Thứ Bảy, 30/09/2023, 00:01
34 C
Ho Chi Minh City

Đặt báo in

Thông tin quảng cáo

Thông tin quảng cáo


Cổ đông nhà nước bị bỏ quên!

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ đông nhà nước bị bỏ quên!

Lê Văn Tứ

(TBKTSG) – Bài này không bàn chủ đề “chảy máu công sản” trong quá trình chuyển đổi Công ty Du lịch Tiền Giang thành công ty cổ phần. Nhân có những thông tin về đại diện cổ đông nhà nước ở đấy bị quên, xin bàn về cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa, một vấn đề dường như vẫn chưa minh định.

Công ty Du lịch Tiền Giang được cổ phần hóa năm 2005 với tên gọi là Công ty cổ phần Du lịch Tiền giang (Tigi Tour). Đợt đầu tiên, 29% cổ phần được bán cho người lao động, 20% đấu giá công khai. Nhà nước giữ 51%, đại diện là ông Trần Thanh Tiến. Như thông lệ, với tư cách đại diện cổ đông đa số, ông Tiến được cử làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc.

Năm 2006, UBND Tiền Giang quyết định bán tiếp 21% cổ phần của Nhà nước và chỉ còn 30%. Năm 2007, vốn nhà nước ở Tigi Tour được chuyển từ UBND Tiền Giang sang Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Lúc này, ông Tiến không còn đại diện cho UBND Tiền Giang nữa, mà là cho SCIC. Hình như cả UBND Tiền Giang, SCIC và ông Tiến cũng không quan tâm đến điều này.

Đến năm 2009, SCIC quyết định bán nốt 30% cổ phần mình đang quản lý thì Tigi Tour đã thuộc về sở hữu tư nhân. Và một chuyện lạ đã xảy ra: khi Nhà nước đã rút hết vốn ra khỏi Tigi Tour, nhưng cổ đông nhà nước không hề có quyết định chấm dứt vai trò đại diện của ông Tiến ở đấy. Bởi thế ông vẫn tiếp tục làm tổng giám đốc.

Báo chí phát hiện chuyện này, cho rằng Nhà nước quên cán bộ, rằng ông Tiến đã đi làm thuê cho tư nhân. Đến lúc này Sở Nội vụ Tiền Giang mới biết chuyện, vội “sửa sai” bằng cách điều ông Tiến về sở, cái việc đáng lẽ SCIC phải làm ngay khi rút vốn khỏi Tigi Tour.

Sau cổ phần hóa, các quan chức có trách nhiệm về đổi mới doanh nghiệp nhà nước dường như xoa tay, coi như xong việc, không thấy rằng từ đấy công việc đổi mới cơ chế quản lý mới nhiều, mới phức tạp.

Báo chí nói Nhà nước “quên” cán bộ tuy đúng, nhưng vẫn chưa cho thấy nguyên nhân của sự “quên” này. Thoạt nhìn, dường như chỉ là một sơ sót trong công tác nhân sự, nhưng nguyên nhân sâu xa là do cơ chế Nhà nước quản lý doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hoá không rõ ràng.

Nhà nước ta vừa là cơ quan quyền lực xã hội, phải quản lý hành chính mọi lĩnh vực hoạt động, mọi thành phần kinh tế ; vừa là chủ sở hữu kinh tế nhà nước, phải quản lý kinh doanh các doanh nghiệp nhà nước. Trong điều kiện kinh tế thị trường, hình thức sở hữu trong các doanh nghiệp nhà nước không còn thuần nhất như trước.

Bên cạnh những doanh nghiệp hoàn toàn là sở hữu nhà nước, đang được chuyển thành công ty TNHH một thành viên, còn có những công ty cổ phần có vốn nhà nước, hình thành từ các doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa một phần. Phải nhận thức rất rõ tính chất sở hữu hỗn hợp ở những công ty này. Ở đấy Nhà nước chỉ là một đồng sở hữu, quyền của chủ sở hữu phải chia sẻ cho các cổ đông.

Do sở hữu hỗn hợp nên cơ chế Nhà nước quản lý các công ty này phải khác với cơ chế quản lý đối với các công ty TNHH một thành viên, càng rất khác cơ chế quản lý trước cổ phần hóa. Đặc điểm quan trọng của cơ chế này là cổ đông nhà nước không trực tiếp can thiệp vào các vấn đề kinh doanh của công ty, mà phải thông qua người đại diện của mình trên cơ sở vận hành nghiêm chỉnh cơ chế quản lý công ty cổ phần quy định trong Luật Doanh nghiệp. Cho nên công việc đổi mới doanh nghiệp nhà nước trước mắt không chỉ bao gồm xây dựng cơ chế quản lý các công ty TNHH một thành viên, mà còn bao gồm xây dựng cơ chế quản lý các công ty cổ phần có vốn nhà nước.

Phải nói rằng đây là một vấn đề rất mới, rất khó vì không có tiền lệ, nhưng đó là vấn đề đặt ra từ cuộc sống. Sau cổ phần hóa, các quan chức có trách nhiệm về đổi mới doanh nghiệp nhà nước dường như xoa tay, coi như xong việc, không thấy rằng từ đấy công việc đổi mới cơ chế quản lý mới nhiều, mới phức tạp.

Ngày 19-3-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 25/2010/NĐ-CP về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên. Nghị định này dựng lên bộ khung cho cơ chế quản lý các doanh nghiệp hoàn toàn thuộc sở hữu nhà nước. Nhưng vấn đề xây dựng cơ chế quản lý các công ty cổ phần có vốn nhà nước dường như chưa được đặt ra. Ai là cổ đông nhà nước, quyền và trách nhiệm của cổ đông nhà nước trong bổ nhiệm, miễn nhiệm, chỉ đạo và kiểm soát hoạt động của người đại diện, hầu như chưa được minh định.

Cũng chưa minh định tính chất của vốn nhà nước đang đầu tư vào công ty cổ phần là dài hạn hay ngắn hạn? Nếu là đầu tư ngắn hạn thì thực chất chỉ là kinh doanh chứng khoán, thích hợp với SCIC. Nhưng nếu là đầu tư dài hạn thì rõ ràng nhiệm vụ vượt quá tầm SCIC. Cổ đông nhà nước trong trường hợp này phải là những nhà kinh doanh thực sự.

Gần đây ở một số công ty cổ phần có vốn nhà nước đã xảy ra những chuyện lùm xùm. Nguyên nhân chủ yếu phải quy về cơ chế quản lý chưa rõ ràng và bị lạm dụng, nhất là về vai trò chỉ đạo và kiểm soát của cơ quan được giao chức năng cổ đông nhà nước. Tình hình kinh doanh ở những nơi này có dấu hiệu đình đốn, tài sản của Nhà nước có nguy cơ trở thành vô chủ, tương tự trường hợp ông Tiến đã bị quên.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới