Thứ Năm, 25/04/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội cho nông nghiệp 

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơ hội cho nông nghiệp 

Trồng lúa ở Indonesia. Đất canh tác nông nghiệp chỉ có thể tăng tối đa dưới 1% mỗi năm.

(TBKTSG Online) Vào lúc kinh tế thế giới chao đảo và nhu cầu hàng tiêu dùng teo lại thì kinh doanh nông nghiệp vẫn phát triển rất tốt vì dù thế nào con người vẫn phải ăn.  

Mất cân đối cung-cầu lương thực

Giá ngũ cốc và thịt đã giảm xuống so với mức kỷ lục giữa năm ngoái, nhưng vẫn còn cao hơn khoảng 30-50% so với mức giá bình quân của thập niên vừa qua. Có nhiều lý do để tin rằng mức giá lương thực cao hiện nay không phải là một trong những quả bong bóng được thổi phồng lên và sắp vỡ.

Giá lương thực leo thang không mang lại niềm vui cho tất cả mọi người: giá cao thì tốt cho nông dân – đa số còn rất nghèo – nhưng khổ cho người tiêu thụ. Có người quy trách nhiệm làm tăng giá lương thực cho việc dùng ngũ cốc để chế biến nhiên liệu sinh học nhưng dù sao giá tăng cũng là dấu hiệu của sự tiến bộ vì nguyên nhân chủ yếu làm tăng giá lương thực chính là nhu cầu tiêu thụ tăng không ngừng ở các nước nghèo, nơi người dân ăn nhiều hơn – nhất là ăn những thức ăn nhiều đạm như thịt và sữa.

Trung Quốc là một ví dụ tốt về sự gia tăng nhu cầu lương thực nhờ kinh tế phát triển. Theo ông Carlo Caiani của tập đoàn Caiani & Công ty – một công ty tư vấn đầu tư có trụ sở ở Melbourne (Úc), trong 10 năm qua lượng sữa tiêu thụ ở Trung Quốc tăng 7 lần, dầu ôliu tăng 6 lần, dầu ăn tăng gấp đôi, thịt gia cầm tăng 60%, thịt bò tăng 30% và bột mì tăng 25%. Người Trung Quốc cũng uống nhiều rượu hơn, mức tiêu thụ rượu vang tăng 4 lần. Tuy đã gia tăng mạnh như vậy, nhưng mức tiêu thụ thịt và sữa của một người Trung Quốc vẫn chỉ mới bằng một phần ba so với một người dân ở các nước giàu như Úc, Mỹ và Anh. Ở Ấn Độ khoảng cách này còn rộng hơn, nhưng đang thu hẹp dần. 

Nhìn chung, lượng lương thực tiêu thụ ở châu Âu và châu Mỹ không tăng nhiều, nhưng sự kết hợp giữa gia tăng dân số và thu nhập ở các nước đang phát triển đang làm nhu cầu lương thực toàn cầu tăng hơn 5% mỗi năm. 

Khó mà tăng việc cung cấp lương thực ở mức độ tương ứng với nhu cầu vì diện tích đất canh tác chỉ có thể tăng tối đa chưa tới 1% mỗi năm. Ở các nước đang phát triển, nhiều vùng đất màu mỡ nhất đang được dành cho việc xây dựng đô thị, đường sá và nhà máy. Điều đó có nghĩa là, đất đai hiện có sẽ trở nên ngày càng quý giá hơn, phải được tận dụng tốt hơn cho việc sản xuất lương thực.

Nhu cầu thâm canh tác động đến nhiều ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tập đoàn BASF – một trong những nhà sản xuất hóa chất nông nghiệp – nói rằng doanh số của họ đã tăng 9% năm ngoái, trong đó riêng châu Á tăng 16%. Họ hy vọng năm nay doanh số sẽ tăng 17%, và mấy tháng đầu năm tình hình rất khả quan, bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế đang hoành hành.  

Sôi nổi đầu tư vào nông nghiệp

Nắm bắt cơ hội, nhiều dự án đầu tư khổng lồ vào nông nghiệp đang được triển khai khắp thế giới. Ngày 13-2-2009, tập đoàn Terra Firma, một quỹ đầu tư có trụ sở tại London, đã thông báo mua lại 90% cổ phần của công ty Consolidated Pastoral – một công ty chăn nuôi gia súc khổng lồ của gia đình tỷ phú Parker ở Úc, sở hữu khoảng 5 triệu hécta đồng cỏ. Tháng trước, Nufarm – một công ty hóa chất nông nghiệp của Úc, đã mua lại công ty AH Marks – công ty hóa chất lâu đời nhất của Anh, nổi tiếng vì thuốc diệt cỏ. Năm ngoái, Cofco – tập đoàn lương thực do nhà nước Trung Quốc kiểm soát, đã mua lại 5% cổ phần của Smithfield – nhà sản xuất thịt heo lớn nhất thế giới. Al Qudra, một công ty đầu tư có trụ sở tại tiểu vương quốc Abu Dhaibi, nói rằng họ đã mua được nhiều đất nông nghiệp tại Ma Rốc và Algeria và đang thương thảo các hợp đồng mua đất tương tự với Pakistan, Syria, Việt Nam, Thái Lan, Sudan và Ấn Độ. Các tập đoàn nông nghiệp Landkom – niêm yết trên thị trường chứng khoán London, và Black Earth Farming – niêm yết trên thị trường chứng khoán Stockholm, Thụy Điển, đều đã đầu tư rất lớn vào canh tác nông nghiệp ở Ukraine. Ở Trung Quốc đang có nhiều tin đồn rằng các nhà đầu tư địa phương đã mua tới 50.000 hécta đất trồng trọt ở Argentine và đang xem xét nhiều dự án đầu tư khác vào Argentine và Brazil.

Ngay cả Trung Quốc cuối cùng cũng đã mở cửa cho đầu tư tư nhân vào lĩnh vực nông nghiệp, một phần vì luật đất đai mới cho phép nông dân được quyền cho thuê đất, từ đó tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn. Tập đoàn Asian Bamboo – niêm yết trên thị trường chứng khoán Frankfurt, Đức, đã thuê 27.000 hécta đất nông nghiệp ở tỉnh Phúc Kiến. Năm ngoái tập đoàn này công bố đạt doanh số 44 triệu euro, lợi nhuận 21 triệu euro (30,4 triệu đô la) từ dự án này; điều đó cho thấy nông nghiệp có thể là ngành kinh doanh có tỷ suất lợi nhuận rất cao.

Cho đến nay, hợp đồng thuê/mua đất nông nghiệp lớn nhất thuộc về tập đoàn Daewoo Logistics. Năm ngoái tập đoàn này đã ký hợp đồng với chính phủ Madagascar để thuê 1,3 triệu hécta đất, tức là hơn một nửa diện tích đất canh tác của đảo quốc này, để trồng bắp cung cấp cho quê hương Hàn Quốc của mình. Tuy vậy, sau những vụ bạo loạn và cuộc đảo chính mới đây ở Madagscar, hợp đồng này đã bị ngừng thực hiện.

Ở một số quốc gia, người dân lo ngại mất đi nguồn cung cấp lương thực thiết yếu, buộc các chính phủ phải tăng thuế hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế khác: Trung Quốc cấm xuất khẩu một số thành phần cốt yếu của phân bón hóa học, Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo, còn Argentine lại cấm xuất khẩu ngũ cốc. Những biện pháp can thiệp như vậy gây khó khăn cho các doanh nghiệp và các dự án đầu tư vào nông nghiệp, nhưng trong một thị trường vững mạnh, nó làm cho các doanh nghiệp nào được hoạt động tự do trở nên phát đạt hơn và có giá trị cao hơn.

Huỳnh Hoa (theo Economist)

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới