Có hàng trăm ngàn văn bản quy phạm pháp luật, song vẫn “thiếu tầm nhìn”
Tư Hoàng
Hiện tại có hàng trăm ngàn văn bản quy phạm pháp luật đã được các cấp thông qua. Ảnh TL |
(TBKTSG Online) - Việt Nam hiện có hơn 100.000 các văn bản quy phạm pháp luật các loại, tuy nhiên, hệ thống pháp luật lại được đánh giá là không đồng bộ, không minh bạch, thiếu khả thi, thiếu tầm nhìn.
Trên 100.000 văn bản quy phạm pháp luật
Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, để thực hiện Hiến pháp năm 2013, các bộ, ngành, địa phương đã tích cực rà soát, hệ thống hóa trên 100.000 văn bản quy phạm pháp luật các loại.
Báo cáo Sơ kết công tác cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2016-2020 của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ do ông Tân làm phó ban cho biết, để đảm bảo cho phù hợp với Hiến pháp, có tới 17.000 văn bản được sửa đổi, bổ sung, thay thế, và ban hành mới.
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII, Chính phủ đã xây dựng, trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội 106 dự án luật và 8 dự án pháp lệnh (tính đến tháng 10-2015) và đã được Quốc hội thông qua 64 luật, 19 luật sửa đổi, bổ sung; Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua một pháp lệnh và sửa đổi, bổ sung bốn pháp lệnh.
Một loạt các luật quan trọng được ban hành đã tiếp tục bổ sung, hoàn thiện thể chế về lĩnh vực kinh tế, dân sự, tổ chức bộ máy và nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội; góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bộ máy tổ chức nhà nước và hội nhập kinh tế quốc tế.
Theo đó, từ năm 2011 đến tháng 8-2015, mỗi năm Chính phủ đã ban hành trên 130 nghị định hướng dẫn. Hàng năm, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và phối hợp ban hành trên 700 thông tư và thông tư liên tịch.
Chính quyền địa phương các mỗi năm ban hành khoảng 1.000 quyết định để cụ thể hóa các văn bản của Trung ương cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương.
Quá cồng kềnh, phức tạp
Tuy vậy, báo cáo của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ phục vụ phiên họp chuyên đề của Chính phủ ngày 17-8 cho nhận xét, hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, phức tạp, với quá nhiều hình thức văn bản quy phạm pháp luật do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Bên cạnh đó pháp luật lại chưa được thường xuyên rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, pháp điển hóa nên khó tiếp cận, gây khó khăn cho việc tuân thủ, thi hành. Tính đồng bộ, cân đối của hệ thống pháp luật tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn sự chênh lệch, thiếu tính đồng bộ giữa các lĩnh vực. Nhiều đạo luật chưa có tính ổn định, tính dự báo chưa cao nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung, ảnh hưởng đến sự ổn định của các quan hệ kinh tế - xã hội, nhất là đối với các quan hệ kinh tế.
Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn đang là nguyên nhân hạn chế hiệu lực thực tế của cả hệ thống pháp luật.
Thiếu minh bạch, thiếu dân chủ, thiếu tầm nhìn
Nhận định của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ là tương đồng với báo cáo của Bộ Tư pháp.
Bộ này khẳng định, tính thống nhất của hệ thống pháp luật chưa cao: hệ thống pháp luật còn quá phức tạp, cồng kềnh với quá nhiều hình thức văn bản quy phạm pháp luật do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành, bên cạnh đó pháp luật lại chưa được thường xuyên rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, pháp điển hóa nên khó tiếp cận, gây khó khăn cho việc tuân thủ, thi hành.
Tính đồng bộ, cân đối của hệ thống pháp luật tuy đã có cải thiện nhưng vẫn còn sự chênh lệch, thiếu tính đồng bộ giữa các lĩnh vực. So với các lĩnh vực khác thì pháp luật bảo vệ quyền con người, quyền tự do, dân chủ của công dân, chủ yếu được ghi nhận trong Hiến pháp, việc cụ thể hóa bằng luật còn chậm, thậm chí là rất chậm. Ví dụ như Luật về hội, Luật biểu tình... chưa được Quốc hội ban hành.
Hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định: nhiều đạo luật chưa có tính ổn định, tính dự báo chưa cao, nên thường xuyên phải sửa đổi, bổ sung, ảnh hưởng đến sự ổn định của các quan hệ kinh tế - xã hội, nhất là đối với các quan hệ kinh tế. Ví dụ chỉ trong vòng 10 năm nhiều đạo luật đã sửa đổi, bổ sung thay thế đến 2-3 lần như Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư, Luật nhà ở, Bộ luật lao động… Thậm chí có văn bản mới được thông qua chưa có hiệu lực đã phải sửa đổi, bổ sung như Luật bảo hiểm xã hội.
Tính công khai, minh bạch của hệ thống pháp luật còn hạn chế: xét về khía cạnh khả năng tiếp cận thì tính minh bạch của hệ thống pháp luật được bảo đảm tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số quy định được hiểu, được áp dụng không thống nhất, trong khi Ủy ban thường vụ Quốc hội rất ít khi giải thích pháp luật, Toà án chậm nghiên cứu ban hành án lệ để bổ sung cho những “điểm khuyết” hoặc làm rõ những “điểm mờ” của các văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến lúng túng khi thực hiện hay áp dụng pháp luật.
Tính khả thi của hệ thống pháp luật còn nhiều bất cập: luật khung, luật ống với nhiều quy định mang tính tuyên ngôn, nguyên tắc chung và ủy quyền lập pháp, ngược lại còn có một số văn bản quy định quá chi tiết, đi sâu vào một số lĩnh vực cụ thể cần có sự điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với sự phát triển năng động của quan hệ kinh tế, xã hội. Những giải pháp cải cách, đổi mới trong thủ tục xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa phát huy đầy đủ hiệu lực trong thực tiễn như vấn đề đánh giá tác động của chính sách, tác động của văn bản, việc thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học. Trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo chưa tuân thủ đầy đủ quy trình và các tiêu chí bảo đảm tính khả thi của văn bản. Việc phân định không rõ, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ quyền hạn giữa các cơ quan nhà nước trong những lĩnh vực có tính liên ngành, hệ thống cũng làm giảm tính khả thi của pháp luật.
Hiệu lực thi hành của hệ thống pháp luật chưa cao: tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh vẫn đang là nguyên nhân hạn chế hiệu lực thực tế của cả hệ thống pháp luật; chưa có cơ chế kiểm soát chặt chẽ việc xây dựng, ban hành thông tư, thông tư liên tịch dẫn đến nhiều văn bản không phù hợp với thực tế, còn hiện tượng thiên về việc tạo thuận lợi cho cơ quan quản lý, chưa tôn trọng đầy đủ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
Thiếu cơ chế phản biện, thẩm định từ bên ngoài trong quá trình xây dựng thông tư, thông tư liên tịch: trách nhiệm xây dựng, ban hành thông tư, thông tư liên tịch hiện nay đang được giao hoàn toàn cho cơ quan chủ trì soạn thảo, tạo ra một cơ chế khép kin trong quy trình xây dựng, ban hành hình thức văn bản quy phạm pháp luật này. Mặc dù theo quy định của pháp luật, dự thảo văn bản cũng được lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, song từ cơ chế khép kín đó, trong một số trường hợp, việc tiếp thu, chỉnh lý theo các ý kiến góp ý trở nên hình thức. Ngoài ra còn có nguyên nhân do lợi ích ngành (tạo thuận lợi cho ngành mình trong quá trình thực hiện chức năng quản lý nhà nước), thiếu tinh thần trách nhiệm của đội ngũ tham mưu, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Nguyên tắc dân chủ trong hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa được bảo đảm một cách thực chất, do vậy chưa khuyến khích được sự tham gia tích cực của người dân và doanh nghiệp.
Việc xây dựng chính sách, pháp luật còn thiếu tính chiến lược, thiếu tầm nhìn dài hạn: nhiều bộ, ngành, địa phương đề ra các giải pháp thi hành pháp luật hoặc đề xuất ban hành những chính sách, quy định thể hiện tính chủ quan, duy ý chí, chưa có sự khảo sát, đánh giá thực tiễn, không tính đến các điều kiện, nguồn lực thực hiện. Đặc biệt, một số chính sách liên quan đến thu hút đầu tư quá chú trọng lợi ích kinh tế trước mắt, lợi ích phát triển ngành, lĩnh vực hoặc cục bộ của địa phương, chưa thật sự đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia - ngành, lĩnh vực - địa phương - doanh nghiệp - cá nhân người dân và cộng đồng dân cư dẫn tới những tác động tiêu cực, lâu dài đối với sự phát triển bền vững của đất nước và địa phương, tính khả thi của chính sách thấp, văn bản pháp luật phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần mà vẫn không đi vào cuộc sống.