Thứ Tư, 24/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Có đúng luật và khả thi?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Có đúng luật và khả thi?

PGS.TS. Ngô Trí Long

Có đúng luật và khả thi?
Ông Ngô Trí Long

(TBKTSG) – Việc bình ổn giá sữa lần này dường như có sự quyết tâm hơn vì một biện pháp mới được đề ra là có thể áp dụng giá trần đối với mặt hàng sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi. Liệu biện pháp áp giá trần có đúng luật và có tính khả thi?

>>> Áp trần cho giá sữa – không phải là giải pháp hiệu quả!

>>> Lại nóng chuyện giá sữa

Theo quy định của Luật Giá, áp giá trần là một hình thức định giá của Nhà nước. Nếu muốn áp giá trần cho mặt hàng sữa, cơ quan quản lý giá phải điều tra, xem xét sữa có phải là mặt hàng thuộc lĩnh vực độc quyền hoặc độc quyền nhóm không? Nếu không thuộc diện này, mà cơ quan chức năng áp giá trần là trái với Luật Giá và Luật Cạnh tranh.

Được biết hiện cơ quan quản lý giá của Bộ Tài chính không biết và chưa nắm rõ được thị phần của từng doanh nghiệp sữa. Muốn thực thi biện pháp áp giá trần, các cơ quan chức năng cần vào cuộc để xác định thị phần của từng doanh nghiệp sữa, đặc biệt là các doanh nghiệp sữa lớn có mặt trên thị trường nước ta. Xác định xem có đúng các doanh nghiệp sữa này giữ vị trí thống lĩnh thị trường hay không? Thực hiện điều này cũng không quá khó, chỉ cần thông qua cơ quan cấp phép đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế là có đủ tư liệu để xác định.

Nếu thị trường sữa Việt Nam có tính cạnh tranh cao mà lại thực hiện biện pháp áp giá trần để quản lý là sai.

Ông Ngô Trí Long

Để định giá trần có thể sử dụng hai phương pháp định giá theo quy định tại Thông tư số 25/2014/TT-BTC ngày 17-2-2014 của Bộ Tài chính. Tuy nhiên, việc này không đơn giản vì sản phẩm sữa đa dạng chứ không như thị trường xăng dầu chỉ có một vài loại. Hiện có tới 500 dòng sản phẩm của 200 doanh nghiệp. Do vậy sẽ phải xem xét để quyết định áp giá trần đối với dòng sản phẩm nữa nào. Trên thị trường phần lớn các loại sữa bột dành cho trẻ em là sữa công thức. Đây là loại sữa đặc biệt và từng nhà sản xuất có công thức khác nhau. Do nắm bắt được tâm lý tiêu dùng của thị trường Việt Nam, hầu hết các công ty mẹ đã sản xuất riêng cho từng thị trường, trong đó có thị trường Việt Nam các dòng sản phẩm chuyên biệt. Do đó, mặc dù cùng tên gọi nhưng khó có thể tìm được sản phẩm đồng loại, đồng cấp (cùng chất lượng, tỷ lệ, thành phần…) để so sánh giá bán. Khi pha trộn các hàm lượng dinh dưỡng thì đều phải thử nghiệm lâm sàng, trong khi đó chi phí thực cho việc này các doanh nghiệp sữa đều giữ bí mật, nên sẽ khó biết lấy giá nào phù hợp để áp giá trần.Thêm vào đó, chính vì đặc tính tiêu dùng của trẻ em là đã dùng loại sữa nào thì sẽ quen dùng loại sữa đó nên đây cũng là một trong những “áp lực” về nguồn cung trên thị trường mà các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu tạo ra cho chính người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nếu áp giá trần không hợp lý để doanh nghiệp không đủ bù đắp chi phí và có mức lợi nhuận thỏa đáng thì dẫn đến hậu quả các công ty sữa không cạnh tranh lẫn nhau trong việc ra sản phẩm mới. Hoặc có thể họ sẽ không sản xuất ra mặt hàng nào đó nữa, lúc đó phân khúc thị trường cho trẻ sẽ thiếu hụt. Có nhiều khó khăn, tuy nhiên, nếu cần thiết vẫn có khả năng xác định được giá trần hợp lý.

Tuy nhiên, qua phương tiện thông tin, được biết người đứng đầu của cơ quan quản lý giá của Bộ Tài Chính trả lời với báo chí là hiện tại thị trường sữa Việt Nam có tính cạnh tranh cao. Nếu đúng vậy mà lại thực hiện biện pháp áp giá trần để quản lý là sai. Đối với thị trường cạnh tranh, giá do thị trường quyết định, nói một cách cụ thể giá trên thị trường này do người mua và người bán tự quyết định. Khi có biến động về giá, Nhà nước chỉ sử dụng các biện pháp quản lý giá gián tiếp, thông qua các công cụ, chính sách tài chính, tiền tệ, thương mại…để điều hòa cung cầu nhằm bình ổn thị trường.
 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới