơn 121 tỉ đô la Mỹ.
Làn sóng M&A chưa có dấu hiệu dịu xuống. Sau một tháng xem xét, Genetech từ chối lời chào mua đưa ra bởi Roche, mở đường cho một cuộc chạy đua mới mà trong đó chỉ có công ty nào chào giá mua cao hơn mới giành được Genetech, một nhà sản xuất các loại thuốc chữa trị ung thư nổi tiếng thế giới (chẳng hạn như Avastin, trị ung thư phổi, ruột và vú đạt doanh thu 2,3 tỉ đô la Mỹ trong năm 2007; Herceptin trị ung thư vú có doanh thu 1,3 tỉ đô la Mỹ).
P.N.DŨNG (tổng hợp)