Thứ Hai, 5/06/2023, 01:41
26 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Có chạy theo “hư danh” bằng cấp cao?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có chạy theo “hư danh” bằng cấp cao?

Mai Lan

Sinh viên Đại học Bách Khoa TPHCM trong giờ thực hành. Ảnh: MINH KHUÊ.

(TBKTSG) – Từ năm 2005-2009, số trường đại học – cao đẳng (ĐH-CĐ) tăng gần gấp hai lần, trong khi trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) giảm. Và số sinh viên ĐH-CĐ gấp gần ba lần số học sinh TCCN. Điều này ảnh hưởng gì đến cơ cấu nguồn nhân lực cần thiết cho đất nước ta hiện nay?

>> Ngợp trong làn sóng đại học địa phương

Chỉ đạo của Thủ tướng, vì sao chưa thực hiện được?

Năm 2008, tại cuộc họp về “Đào tạo theo nhu cầu xã hội” Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chỉ đạo: phải tạo bước đột phá về việc đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Trong đó, tập trung nâng cao chất lượng đào tạo và đẩy mạnh đào tạo nghề, nhằm nâng tỷ lệ người lao động qua đào tạo lên 50% vào năm 2010.

Thế nhưng, kết quả điều tra lao động và việc làm của Tổng cục Thống kê ngày 1-9-2009 công bố: có 76,5% dân số từ 15 tuổi trở lên tham gia lao động. Nhưng chỉ có 17,6% lao động đã qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật (bao gồm từ đào tạo nghề đến đại học)! Và trong số này có 5,2% tốt nghiệp đại học trở lên.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, năm 2005, Việt Nam có 277 trường ĐH-CĐ và 284 trường TCCN, đến năm 2009, hai con số này lần lượt là 403 và 282. Năm 2009, Việt Nam có gần 1,8 triệu sinh viên ĐH-CĐ và 699.700 học sinh hệ giáo dục chuyên nghiệp.

Còn theo Tổng cục Dạy nghề, năm 2009 có 684 trung tâm dạy nghề và khoảng 1.000 cơ sở đào tạo nghề khác, với 1.420.000 người vào sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên dưới ba tháng. Ở đây, xin được nhấn mạnh, số lao động học sơ cấp nghề nói trên chỉ đủ năng lực làm những nghề giản đơn, nên không thể là nguồn nhân lực đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm (thang điểm 10) – xếp thứ 11 trong 12 nước ở châu Á được tham gia xếp hạng. Nước ta còn thiếu nhiều chuyên gia trình độ cao, thiếu công nhân lành nghề; chỉ số kinh tế tri thức (KEI) còn thấp (đạt 3,02 điểm, xếp thứ 102/133 quốc gia được phân loại); lao động nông thôn chủ yếu chưa được đào tạo nghề, năng suất lao động thấp.

Đây là những nguyên nhân chủ yếu làm cho năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thấp (năm 2006 xếp thứ 77 trong 125 quốc gia và nền kinh tế tham gia xếp hạng, đến năm 2009 xếp thứ 75/133 nước xếp hạng).

Thừa cử nhân tồi, thiếu kỹ thuật viên – công nhân lành nghề: chuyện muôn thuở!

Hướng tới trình độ công nghiệp hóa – hiện đại hóa của Việt Nam hiện nay và sắp tới, tỷ lệ đại học/trung cấp chuyên nghiệp/công nhân kỹ thuật cần ở vào khoảng 1/4/10. Thế nhưng, theo PGS.TS. Nguyễn Thị Hoàng Yến (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) tỷ lệ của Việt Nam chỉ vào khoảng 1/1,17/0,91 (năm 2006). Năm 1985, ở Hàn Quốc trong thời kỳ giữa công nghiệp hóa, cơ cấu nguồn nhân lực được bố trí theo một tỷ lệ chung là 1/5/25. Các con số nói trên đã cho thấy một bức tranh khá ảm đạm về cơ cấu đào tạo của giáo dục và cơ cấu nguồn nhân lực Việt Nam.

Trong khi đó, năm nào cả guồng máy quản lý của ngành giáo dục – đào tạo (GD-ĐT), kéo theo toàn xã hội, cũng mất hết bốn tháng để lao vào các kỳ thi đại học. Còn khối giáo dục chuyên nghiệp và dạy nghề chẳng được quan tâm mấy. Và tại sao lại có hiện tượng “nở rộ” trong vòng năm năm qua: nhiều trường trung cấp – cao đẳng lần lượt xin nâng cấp lên đại học, trong khi lực lượng giảng viên đại học có đủ trình độ giảng dạy đang rất thiếu? Ngành GD-ĐT chạy theo “hư danh” mê bằng cấp cao đang tồn tại trong xã hội, hay chính ngành GD-ĐT lại chính là nơi “hướng dẫn” xã hội chạy theo “hư danh” thông qua những hành động xem nhẹ khối giáo dục chuyên nghiệp trong công tác quản lý?

Hãy nghe những nhà giáo lên tiếng

GS.TSKH. Nguyễn Ngọc Trân đã đưa ra thống kê: “Trong mấy năm qua, 185 trường trung cấp đã được nâng cấp thành cao đẳng, 60 trường cao đẳng đã được nâng cấp thành đại học. Có 12 trường đã được nâng cấp hai lần từ trung cấp thành đại học!”. Ông đặt câu hỏi: Ai đã cho phép nâng cấp và ai đã xem nhẹ những điều kiện căn bản để nâng cấp? Đây là một ví dụ về sự quản lý và điều hành tùy tiện.

Tại buổi lễ trao giải thưởng văn hóa Phan Chu Trinh 2011, GS. Hoàng Tụy đã nói: “Quá nhiều đại học, cao đẳng kém chất lượng, nhưng rất ít trung cấp kỹ thuật. Cơ cấu đào tạo khiến trong nước rất thiếu công nhân lành nghề, rất thiếu cán bộ kỹ thuật trung cấp giỏi, nhưng thừa kỹ sư, cán bộ quản lý tồi… Đến hẹn lại lên, cả nước lại chuẩn bị lao vào guồng máy thi cử với biết bao tốn kém, lo âu, để rồi như mọi năm hàng chục vạn học sinh sau 12 năm đèn sách bị ném ra đời bơ vơ, không nghề nghiệp mà cũng chẳng có nơi nào học tiếp, cùng với hàng vạn sinh viên sau 3-4 năm đại học vẫn bỡ ngỡ ngay cả với những việc làm rất thông thường mà ở các nước khác chỉ đòi hỏi một học vấn trung cấp”.

Ông Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cũng phải thừa nhận về sự “khiêm tốn” của hệ thống giáo dục chuyên nghiệp trên địa bàn: “Ở một số nước có nền giáo dục tiên tiến như Thụy Điển, Phần Lan… tỷ lệ giáo dục chuyên nghiệp chiếm tỷ trọng hai phần ba trong tổng số học sinh tốt nghiệp phổ thông bên cạnh một phần ba vào đại học. Ở TPHCM, số học sinh vào đại học chiếm tỷ trọng 20% số học sinh tốt nghiệp phổ thông. Trong tương lai, nếu nâng tỷ lệ đại học là 50% thì số trường chuyên nghiệp hiện nay cũng còn quá khiêm tốn so với yêu cầu cần có cho một nền giáo dục hiện đại”.

Khoan bàn đến cái “tương lai 50% học sinh vào đại học của TPHCM”, chỉ nói đến tình hình hiện nay tại TPHCM, ông Huỳnh Công Minh cho biết thêm: “Với trên 60.000 học sinh lớp 12 và trên 75.000 học sinh lớp 9, nhưng các trường chuyên nghiệp của TPHCM hiện nay mới thu hút gần 30.000 học sinh, trong đó trên 50% là học sinh của các tỉnh khác”. Nếu làm con tính trừ đi 20% học sinh vào đại học và 50% học sinh chuyên nghiệp tại TPHCM là của các tỉnh, chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, ngay tại TPHCM – trung tâm kinh tế, công nghiệp lớn nhất nước – con số không nhỏ học sinh không vào được đại học đã “bơ vơ” như thế nào!

Về tình trạng nhiều trường trung cấp – cao đẳng muốn nâng cấp lên đại học, PGS.TS. Nguyễn Đức Trí (Viện Khoa học giáo dục Việt Nam) lý giải: “Trong đào tạo lao động kỹ thuật chuyên nghiệp, ngành GD-ĐT đã phân bổ ngân sách hết sức eo hẹp, hạn chế, dàn trải và nhiều nơi còn thiếu minh bạch. Do đó, nhiều trường trung cấp muốn nâng cấp lên ĐH-CĐ để nâng cao vị thế, tăng thu nhập, thu hút người học và giữ chân giảng viên. Những trường chưa có đủ điều kiện thì tìm cách liên kết với các trường ĐH-CĐ để đào tạo bậc ĐH-CĐ, nhằm tìm kiếm thêm thu nhập cho nhà trường. Việc liên kết này đã gây ảnh hưởng nhất định đến chức năng và những nhiệm vụ cơ bản đào tạo TCCN”.

Bản kiến nghị năm 2009 của GS. Hoàng Tụy đã đưa ra một cái nhìn tổng thể về cơ cấu hệ thống giáo dục Việt Nam cần có: sau trung học cơ sở, phần lớn học sinh sẽ vào trung học nghề, trung học kỹ thuật, chỉ một tỷ lệ nhỏ vào trung học phổ thông. Bản thân trung học phổ thông cũng cần được cải tổ theo hướng không phân ban cứng nhắc mà có nhiều lựa chọn cho học sinh phát triển năng khiếu sở thích, nhờ đó nâng cao chất lượng đầu vào đại học, tạo điều kiện nâng cao chất lượng đại học. Như vậy, sau 12 năm học, học sinh nếu ra đời thì đã có nghề, còn số có thể tiếp tục học sẽ không bị nhiều rào cản do cánh cửa chật hẹp của đại học hiện nay.

Có lẽ không chỉ GS. Hoàng Tụy, mà hầu như các nhà nghiên cứu giáo dục và các nhà giáo trong cuộc nhiều năm liền cũng đã có kiến nghị như trên, ngay cả Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đã chỉ thị. Vấn đề còn lại là: vì sao ngành GD-ĐT không thực hiện được!?

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới