Thứ Ba, 23/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có đến 10.000 tỉ đồng tiền mặt, Kinh Đô làm gì?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có đến 10.000 tỉ đồng tiền mặt, Kinh Đô làm gì?

Hùng Lê

Có đến 10.000 tỉ đồng tiền mặt, Kinh Đô làm gì?
ông Trần Quốc Việt (phải), Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh Đô cùng HĐQT Kinh Đô trả lời câu hỏi của cổ đông -Ảnh: Hùng Lê

(TBKTSG Online) – Nếu thương vụ bán 80% cổ phần mảng bánh kẹo cho Mondelēz International có giá 7.846 tỉ đồng thành công, lượng tiền mặt của Công ty cổ phần Kinh Đô sẽ được nâng lên gần 10.000 tỉ đồng. Kinh Đô sẽ dùng số tiền này tiếp tục tìm cơ hội mua bán – sáp nhập (M&A).

Với lượng tiền thu về từ hợp tác với Mondelēz International và lượng tiền có sẵn, lượng tiền mặt của Kinh Đô sẽ tăng lên đến gần 10.000 tỉ đồng. Khi đó, Kinh Đô dự kiến đầu tư vào mì gói 325 tỉ đồng, Vocarimex khoảng 700 tỉ đồng để nâng tỉ lê sở hữu nắm giữ lên trên 51%, và kem Kido 300 tỉ đồng.

Số tiền còn lại khoảng 8.500 tỉ đồng, Kinh Đô sẽ đầu tư thông qua hình thức M&A mà cụ thể là sẽ đầu tư vào các danh mục dự án ngành hàng thiết yếu.

Thông tin này được Trần Quốc Việt, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Kinh Đô nói trước đại hội cổ đông bất thường 2014 của công ty diễn ra vào hôm nay 1-12.

Lãnh đạo Kinh Đô xác định ngành hàng bánh kẹo không còn nhiều tiềm năng để phát triển nên sẽ đẩy mạnh đầu tư vào các ngành hàng thiết yếu, mở rộng danh mục sản phẩm có tiềm năng phát triển cao hơn như mì gói, cà phê, dầu ăn, đồ uống, kem, sữa…Đây là lý do mà lãnh đạo công ty đã quyết định bán đến 80% mảng kinh doanh bánh kẹo cho đối tác nước ngoài Và có khả năng sẽ bán 20% phần vốn còn lại sau 1 năm cho nhà đầu tư Mondelēz International nắm giữ.

Để hiện thực hóa các chiến lược đó, Kinh Đô sẽ tiến hành đầu tư theo hình thức M&A vào các ngành hàng phù hợp; lựa chọn đối tác phù hợp để cùng hợp tác phát triển; và liên doanh, liên kết để vươn ra thế giới.

Theo ông Việt, việc bán mảng bánh kẹo cho Mondelēz International và sẽ chuyển dịch vào mảng ngành hàng thực phẩm thiết yếu rộng lớn hơn là có lợi cho cổ đông.

Theo ông Việt, trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam sắp ký những hiệp định thương mại song phương và đa phương với các nước nếu Kinh Đô không tranh thủ thời điểm này để đầu tư thì sau này sẽ bị cạnh tranh gay gắt với các đổi thủ nước ngoài.

Thuận lợi trong việc M&A hiện nay theo ông Việt là quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ là cơ hội để  các doanh nghiệp lớn có tiềm lực và uy tín tham gia mua cổ phần của các tổng công ty, tập đoàn nhà nước. Kinh Đô đã được tín nhiệm khi đang sở hữu được 24% vốn trong Tổng công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) được xem là một thuận lợi lớn cho những cơ hội mua cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước khác.

Theo ông Việt, cơ hội M&A không phải khi nào cũng có và lãnh đạo công ty xác định đây là thời điểm tốt nhất để công ty đẩy mạnh hoạt động M&A nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Hiện Kinh Đô cũng đang có các dự án thương thảo đầu tư này. Tuy nhiên, do chưa có kết quả nên Kinh Đô chưa công bố.

"M&A là phương tiện để chúng tôi đạt được mục tiêu  thâm nhập vào thị trường thực phẩm đóng gói lớn ở Việt Nam", ông Việt khẳng định.

Bước đi đầu tiên này là Kinh Đô đã tham gia vào thị trường dầu ăn và giới thiệu dòng sản phẩm mì ăn liền Đại Gia Đình ra thị trường. Với kinh nghiệm 20 năm phát triển ngành bánh kẹo, việc tung một sản phẩm mới như mì gói ra thị trường theo ông Việt là nằm trong tầm tay. Bằng chứng là chỉ sau 1 tuần tung sản phẩm, mì ăn liền của Kinh Đô đã có mặt ở hơn 86.000 điểm bán lẻ trên toàn quốc và được người tiêu dùng đón nhận vượt mong đợi của Kinh Đô.

Tại Đại hội cổ đông bất thường, cổ đông Kinh Đô đã thông qua các nội dung: KDC đầu tư thêm vào Tổng công ty Công nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex), khoản đầu tư của Mondelēz International vào Công ty Cổ phần Kinh Đô Bình Dương (BKD) và kiến nghị mua 30% cổ phiếu quỹ.

Theo đó, nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động dài hạn của Vocarimex, Đại hội cổ đông bất thường của Kinh Đô đã thông qua việc nâng tỷ lệ sở hữu của Kinh Đô tại doanh nghiệp này từ 24% lên trên 51%. Đồng thời, trong ĐHCĐ lần đầu tiên của Vocarimex ngày 29-11 vừa qua, 3 trong tổng số 5 thành viên được bầu vào Hội đồng quản trị của Vocarimex là của Kinh Đô và ông Trần Kim Thành – bầu là chủ tịch HĐQT của Vocarimex.

Đại hội cổ đông bất thường của Kinh Đô cũng thông qua việc Mondelēz International đầu tư vào Công ty cổ phần Kinh Đô Bình Dương (BKD), mảng bánh kẹo của Kinh Đô với số tiền đầu tư là 7,864 tỉ đồng (370 triệu đô la Mỹ).

Nhận thấy có đủ nguồn lực với số tiền mặt khá lớn và khoản ngân sách thu về từ thỏa thuận đầu tư mảng bánh kẹo, HĐQT Kinh Đô đã trình và thông qua cổ đông về việc mua cổ phiếu quỹ trực tiếp trên sàn giao dịch chứng khoán với mức lên đến 30% tổng lượng cổ phiếu phát hành. Kinh Đô thực hiện mua cổ phiếu quỹ với giá tối đa là 60.000 đồng/cổ phiếu, cao hơn nhiều mức giao dịch hiện nay trên sàn.

Đây cũng là động thái của Kinh Đô nhằm tối ưu hóa dòng tiền nhàn rỗi trong khi chờ thương thảo danh mục các dự án M&A trong các chiến lược tiếp theo và bảo đảm lợi ích của cổ đông.


Mời đọc thêm:

>>> Giảm bánh kẹo, Kinh Đô đẩy mạnh đầu tư vào dầu ăn

>>> Kinh Đô sẽ bán 80%, giá 370 triệu USD

>>> Kinh Đô bắt đầu kinh doanh mì ăn liền

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới