Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Chuyện “trọng dân”…

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Chuyện “trọng dân”…

Chánh Khải

(TBKTSG) – Cục Thuế TPHCM đang tổ chức “tuần lễ lắng nghe ý kiến người nộp thuế” từ ngày 24 đến 30-5-2010. Đi ngoài đường thấy khá nhiều băng-rôn tuyên truyền cho sự kiện này với nội dung đầy tâm huyết như “Người nộp thuế hãy phản ánh các vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng cho cơ quan thuế…”, hoặc “… Cơ quan thuế sẽ trả lời và đáp ứng các nguyện vọng của người nôp thuế”.

Ngành thuế nói chung, lâu nay vốn là ngành bị kêu ca khá nhiều về cung cách làm việc quan liêu, gây phiền hà, thậm chí cả chuyện nhũng nhiễu… Nay với “tuần lễ lắng nghe ý kiến” xem ra người nộp thuế đã được tôn trọng, và vì được tôn trọng nên mới lắng nghe? Thoạt tiên, có thể nghĩ như vậy nhưng rồi ngẫm lại, thấy có gì đó không ổn.

Người dân có thể tự hỏi, tại sao lại là “tuần lễ lắng nghe…”? Hết tuần lễ này thì không lắng nghe nữa hay sao? Rồi thì, tại sao bây giờ mới lắng nghe, còn trước đó, hàng chục năm qua thì sao, ngành thuế có lắng nghe không?

Trong thực tế cũng đã thấy, nhiều dự thảo hay quy định liên quan đến thuế như thu nhập cá nhân, nhà, đất, chuyển nhượng vốn góp… trước đây, người dân góp ý rất nhiều nhưng hình như chẳng được lắng nghe mấy.

Hệ thống chính quyền với các ban ngành chức năng được hình thành nhằm tổ chức vận hành xã hội dân sự theo một trật tự, quy củ do Hiến pháp và pháp luật quy định. Trong hệ thống ấy, cơ quan thuế cũng là một mắt xích của toàn bộ máy, hay nói cách khác, ngành thuế là một cỗ máy con với nhiệm vụ cụ thể được phân công.

Và để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, lắng nghe là chuyện phải làm và để nghe được thì phải chủ động đến với đối tượng của mình. Đằng này, người ta lại kêu gọi “người nộp thuế hãy phản ảnh các vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng cho cơ quan thuế…”. Cung cách ban phát, xin-cho còn thể hiện rõ trong cách tiến hành “tuần lễ…”.

Cũng liên quan đến chuyện “trọng dân”, sau khi đại lộ Đông Tây được thông xe (một phần) đến giờ, những ai qua lại góc đường Hàm Nghi – Phó Đức Chính đều thấy một băng-rôn với nội dung khá lạ và đáng suy nghĩ, đó là: “Kính mời nhân dân sử dụng đường này để vào đại lộ Đông Tây”.

Mới đầu, đọc thấy chữ “kính mời…”, có thể có người cho rằng cơ quan có liên quan đã thật lòng “trọng dân” nên mới lễ phép đến bất ngờ như vậy. Nhưng suy cho kỹ, với cụm từ “kính mời nhân dân…” thì người mời chắc không là dân mà phải… trên nhân dân mới có thể mời nhân dân đi đường này hay đi đường khác. Đó là kiểu tư duy… “bề trên”.

Trong trường hợp đại lộ Đông Tây này, với người biết việc thì rất đơn giản, chỉ cần đặt một biển chỉ dẫn giao thông – mũi tên trắng trên nền màu xanh – với hàng chữ bên dưới “hướng ra đại lộ Đông Tây” là xong, cần gì phải ra vẻ “kính mời” cho rối chuyện.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới