Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có biểu hiện độc quyền trong việc thu phụ phí tàu biển

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có biểu hiện độc quyền trong việc thu phụ phí tàu biển

Thái Hằng thực hiện

Ông Phan Thông.

(TBKTSG Online) – Trước tình trạng thu phí tràn lan của các hãng tàu gây bức xúc trong dư luận, Bộ Giao thông vận tải đã thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra thực tế tại Hải Phòng và TPHCM để báo cáo lên Thủ tướng. TBKTSG Online đã phỏng vấn ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội chủ hàng Việt Nam, thành viên tổ công tác về vấn đề này.

>>Doanh nghiệp nặng gánh phí vận tải

TBKTSG Online: Chuyến làm việc với đại diện chủ tàu và chủ hàng vừa qua có kết quả như thế nào, thưa ông?

– Ông Phan Thông: Tổ công tác đã có hai buổi làm việc tại Hải Phòng và TPHCM với các chủ hàng và chủ tàu khu vực phía Bắc và khu vực phía Nam. Đây là hai buổi đối thoại và cung cấp thông tin từ chủ hàng và chủ tàu về vấn đề thu phụ phí.

Các chủ hàng thể hiện bức xúc về việc một số phụ phí thu không đúng đối tượng. Ví dụ chủ hàng không quyết định việc vận tải lại bị chịu phụ phí liên quan đến cước vận tải; phụ phí thu có thời gian không hợp lý như phụ phí phát sinh từ những biến động cụ thể nhưng khi biến động kết thúc vẫn không ngừng thu (trường hợp EBS, phụ phí điều chỉnh xăng dầu – PV ); phụ phí thu mà không báo trước hoặc chỉ báo trước ngay khi thu làm chủ hàng bị động trong hợp đồng mua bán…

Ngoài ra, có những đại lý chủ tàu (forwarder) thu thêm các phụ phí mà chủ tàu không chỉ định thu và có những đơn vị kinh doanh đại lý vận chuyển cũng “ăn theo”, thu với mức phụ phí cao.

Trong lúc đó, các đại diện chủ tàu cũng có những giải thích về các loại phí thu và lý do thu. Đa phần đều nói thu theo chỉ định của hãng tàu mẹ ở nước ngoài và đã thực hiện hợp lý.

Trong nhiều năm qua, việc các hãng tàu tự ý áp dụng phụ phí đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã khiến các chủ hàng Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân theo ông là do đâu?

– Phụ phí phát sinh do những biến động bất ngờ ảnh hưởng tới giá cước hoặc do bóc tách những thành phần trong cước. Đây là việc làm bình thường. Tuy nhiên, do là những thỏa thuận kinh doanh, đáng lẽ việc này phải có sự đồng thuận từ hai phía của hợp đồng: chủ hàng và chủ tàu.

Tuy nhiên, hãng tàu tự ý áp dụng là do họ muốn áp đặt việc thu không qua thương lượng. Nếu thương lượng, họ có thể sẽ gặp phải những phản ứng của chủ hàng không có lợi cho việc thu; nếu làm rõ các chi tiết phụ phí, họ có thể không thu được nhiều và lâu như hiện nay. Phía chủ hàng bị ép nộp do lệ thuộc vào việc cần nhận hàng về hoặc gửi hàng đi nên khó phản đối triệt để. Đây cũng lý do để tình trạng thu phụ phí tràn lan và bất cập như hiện nay.

Tổ công tác đã kiến nghị những giải pháp nào, về dài hạn, cũng như trong ngắn hạn để giải quyết bức xúc của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, góp phần làm minh bạch hóa hoạt động thu phí tàu biển?

– Chúng tôi kiến nghị các vấn đề:

Thứ nhất là xem xét việc áp đặt thu phụ phí trên góc độ độc quyền thị trường. Phần lớn vận chuyển hàng hóa quốc tế đều thực hiện qua đường hàng hải và ước tính đến 80% thị phần vận chuyển đường biển nằm trong tay các hãng tàu nước ngoài. Vấn đề các hãng tàu được tự do áp đặt thu phụ phí cũng có biểu hiện độc quyền. Việc điều tra và giải quyết đòi hỏi sự quan tâm phối hợp của nhiều cấp.

Thứ hai là sự bức thiết phải phát triển đội tàu trong nước để tham gia cạnh tranh trên thương trường, tạo thêm lựa chọn cho chủ hàng.

Thứ ba là xây dựng cơ chế, chính sách để quản lý thị trường phí và phụ phí đường biển được minh bạch và lành mạnh

Thứ tư là hiệp thương, đàm phán giá cước, phụ phí giữa chủ hàng và chủ tàu để thị trường cước và phụ phí được minh bạch, hợp lý nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam. Hiệp hội Chủ hàng cũng được đề nghị là đơn vị cùng chủ trì, phối hợp thực hiện việc này.

Bên cạnh đó, tổ công tác cũng giao nhiệm vụ cho Hiệp hội Chủ hàng làm đầu mối để thực hiện và theo dõi việc thực hiện các thỏa thuận về cước, phụ phí vận tải đường biển giữa chủ hàng và chủ tàu; làm đầu mối để tổng hợp tình hình và đề xuất, kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước về cước, phụ phí vận tải đường biển.

Như vậy, đến khi nào những giải pháp trên mới được áp dụng? Và cụ thể bộ ngành nào sẽ chịu trách nhiệm thực hiện?

– Các ý kiến của Tổ công tác sẽ được Bộ Giao thông vận tải báo cáo với Thủ tướng Chính phủ. Các giải pháp, hướng đi cũng nằm trong Chiến lược kinh tế biển; việc thực hiện đa phần cũng đều thuộc chức năng và nhiệm vụ của các bộ ngành liên quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng các hiệp hội như Hiệp hội Chủ hàng, Hiệp hội Chủ tàu, Hiệp hội Cảng biển, và các đơn vị khác cũng có liên quan như Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Tổng công ty Hàng hải. Để giải quyết vấn đề nhất thiêt cần có sự kết hợp của nhiều phía.

Xin cảm ơn ông!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới