Thứ Bảy, 20/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cổ đông Sacombank thông qua việc sáp nhập với Southern Bank

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cổ đông Sacombank thông qua việc sáp nhập với Southern Bank

T.Thu

Cổ đông Sacombank thông qua việc sáp nhập với Southern Bank
Đại hội đồng cổ đông bất thường của Sacombank hôm 11-7 tại TPHCM. Ảnh: Thu Nguyệt

(TBKTSG Online) – Đa số cổ đông của Ngân hàng TMCP Sài gòn Thương tín (Sacombank) hôm 11-7 đã thông qua phương án sáp nhập giữa Sacombank với Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam (Southern Bank).

Cụ thể, tỷ lệ biểu quyết đồng ý thông qua tờ trình về việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank là 93,7% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Đây được xem là thủ tục cần thiết theo đúng quy định của pháp luật để sáp nhập hai ngân hàng này trên nguyên tắc tự nguyện.

Tại Đại hội cổ đông bất thường 2015 của Sacombank hôm 11-7 tại TPHCM, Hội đồng quản trị Sacombank đã trình đại hội đồng cổ đông xem xét thông qua đề án sáp nhập Southern Bank vào Sacombank, phương án phát hành cổ phiếu Sacombank để chia cổ tức, cổ phiếu thường, hoán đổi cổ phiếu thực hiện giao dịch sáp nhập và đăng ký lưu ký, niêm yết cổ phiếu phát hành thêm, dự thảo hợp đồng sáp nhập giữa hai ngân hàng, và dự thảo điều lệ Sacombank sau sáp nhập.

Theo Sacombank, các nội dung trên chỉ được thực hiện sau khi có ý kiến chấp thuận của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo Sacombank, sau sáp nhập, lợi nhuận có thể giảm trong ngắn hạn và nợ xấu có thể tăng, nhưng lợi ích của việc sáp nhập sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng nhanh chóng về quy mô. Ngân hàng sau sáp nhập sẽ nằm trong top 5 ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất Việt Nam, với vốn điều lệ đạt trên 18.853 tỉ đồng (gồm vốn điều lệ cộng ngang của hai ngân hàng, và vốn điều lệ dự kiến tăng thêm từ chia cổ tức bằng cổ phiếu), và có tổng tài sản đạt 290.861 tỉ đồng. Ngoài ra, ngân hàng cũng sẽ có mạng lưới hoạt động 567 điểm giao dịch trải dài trên cả nước và tại Lào và Campuchia, có 3,5 triệu khách hàng và trên 15.510 cán bộ (trong đó trên 12.000 cán bộ đang làm việc tại Sacombank).

Tỷ lệ chuyển đổi cổ phần là 1 cổ phần của Southern Bank sẽ hoán đổi thành 0,75 cổ phần của Sacombank. Theo đó, dự kiến sau sáp nhập, sẽ chỉ còn một cổ đông năm giữ trên 5% cổ phần, và có 23 cổ đông nắm giữ từ 1-5%, và có 65.022 cổ đông nắm giữ dưới 1% cổ phần.

Sau khi sáp nhập  tên gọi, thương hiệu của ngân hàng sau sáp nhập sẽ là  Sacombank như trước ngày sáp nhập. Thương hiệu Southern Bank sẽ không còn tồn tại.

Sacombank sau sáp nhập sẽ tiếp nhận và thực thi các quyền của chủ sở hửu đối với toàn bộ tài sản, thương hiệu, hình ảnh, tên gọi, mã chứng khoán, các tài sản sở hữu trí tuệ khác, chịu trách nhiệm về tất cả khoản nợ, các khoản thuế, nghĩa vụ tài chính,…

Về nhân sự, Tổng giám đốc của ngân hàng sáp nhập sẽ là Tổng giám đốc của Sacombank hiện nay, tức ông Phan Huy Khang. Ngân hàng sáp nhập dự kiến giữ nguyên cơ cấu nhân sự hiện tại của Sacombank và bổ sung thêm các cá nhân có năng lực quản lý và chuyên môn cao từ Southern Bank. Cụ thể, HĐQT của ngân hàng sau sáp nhập sẽ là 9 người (như Sacombank hiện tại), ban kiểm soát sẽ tăng thêm 2 người lên 5 người và ban điều hành tăng thêm 5 người lên 25 người.

Hội sở chính của ngân hàng sẽ là hội sở chính của Sacombank hiện tại.

Về chiến lược kinh doanh, định hướng chính của ngân hàng sau sáp nhập vẫn là tập trung vào lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Theo đó, thu nhập từ mảng bán lẻ năm 2020 dự kiến chiếm đến 70% tổng thu nhập của ngân hàng.

Trao đổi bên lề đại hội cổ đông bất thường 2015 hôm 11/7, ông T., một cổ đông thiểu số của Sacombank cho biết rằng việc sáp nhập này trước mắt sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi ngắn hạn của cổ đông nhỏ lẻ của Sacombank, như cổ tức giảm từ mức 8% (cổ tức năm 2013 là 8%, 2014 là 12% – PV) xuống còn 3% trong ba năm tới. Tuy nhiên, về lâu dài, điều này lại giúp Sacombank phát triển mạnh hơn với mạng lưới rộng khắp trong bối cảnh việc các ngân hàng mở thêm chi nhánh đang bị siết chặt lại. 

Phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông bất thường, với tư cách là cổ đông lớn của Sacombank, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT của Eximbank, cho rằng bên cạnh việc đầu tư thông thường để hưởng cổ tức, nhà đầu tư cũng nên chọn cách đầu tư cho cơ hội để được thu được lợi tức vô cùng lớn (tức chọn đầu tư vào cổ phiếu của Sacombank tại thời điểm này là đầu tư cho cơ hội – PV).

Để làm rõ ý kiến của mình, ông Dũng đưa ra dẫn chứng là từ những năm 1995-1997 cổ phiếu của ngân hàng, trong đó có Eximbank, đều có giá rất thấp. Tuy nhiên, đến năm 2005-2007, giá cổ phiếu của Eximbank đã tăng từ 5.000 đồng lên 150.000-170.000 đồng/cổ phiếu.

“Tôi biết rằng có khá nhiểu cổ đông đã giàu to nhờ bán cổ phiếu của Eximbank giá cao. Có một số người đều trở thành đại gia, số tiền thu được rất kinh khủng. Nên tôi cho rằng đầu tư cho cơ hội là đầu tư lớn cho tương lai”, ông Dũng cho biết.

Theo ông Dũng, việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank là một thương vụ sáp nhập lớn mà bên sáp nhập sẽ thu toàn bộ cơ sở vật chất của bên bị sáp nhập, nhận toàn bộ chất xám, nhân sự, gúp Sacombank trở thành ngân hàng lớn về quy mô, với tổng tài sản và huy động vốn tăng một cách đột biến. Nếu việc sáp nhập này thành công, sẽ có một ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam, với quy mô vốn mà trong 3-5 năm tới, không có một ngân hàng nào trong top 5 ngân hàng thương mại cổ phần (vốn tư nhân 100%) có thể vươn tới quy mô này.

Tại đại hội, một số cổ đông thiểu số cũng nêu thắc mắc về tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu và việc xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập. Theo ông Kiều Hữu Dũng, Chủ tịch HĐQT Sacombank, ban lãnh đạo ngân hàng quyết tâm xử lý vấn đề nợ xấu sau khi hai ngân hàng sáp nhập. Theo ông Dũng, Ngân hàng Nhà nước đã quyết định hỗ trợ cho Sacombank trong thời gian tới để xử lý quyết liệt nợ xấu sau sáp nhập. Theo đó, ngân hàng sau sáp nhập sẽ cố gắng giải quyết dứt điểm những vấn đề gặp phải sau sáp nhập trong vòng 3 năm. Tuy nhiên, nếu tình hình thị trường diễn biến xấu đi, thì việc này có thể kéo dài thêm 1-2 năm nữa.

Southern Bank cũng sẽ tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường vào ngày 14-7 để biểu quyết thông qua kế hoạch sáp nhập vào Sacombank. 

Trước đó, việc sáp nhập Southern Bank vào Sacombank tưởng chừng đã xong vào năm ngoái, nhưng khi ấy Ngân hàng Nhà nước muốn Southern Bank cải thiện tình hình tài chính trước khi sáp nhập vào Sacombank. Sacombank trong hai năm qua cũng đã tăng trưởng tốt hơn để sẵn sàng việc sáp nhập Southern Bank vào.

Tính đến cuối năm 2014, Sacombank có vốn điều lệ trên 12.425 tỉ đồng, sở hữu vốn 100% của năm công ty con, và sở hữu 428 điểm giao dịch. Tính đến cuối năm 2014, tổng tài sản của Sacombank đạt trên 189.802 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu là 18.063 tỉ đồng, tổng nguồn vốn huy động là 168.584 tỉ đồng, và dư nợ cho vay là 128.015 tỉ đồng. Dư nợ cho vay/tổng tài sản là 67,4%, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ là 1,2% và tỷ lệ nợ quá hạn/tổng dư nợ là 1,6%. Lợi nhuận sau thuế đạt trên 2.206 tỉ đồng. 

Southern Bank có vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng và sở hữu một công ty con và 139 điểm giao dịch. Tính đến cuối năm 2014, Southern Bank có tổng tài sản 82.067 tỉ đồng, vốn chủ sở hữu 4.306 tỉ đồng, tổng nguồn vốn huy động 76.636 tỉ đồng, dư nợ cho vay là 43.093 tỉ đồng. Dư nợ cho vay/tổng tài sản là 52,5%, tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ là 5,92%, tỷ lệ nợ quá hạn/tổng dư nợ 7,8%. Lợi nhuận sau thuế là 17,118 tỉ đồng.

Xem thêm

Sacombank chính thức công bố đề án sáp nhập

Đằng sau làn sóng sáp nhập thứ hai của ngân hàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới