Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

CIO Liên bang Mỹ – Đối mặt với nhiều thách thức

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

CIO Liên bang Mỹ – Đối mặt với nhiều thách thức

Ông Vivek Kundra.

(TBVTSG) – Ông Vivek Kundra, 37 tuổi, được Tổng thống Mỹ Barack Obama bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc công nghệ thông tin (CIO). Ông Kundra là người đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này của Chính phủ Liên bang Mỹ.  

Với cương vị mới này, ông Kundra được dự báo sẽ đối mặt với không ít thách thức trong việc hiện đại hóa hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và cải thiện hiệu quả sử dụng công nghệ của chính phủ.  

Chân dung CIO của Chính phủ Mỹ

Với tư cách là CIO liên bang, ông sẽ quản lý một ngân sách 71 tỷ đô-la và điều hành cách thức sử dụng CNTT của các cơ quan chính phủ. Tại một cuộc họp báo gần đây, ông Kundra cho biết sẽ nghiên cứu cách thức cải thiện hiệu quả của những khoản đầu tư về công nghệ của chính phủ, đồng thời nỗ lực giúp người dân truy cập dễ dàng nhiều thông tin hơn trên Internet. Hai lĩnh vực mà ông Kudra ưa thích là những thiết bị di động thế hệ mới và các công nghệ Web 2.0, như  Wiki và YouTube.

Trước đó, khi đảm nhiệm vị trí Giám đốc công nghệ của thủ đô Washington vào cuối năm 2007, ông Kundra đã mở ra một kỷ nguyên thử nghiệm – sử dụng những trang web phổ biến như trang web chia sẻ video YouTube, từ điển bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia và dịch vụ blog ngắn gọn Twitter để cải thiện các dịch vụ của thành phố.

Giờ đây, ông Kundra có kế hoạch làm điều tương tự với cương vị là CIO của chính phủ. Ông hy vọng sẽ thay đổi cách thức chính phủ sử dụng công nghệ và cải thiện hiệu quả bằng cách làm cho các cơ quan chia sẻ thông tin và máy tính. Ông còn cho biết sẽ dùng trang web  kết nối xã hội để mở các cuộc đối thoại giữa chính phủ và người dân.

Các nhà lãnh đạo của ngành công nghiệp máy tính hoan nghênh một số ý tưởng của ông Kundra. Harry Raduege, một cựu CIO của Bộ Quốc phòng, cho rằng điều quan trọng là có được một CIO với tầm nhìn bao quát và khả năng phá vỡ bức tường ngăn cách giữa các cơ quan chính phủ. Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng đánh giá cao sự quan tâm của ông Kundra đối với “điện toán đám mây”. Thay vì mỗi cơ quan chính phủ có một trung tâm dữ liệu riêng, ông Kundra muốn các cơ quan này chia sẻ các cụm máy tính lớn (tức “đám mây”) để có thể tận dụng hiệu quả của những hệ thống này.

Tuy nhiên, ông Kundra cũng dự kiến sẽ đối mặt với không ít thách thức. Chính phủ Mỹ được biết đến nhiều bởi những thất bại hơn là thành công về công nghệ. Chẳng  hạn như Cơ quan Thuế vụ Mỹ (IRS) phải mất đến hơn 10 năm và 8 tỷ đô-la để nâng cấp hệ thống xử lý thuế của mình. Ngoài ra, ông Kundra sẽ không có được quyền kiểm soát toàn bộ ngân sách công nghệ của chính phủ như một CIO doanh nghiệp thường có.

Những cơ quan lớn, như IRS hoặc Bộ Quốc phòng, đã quen với việc hoạt động độc lập và có lẽ sẽ chống lại những nỗ lực muốn kiểm soát chi tiêu công nghệ của họ. Ngoài ra, mục tiêu giúp công chúng tiếp cận nhiều hơn với thông tin và hoạt động của chính phủ có thể đụng chạm với trách nhiệm bảo vệ sự riêng tư của người dân và bí mật quốc gia.

Trong khi đó, một số chuyên gia cũng bày tỏ mối hoài nghi về các kế hoạch của ông Kundra. Kế hoạch sử dụng nhiều phần mềm nguồn mở hơn, như hệ điều hành Linux và chương trình quản lý cơ sở dữ liệu MySQL, được xem là một sự đối đầu với Microsoft và Oracle. Bảo mật cũng là một điểm nóng khác. Một số chuyên gia bảo mật chỉ trích ông Kundra vì đã khuyến khích công chức thành phố Washington đưa thông tin về hoạt động của mình lên Twitter. Gary McGraw, Giám đốc công nghệ tại công ty phần mềm bảo mật Cigital, nhận định: “Vấn đề là Twitter không phải tuyệt đối bảo mật. Nó có thể để rò rỉ những thông tin mà công chúng không nên biết”.

Những vấn đề cần quan tâm

Ngoài những kế hoạch nói trên, nhiều người trong giới CNTT còn muốn ông Kundra quan tâm nhiều đến những nội dung dưới đây trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

1. Xử nặng các vụ rò rỉ dữ liệu khách hàng

Các công ty làm tổn hại đến lòng tin của công chúng bằng cách thải hóa chất xuống sông hoặc đổ chất thải trái phép đều phải nộp phạt. Tuy nhiên, những công ty gây ra thiệt hại cho dữ liệu khách hàng lại ít bị phạt. Điều này cần phải thay đổi.

Đây là một kịch bản quen thuộc: Các ngân hàng đột ngột hủy thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ, phát hành thẻ và số tài khoản mới mà không có lời giải thích thỏa đáng. Nguyên nhân thường xuất phát từ các vụ xâm phạm dữ liệu, trong đó các tài khoản bị “thất lạc”. Thường thì các ngân hàng phát hành thẻ không tiết lộ danh tính của công ty chịu trách nhiệm cho vụ rò rỉ dữ liệu. Họ đơn giản chỉ hủy và phát hành thẻ mới, để khách hàng gánh hậu quả.

Vấn đề là những hành động bất cẩn như thế của doanh nghiệp thường không bị trừng phạt đích đáng. Nếu có những biện pháp mạnh hơn để bắt công ty chịu trách nhiệm về những vụ xâm phạm bảo mật xảy ra, khách hàng có thể sẽ thấy dữ liệu của mình được bảo vệ tốt hơn.

2. Hạn chế EULA

Đặt trường hợp hãng xe hơi General Motors yêu cầu người mua xe tải ký vào một văn bản nói rằng công ty có thể đòi quyền sở hữu đối với bất kỳ vật liệu nào mà xe tải chở hoặc công ty không chịu trách nhiệm trong trường hợp xe bị nổ do lỗi sản xuất.

Đó là tình huống mà chúng ta đang gặp phải trong lĩnh vực phần mềm khi việc sử dụng Thỏa thuận cấp phép sử dụng cho người dùng cuối (EULA) của các công ty đã trở nên vượt khỏi tầm kiểm soát. Một số công ty đã đi quá đà khi đòi quyền sở hữu đối với bất kỳ sản phẩm nào được tạo ra từ phần mềm của họ. Bên cạnh đó, có một thực tế là EULA đã trở nên quá phiền toái đến nỗi ít khách hàng bận tâm đọc chúng trước khi nhấp chuột vào nút “Đồng ý”.

Việc những EULA này thường khó được chấp thuận trước tòa khiến không ít người đặt câu hỏi : Mục đích làm ra EULA là gì? Bằng mọi cách, các công ty nên được phép tự bảo vệ mình với một thứ gì đó tương tự như EULA, nhưng việc ban hành những tiêu chuẩn và hạn chế về quy mô của EULA sẽ giúp thúc đẩy tính phát minh sáng tạo và sự tăng trưởng của ngành công nghiệp phần mềm, đó là chưa kể đến việc bảo vệ người sử dụng khỏi những điều khoản quá đáng.

3. Dọn sạch thư rác

Theo tổ chức Spamhaus, Mỹ đang là nguồn thư rác (spam) số một thế giới. Thật ra, hầu hết các công ty đều đối mặt với tỷ lệ thư rác có lúc chiếm đến 99% trong tổng số e-mail (thư điện tử) nhận được. Đây là một tỷ lệ đáng báo động và càng đáng lo hơn khi ẩn chứa trong đó là vô số “mưu đồ” ăn cắp tính danh của người sử dụng. Nếu mức độ thư rác vẫn còn cao như thế, e-mail sẽ không còn là phương tiện giao tiếp được ưa chuộng nữa.

Để giải quyết vấn nạn này, cần phải tiến hành những bước đi cụ thể, chẳng hạn như phạt 10 đô-la/thư rác đối với bất kỳ ai gửi chúng. Bằng cách xử lý mạnh tay những vụ như thế, nước Mỹ mới giảm bớt đáng kể lượng thư rác được gửi từ bên trong nước này. Nói cho cùng thì cách nhanh nhất để đối phó với những hành vi như thế là khiến chúng không khả thi về mặt kinh tế.

4. Thúc đẩy băng thông rộng ở nông thôn

Việc sử dụng băng thông rộng tại phần lớn vùng nông thôn Mỹ vẫn còn chưa đồng đều. Nếu muốn xem mình là nước đi đầu trong kỷ nguyên số, Mỹ cần phải đưa dịch vụ băng thông rộng đến nhiều người sử dụng hơn nữa tại nông thôn. Chính phủ liên bang Mỹ đã từng có nhiều sáng kiến thúc đẩy băng thông rộng ở nông thôn trước đây. Thậm chí, Washington còn lập một quỹ để các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) có thể sử dụng để phát triển dịch vụ băng thông rộng ở nông thôn.

Thế nhưng, các ISP như Comcast và Verizon dù đã dùng đến quỹ này vẫn không tiến triển bao nhiêu. Một trong những giải pháp khả thi có thể được xem xét đến là các ISP sẽ được miễn giảm thuế cho mỗi hộ gia đình ở nông thôn sử dụng dịch vụ băng thông rộng của họ.

5. Tiêu chuẩn hóa hồ sơ y tế điện tử

Ngày nay, nhiều hồ sơ y tế của bệnh nhân được lưu trữ dưới dạng điện tử trong một cơ sở dữ liệu do bệnh viện quản lý. Việc truy cập vào những hồ sơ này từ bên ngoài là không thể trong hầu hết các trường hợp. Việc này đòi hỏi phải in ấn thông tin ra rồi gửi qua bưu điện đến nơi cần – toàn bộ tiến trình này thường diễn ra rất chậm chạp. Do hồ sơ y tế của bệnh nhân đã được “điện tử hóa”, cần có cách thức tốt hơn để truyền thông tin về bệnh nhân một cách an toàn và nhanh chóng giữa các nhà cung cấp dịch vụ sức khỏe dưới sự giám sát của chính phủ.

TH. PHƯƠNG – (Infoworld, BusinessWeek)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới