Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơ chế cho nhượng quyền thương mại quốc tế hiệu quả

Nguyễn Lư Tấn Giang (*)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các hoạt động nhượng quyền thương mại quốc tế, nhất là sau khủng hoảng từ đại dịch Covid-19.

Nhượng quyền thương mại là gì?

Ở Việt Nam, nhượng quyền thương mại thường được hiểu tương tự định nghĩa tại Úc, là việc bên nhượng quyền chuyển giao một mô hình kinh doanh cho bên nhận quyền. Nhượng quyền thương mại cũng có thể là một gói quyền bao gồm: quyền sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu công nghiệp, theo Chỉ thị 2954 năm 1997 của Anh Quốc.

Hiệp hội nhượng quyền quốc tế (The International Franchise Association – IFA) định nghĩa nhượng quyền thương mại (franchising) là mối quan hệ hợp đồng giữa bên giao và bên nhận quyền. Theo đó, bên giao theo đề xuất hoặc phải duy trì sự quan tâm liên tục tới doanh nghiệp của bên nhận quyền ở một số khía cạnh nhất định liên quan đến lĩnh vực nhượng quyền.

Thực tế, nhượng quyền thương mại phát triển mạnh mẽ từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ 2, với sự xuất hiện của nhiều cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, khách sạn và nhiều lĩnh vực khác để đáp ứng nhu cầu của con người. Cầu tăng nhưng cung lại không đảm bảo vì không phải thương nhân nào cũng đủ tiềm lực mở rộng nhiều chi nhánh, cửa hàng ở nhiều địa điểm. Chính vì vậy nhượng quyền thương mại được phát triển nhanh chóng.

Nhượng quyền thương mại quốc tế

Mở rộng thị trường luôn là mục tiêu hàng đầu của các quốc gia và nhượng quyền thương mại quốc tế là phương tiện hữu hiệu để thỏa mãn mục tiêu trên. Có sáu cách thức để tiến hành xâm nhập thị trường quốc tế dưới hình thức nhượng quyền: nhượng quyền trực tiếp, không qua trung gian; nhượng quyền thương mại chung (được nhượng quyền cho bên thứ ba); hợp đồng phát triển khu vực, lập chi nhánh, công ty hoặc liên doanh.

Mỹ là quốc gia đi đầu về việc đưa các thương hiệu đến với thế giới dưới hình thức nhượng quyền thương mại quốc tế. Sự mở rộng ra quốc tế của nhượng quyền thương mại bắt đầu từ cuối thập niên 1960 và thập niên 1970 của thế kỷ trước. Những thương hiệu nổi bật của Mỹ được nhượng quyền tại các quốc gia trên thế giới như: 7 – Eleven, Walmart, KFC đã thu được nhiều thành tựu nổi bật.

Tương tự, lĩnh vực này diễn ra vô cùng thành công tại Anh, Pháp, Úc, New Zealand khi có sự hỗ trợ từ chính phủ và sự nhạy bén của các thương nhân khi nắm bắt được thị trường. Tại Nhật Bản, chuỗi hệ thống nhượng quyền cửa hàng tiện lợi như FamilyMart và Ministop đã gặt hái được nhiều thành công nhất định. Hàn Quốc không chỉ xuất khẩu văn hóa mà còn đưa các thương hiệu của mình du nhập vào thị trường đa quốc gia bằng hình thức nhượng quyền thương mại quốc tế.

Nhượng quyền thương mại quốc tế đã và đang được các nước đẩy mạnh đầu tư vì những lợi ích mà phương thức này mang đến. Từ đó, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế và nâng tầm vị thế quốc gia.

Cơ chế pháp luật – tấm khiên bảo hộ thương nhân

Hiện tại vẫn chưa có một quy định riêng biệt nào để điều chỉnh lĩnh vực này. Tuy nhiên, hoạt động nhượng quyền thương mại quốc tế vẫn sẽ được điều chỉnh thông qua các điều ước quốc tế như CISG, PICC hay các hiệp định tương trợ tư pháp giữa các quốc gia. Những năm 2000, Phòng Thương mại quốc tế – ICC đã công bố cũng như sửa đổi sau đó Hợp đồng nhượng quyền thương mại quốc tế theo mẫu để hỗ trợ các thương nhân nhưng vẫn chưa được thống nhất áp dụng.

Tuy nhiên, một tín hiệu đáng ghi nhận khi trong vòng hai thập niên qua, các quốc gia dần dần ban hành các quy định về nhượng quyền thương mại trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bốn phương thức điều chỉnh hoạt động nhượng quyền tại các nước có pháp luật về nhượng quyền thương mại, được áp dụng thường xuyên.

1. Bản giới thiệu nhượng quyền thương mại;

2. Phương án giải các quyết tranh chấp thay thế;

3. Chứng từ, văn bằng đăng ký nhượng quyền thương mại;

4. Các hướng dẫn thi hành nghĩa vụ.

Các quy định về hợp đồng nhượng quyền thương mại quốc tế là điều cần thiết để sử dụng phương thức này. Hình thức của hợp đồng không nhất thiết bằng văn bản mà sẽ được thể hiện đa dạng thông qua nhiều kênh khác nhau. Một số quốc gia lại không quy định bắt buộc đối với hợp đồng nhưng bắt buộc phải có một số điều khoản hợp đồng nhất định được ghi nhận tại bản giới thiệu, kèm theo đó là nghĩa vụ của các bên cũng được quy định phổ biến tại một số quốc gia.

Chẳng hạn, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng và quyền gia hạn hợp đồng không được ấn định bị hạn chế, bởi hầu hết nước có quy định về nhượng quyền thương mại phải tiến hành thông báo trước về việc không gia hạn. Một số vấn đề khác liên quan vi phạm hợp đồng, miễn trách nhiệm, cạnh tranh thị trường được điều chỉnh bởi pháp luật đặc thù theo phạm vi lãnh thổ. Giải quyết tranh chấp cũng phải được ghi rõ trong hợp đồng về cơ quan giải quyết và luật điều chỉnh.

Hệ thống pháp luật Việt Nam về nhượng quyền thương mại quốc tế là sự tổng hợp quy định tại các đạo luật. Cụ thể mục 8, chương VI từ điều 284-292 của Luật Thương mại 2005 bao gồm định nghĩa; quy định về hợp đồng, quyền và nghĩa vụ các bên trong nhượng quyền thương mại. Kết hợp điều 663 – Bộ luật Dân sự 2015 về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài, thì nhượng quyền thương mại quốc tế có 3 đặc điểm chính:

(i) đối tượng là quyền thương mại (quyền tài sản vô hình); (ii) một bên là thương nhân nước ngoài; (iii) việc xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt hợp đồng ở nước ngoài. Ngoài ra, nhượng quyền thương mại tại Việt Nam còn được điều chỉnh bởi một số văn bản luật khác:

– Nghị định 35/2006/NĐ-CP năm 2006 quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động nhượng quyền thương mại (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 08/2018/NĐ-CP);

– Thông tư 09/2006/TT-BTM hướng dẫn đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại.

– Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong đó có quy định hành vi, mức phạt vi phạm hành chính đối với kinh doanh nhượng quyền thương mại tại điều 75.

Nhìn chung, các quy định trên sẽ điều chỉnh hoạt động nhượng quyền thương mại không chỉ của các doanh nghiệp Việt Nam mà còn áp dụng đối với các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lãnh thổ Việt Nam.

Tuy vẫn chưa có sự thống nhất và đồng bộ nhưng cách quy định này tạo được cơ sở về mặt pháp lý để hoạt động nhượng quyền thương mại quốc tế phát triển trên lãnh thổ Việt Nam, góp phần thúc đẩy hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.

Nhượng quyền vẫn nhập nhiều – xuất ít

Thời gian trở lại đây, Việt Nam được đánh giá là nơi đến tiềm năng của nhượng quyền thương mại với thị trường tiêu thụ gần 100 triệu dân. Với việc tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do, Việt Nam có nhiều cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, kể từ năm 2007 (thời điểm sau khi Việt Nam gia nhập WTO) các nhà nhượng quyền quốc tế lần lượt đổ bộ, phát triển phương thức kinh doanh này.

Theo số liệu tại cổng thông tin của Bộ Công Thương, kể từ tháng 1-2022 đến ngày 27-4-2023, có tổng cộng 66 thương hiệu đến từ 19 nhà đầu tư trên thế giới đăng ký nhượng quyền tại Việt Nam.

Trong đó, Singapore dẫn đầu với tỷ lệ 22,72%; Hồng Kông đứng thứ hai (12,12%); Nhật Bản và Hàn Quốc chiếm tỷ lệ bằng nhau (10,6%); tiếp đến là Mỹ (9,06%), còn lại là các quốc gia khác.

Sau khủng hoảng đại dịch Covid-19, nhiều nhà đầu tư nhượng quyền tiếp tục đến Việt Nam để phát triển mô hình kinh doanh này, được xem là động lực phát triển kinh tế. Tuy nhiên, nhượng quyền vào Việt Nam thì nhiều nhưng từ Việt Nam ra thế giới khá ít, so với mặt bằng chung các quốc gia.

Việt Nam chưa có một khung pháp lý hướng dẫn thống nhất, đồng bộ về nhượng quyền thương mại quốc tế dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình vận hành phương thức này. Mặt khác sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu nước ngoài với ưu thế vượt trội về tiềm lực, chất lượng nên doanh nghiệp Việt Nam khó có thể hòa mình sân chơi này.

Vì vậy, để nhượng quyền thương mại quốc tế phát triển và các thương hiệu Việt Nam nâng tầm giá trị trên thương trường thế giới, pháp luật Việt Nam nên có một hệ thống pháp luật quy định về lĩnh vực này dựa trên sự hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và cam kết quốc tế.

(*) Khoa Luật, trường Đại học Kinh tế TPHCM.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới