Thứ Sáu, 19/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có cần ‘vơ bèo vạt tép’ với vốn nước ngoài?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có cần ‘vơ bèo vạt tép’ với vốn nước ngoài?

Vũ Quang Việt

(TBKTSG) – Bài viết đưa ra những nhận xét tổng quát về tình trạng thương mại hiện nay của nền kinh tế Việt Nam, chủ yếu nhằm phục vụ xuất khẩu của các công ty Trung Quốc và Hàn Quốc sang các nước phương Tây, từ đó cho thấy các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP sẽ giúp giảm quan hệ lệ thuộc này.

Với các FTA đã ký kết, Việt Nam không được bù lỗ cho doanh nghiệp, cắt giảm thuế nhập khẩu nên sẽ đặt Việt Nam vào thế cạnh tranh khốc liệt hơn với các đối tác, nhưng đây là thử thách đáng chấp nhận. Việt Nam với thị trường không phải nhỏ, vốn không hẳn thiếu nên không cần “vơ bèo vạt tép” vốn nước ngoài.

Kinh tế Việt Nam: thuyền có thể ngược dòng?

Kinh tế Việt Nam năm nay sẽ ra sao?

Có cần 'vơ bèo vạt tép' với vốn nước ngoài?
Xuất khẩu của Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: LÊ ANH

Nền kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào xuất khẩu để tăng GDP

Việt Nam có tỷ lệ gắn bó với thế giới qua quan hệ thương mại (hàng hóa) thuộc loại cao nhất thế giới.  Tỷ lệ xuất và nhập khẩu tính trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) đã tăng từ xấp xỉ 50% năm 2000 lên 80% năm 2014 và xấp xỉ 100% năm 2018. Trong một thời gian dài Việt Nam nhập siêu, nhưng năm 2018 đã đạt xuất siêu 6,5 tỉ đô la Mỹ. Sơ bộ năm 2019 cũng tiếp tục xuất siêu ở mức 9,9 tỉ đô la.

Nhưng để đạt được thế Việt Nam đã phải dựa chủ yếu vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Tỷ lệ xuất khẩu của doanh nghiệp FDI chiếm 54% năm 2010 đã lên 71% năm 2018. Các doanh nghiệp này thường xuyên xuất siêu (năm 2018 là 32 tỉ đô la), còn khu vực kinh tế trong nước thường xuyên nhập siêu (năm 2018 là 25 tỉ đô la).

Công trường gia công với lao động không chuyên

Trong quan hệ thương mại của Việt Nam, Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nguồn cung ứng hàng hóa tiêu dùng và đặc biệt là nguyên liệu cho sản xuất xuất khẩu của Việt Nam. Nhập khẩu từ hai nước này chiếm đến 50% giá trị hàng nhập vào Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam lại sản xuất nhằm vào 3 thị trường lớn nhất là Mỹ (20%), Châu Âu (19%) và Trung Quốc (17%), còn thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm vai trò thứ yếu (7-8%).

Kết quả của quan hệ thương mại như trên phản ánh rõ lợi thế so sánh trong kinh tế mở trên thế giới, nhưng đồng thời cũng phản ánh rõ tính chất lệ thuộc của nền kinh tế Việt Nam, đó là nơi cung ứng lao động rẻ và chờ các nước khác cung ứng vật tư/linh kiện/kỹ thuật để Việt Nam gia công làm hàng xuất khẩu cho họ, nhằm vào nền kinh tế phát triển có sức mua lớn. 

Kết quả là suốt nhiều năm Việt Nam có xuất siêu rất lớn với Mỹ và châu Âu (tổng cộng 2 khu vực là 66 tỉ đô la) và có nhập siêu lớn với Hàn Quốc và Trung Quốc (tổng cộng 2 nước này là -54 tỉ đô la). Xuất siêu lớn với Mỹ đã gây ra căng thẳng trong quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ.

Việt Nam trước tranh chấp Mỹ – Trung và các hiệp định thương mại

Trước khi ông Donald Trump cầm quyền, nước Mỹ thời Tổng thống Barack Obama cũng đã nhận thấy nguy cơ Trung Quốc, không chỉ muốn làm chủ biển Đông, tước quyền đi lại của mọi nước ở khu vực, mà còn tập trung lực lượng bằng chính sách một vành đai – một con đường nhằm lôi kéo các nước nhỏ và nghèo chung quanh với mồi nhử đầu tư và cho vay. Để đối phó lại, Mỹ thời Obama chủ trương xây dựng quanh Mỹ những nước quan trọng qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Hiệp định đã được thông qua nhưng sau đó Tổng thống Donald Trump rút lui.

Chính vì tranh chấp thương mại Mỹ – Trung, Mỹ “soi” xem có hay không việc Việt Nam trở thành bàn đạp cho phép không chỉ doanh nghiệp Trung Quốc mà còn Hàn Quốc và Đài Loan dùng “tên” để xuất hàng sang Mỹ, nhất là khi sắt thép của Việt Nam, một nước không có nhiều quặng sắt, nhưng xuất khẩu sang Mỹ tăng vọt.

Phản ứng của Mỹ với Trung Quốc và Việt Nam

Có thể nói Việt Nam là nơi Trung Quốc và Hàn Quốc dùng để gia công, nhằm tăng lợi thế cạnh tranh để xuất sang Mỹ và châu Âu, như đã trình bày ở trên.

Tình hình như trên thật sự cũng là bình thường trong một nền kinh tế thế giới mở và cạnh tranh, nhưng với Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, Trung Quốc và Việt Nam gặp phản ứng mạnh khi ông phát động chính sách bảo vệ quyền lợi của dân lao động Mỹ.  Ngay thời Tổng thống Barack Obama Mỹ đã lo ngại về việc Trung Quốc không chỉ học hỏi, mà còn sao chép, kể cả đánh cắp công nghệ Mỹ và đang biến mình thành một cường quốc công nghệ và quân sự. 

Trước tình hình trên, Mỹ đã nâng thuế nhập khẩu rất cao đối với hàng hóa mà Mỹ coi là Trung Quốc có bù lỗ, đồng thời ngăn cản Trung Quốc thu mua sở hữu một số công ty kỹ thuật Mỹ lấy lý do bảo vệ an ninh Mỹ. Và Mỹ muốn loại Trung Quốc khỏi danh sách các nước đang phát triển của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).  Tuy nhiên, sự trả đũa của Mỹ với Trung Quốc cũng có giới hạn vì tỷ lệ xuất khẩu trên GDP của Trung Quốc vào năm 2018 cũng chỉ là 15,9% so với Mỹ là 12,2%, trong khi thị trường nội địa của Trung Quốc rất lớn, nhiều đại công ty Mỹ đã phải dựa vào thị trường Trung Quốc để sống còn.

Với Việt Nam, kinh tế rất lệ thuộc vào xuất khẩu, thị trường trong nước còn nhỏ bé, thu nhập đầu người (GNI) chỉ có 2.360 đô la, rõ ràng là ở nhóm các nước có thu nhập đầu người thấp theo chuẩn của Ngân hàng Thế giới, thì áp lực của Mỹ càng trở nên mạnh hơn và khả năng đối phó lại rất thấp.

Đưa Việt Nam ra khỏi  danh sách các nước đang phát triển, hưởng ưu đãi: Hành động mới nhất là Tổng thống Donald Trump ra quyết định loại 25 nước khỏi danh sách các nước “đang phát triển” được ưu đãi về thuế  theo WTO, trong đó có Hàn Quốc, Singapore, Malaysia, Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, và cả Việt Nam. 

Quả thật quyết định này là hợp lý và cần thiết đối với một số nước, vì rất nhiều nước trong danh sách không thể gọi là “đang phát triển” được, nhất là với Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc có thu nhập theo đầu người, bao gồm cả thu nhập sở hữu, trên 10.000 đô la (2019)(2) và một bộ phận rất lớn có thu nhập không kém thu nhập trung bình của các quốc gia phát triển. Theo McKinsey, có 225 triệu gia đình ở Trung Quốc có thu nhập từ 12.000-43.000 đô la.

Đưa đồng minh và Việt Nam vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ: Phản ứng của ông Donald Trump với đối tác gần như bất chấp quan hệ đồng minh lâu đời. Ngày 28-5-2019, Bộ Tài chính Mỹ đưa 9 nước vào danh sách các nước cần theo dõi đánh giá về khả năng thao túng tiền tệ, trong đó có Việt Nam, Trung Quốc, và cả các đồng minh thân cận như Đức, Ireland, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore(3). 

Điểm bất ngờ là sau khi có thỏa ước thương mại bước đầu với Trung Quốc mà Mỹ cho rằng có thể kiểm tra được, trong đó có việc Trung Quốc hứa hẹn tăng mua hàng Mỹ, ngày 13-1-2020 Mỹ đưa Trung Quốc ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ.

(1) Nguồn số liệu bảng 1-3: Số liệu của EU từ Urostat được tác giả chuyển sang đô la Mỹ.  Số liệu về tổng xuất và tổng nhập của Việt Nam cũng như xuất, nhập với các đối tác Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc là từ Asian Development Bank (ADB). Số liệu về cán cân thương mại của Việt Nam theo nguồn ADB khác nhưng không nhiều so với số liệu của Tổng cục Thống kê, tuy nhiên, với năm 2015-2017 số liệu khác biệt nhau rất lớn, tới hơn 10 tỉ đô la.

(2) https://news.cgtn.com/news/2020-01-17/China-s-GDP-per-capita-just-passed-10-000-but-what-does-this-mean–NkvMWAMYNO/index.html. Số liệu này lấy từ World Bank.

(3)  Vũ Quang Việt, Thao túng tiền tệ, TBKTSG, 13-3-2020.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới