Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơ cấu kinh tế và tồn kho

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơ cấu kinh tế và tồn kho

Bùi Trinh

Dầu gội là mặt hàng có lượng tồn kho lớn trong sáu tháng đầu năm 2010. Ảnh: Lê Toàn.

(TBKTSG) – Cơ cấu tiêu dùng của người dân đang nghiêng sang những mặt hàng nhập khẩu, trong khi hàng sản xuất trong nước không tiêu thụ được. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến sự đình trệ trong chu kỳ sản xuất tiếp theo.

Sau một thời gian thực hiện công nghiệp hóa, nền kinh tế Việt Nam đang trở thành một nền kinh tế gia công và ngành công nghiệp chế biến của nước ta thực chất là một phân xưởng của thế giới.

Xuất khẩu của khu vực công nghiệp phần lớn là xuất ảo, chẳng hạn như xuất khẩu giày da và dệt may và nhiều ngành làm gia công khác, vì phần thực nhận chỉ có tiền công, trong khi kim ngạch xuất khẩu lại tính toàn bộ giá trị sản phẩm.

Điều quan trọng là phần tiền phía Việt Nam nhận được rất thấp, vì vậy việc nêu ra giá trị xuất khẩu chỉ mang tính thành tích.

Bao nhiêu khu chế xuất, khu công nghiệp mọc lên, bao nhiêu đất nông nghiệp mất đi sau chủ trương công nghiệp hóa đã đem lại kết quả gì? Không thể phủ nhận tất cả, nhưng nếu chỉ xét riêng ngành công nghiệp chế biến của Việt Nam thì một điều có thể khẳng định là ngành này ngày càng kém hiệu quả, tỷ lệ chi phí trung gian trên giá trị sản xuất tăng cao gần 10 điểm phần trăm so với năm 2000, hiệu quả sử dụng vốn ngày một kém đi.

Nếu lấy hệ số ICOR là một thước đo, theo tính toán của tác giả Phạm Lê Hoa trong một bài viết trên TBKTSG số ra ngày 27-5-2010 dựa vào nguồn số liệu thống kê về “vốn đầu tư” và GDP theo giá so sánh, cho thấy thời kỳ 2003-2008 hệ số này là 8,36 và nếu tính riêng cho từng năm thì năm 2007 là 8,59, năm 2008 là 11,44 và năm 2009 là 14,22. Mà tỷ lệ vốn đầu tư trên GDP của khu vực II (khu vực công nghiệp, xây dựng) là rất cao, gần như đầu tư hàng năm là dồn cho khu vực này nhưng kết quả là khu vực này ngày càng yếu kém.

Nếu nhìn vào tình hình sản xuất và tồn kho của một số ngành (sản phẩm) chủ yếu của khu vực này trong sáu tháng đầu năm 2010 có thể thấy lượng tồn kho đến tháng 6 của một số sản phẩm cao hơn giá trị sản xuất trong sáu tháng. Ví dụ như cà phê bột các loại tồn kho bằng 107% sản lượng sản xuất, lượng tồn kho bột dinh dưỡng đến tháng 6 bằng 349% sản lượng sản xuất ra, sợi xe từ sợi tổng hợp tồn bằng 143%, vải dệt sợi tổng hợp và sợi nhân tạo bằng 150%, dầu gội đầu bằng 171%, xà phòng bánh bằng 202%, kem đánh răng bằng 207%, bàn ăn bằng 166% sản lượng sản xuất.

Những ngành sản phẩm này sở dĩ có lượng tồn kho cao hơn lượng hàng sản xuất rất nhiều như vậy là do đã bị tồn kho lưu cữu từ năm trước và trong sáu tháng đầu năm nay lại được tiếp tục sản xuất nhưng không tiêu thụ được. Ngoài ra còn khá nhiều nhóm ngành sản phẩm có lượng tồn kho tính đến tháng 6 bằng hơn 50% sản lượng sản xuất trong sáu tháng. Điều này cho thấy việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp chế biến đang trong tình trạng khó khăn.

Một điều đáng lo ngại là trong sáu tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ cũng tăng rất mạnh (26,7% theo giá thực tế, nếu loại trừ yếu tố giá cũng khoảng 17% – nguồn: Tổng Cục thống kê) trong khi nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đã loại trừ yếu tố giá là 14,5%. Điều này cho thấy cơ cấu tiêu dùng của người dân đang nghiêng sang những mặt hàng nhập khẩu, trong khi sản phẩm được sản xuất trong nước không tiêu thụ được. Tình trạng này cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc, nếu kéo dài sẽ dẫn đến sự đình trệ trong chu kỳ sản xuất tiếp theo.

Điều đáng lưu ý hơn là nếu các vấn đề trên được nhìn nhận thông qua việc tăng trưởng GDP có thể sẽ dẫn đến những nhận định không chính xác về nền kinh tế. Vì sao? Vì tồn kho cũng là một bộ phận cấu thành của GDP, theo tính toán từ phía cầu (cơ quan thống kê thường gọi là GDP theo phương pháp sử dụng cuối cùng). Theo đó, GDP theo cách tính này bao gồm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình, chi tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước, tích lũy tài sản cố định, thay đổi tồn kho (còn gọi là tích lũy tài sản lưu động). Như vậy tồn kho tăng cao cũng góp phần làm tăng GDP. Về phía cung, việc sản xuất để rồi tồn kho cũng làm tăng GDP.

Một điều đáng lo ngại nữa là nguồn nội lực (để dành) để tạo thành đầu tư trong GDP ngày càng nhỏ đi (từ 36,29% trong năm 2006 giảm còn 29,23% trong năm 2009) trong khi vốn đầu tư chiếm trong GDP lại ngày càng tăng lên. Điều này cũng có nghĩa là năng lực nội tại của Việt Nam không đủ để tạo ra đầu tư mà phải phụ thuộc vào nguồn bổ sung từ bên ngoài ngày càng nhiều (1) .

Từ những lập luận trên có thể thấy cần thay đổi cơ cấu kinh tế một cách cơ bản. Trong khi chưa xác định được ngành kinh tế chủ lực có độ lan tỏa cao trong nền kinh tế, thì việc tái cấu trúc các ngành sản xuất theo hướng phát triển mạnh công nghiệp hỗ trợ như một số nhà kinh tế nêu lên trong thời gian gần đây e rằng sẽ không mang lại kết quả như mong muốn.

_________________________

(1) http://vnr500.vietnamnet.vn/content.aspx?id=821

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới