Thứ Sáu, 29/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội đã mở ra và Việt Nam đón nhận thế nào?

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

Cơ hội đã mở ra và Việt Nam đón nhận thế nào?

Lê Vĩnh Triển – Nguyễn Quỳnh Huy – Võ Tất Thắng (*)

(TBKTSG) – LTS: Trong bài trước (Đánh giá bản thân, nhận ra tồn tại), nhóm tác giả đã phân tích một số bất cập trong chính sách tăng trưởng kinh tế mà dịch Covid-19 đã làm cho nó bộc lộ càng rõ nét hơn.

Nội dung của phần này tập trung vào xác định các khả năng phát triển trong tương lai, các mục tiêu kinh tế – xã hội quan trọng, những lựa chọn chiến lược cần thiết để đất nước có thể tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức.

Kinh tế sẽ ra sao sau đại dịch?

Được – mất đã rõ, vấn đề là Việt Nam có thực sự muốn cải cách

Cơ hội đã mở ra và Việt Nam đón nhận thế nào?
Hệ thống chính sách để hỗ trợ người lao động, người dễ bị tổn thương trước các cú sốc lớn do tác động của dịch bệnh hay thiên tai nên là quan tâm chính của Nhà nước. Ảnh minh họa Thành Hoa.

Xu hướng phi toàn cầu hóa

Đại dịch Covid-19 đã đặt ra nhiều câu hỏi về sự ưu việt của toàn cầu hóa, chuỗi giá trị và phân công lao động quốc tế, nhất là phụ thuộc vào một quốc gia như Trung Quốc. Dù còn nhiều diễn biến chưa thể biết trước, nhưng nền kinh tế thế giới hậu dịch Covid-19 chắc chắn sẽ không thể lặp lại cơ cấu như trước đó.

Vai trò của công nghệ thông tin, thương mại điện tử sẽ phát triển nhảy vọt với những hình thức thanh toán, các hợp đồng điện tử xuyên biên giới. Sự dịch chuyển mạnh mẽ hệ thống thương mại và đầu tư, nhất là đa dạng hóa các nguồn cung sẽ diễn ra. Tất cả những điều này cần được phản ánh trong chiến lược và chính sách trong giai đoạn tới của Việt Nam.

Vấn đề quan trọng đối với mỗi quốc gia là khôi phục kinh tế hậu dịch, nhưng việc này với nhiều nước, trong đó có Việt Nam, khó khăn hơn rất nhiều khi lệ thuộc quá nhiều vào thị trường và nguồn cung ứng của Trung Quốc, kết quả của quá trình dài theo đuổi toàn cầu hóa. Do vậy, việc giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc và gia tăng tính tự cường của kinh tế quốc gia sẽ là xu hướng và là việc phải được tính đến và quyết tâm thực hiện bởi cả hệ thống chính trị, thậm chí phải chấp nhận chi phí đắt đỏ hơn.

Các nước sẽ đánh giá lại các chính sách kinh tế là điều dễ nhận thấy, và đây là cơ hội để Việt Nam xem lại chính sách tăng trưởng, từ đó cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài (FDI), cải cách thể chế theo hướng tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình, từ đó nâng cao năng suất lao động và giảm lệ thuộc vào khai thác tài nguyên hủy hoại môi trường, giảm lệ thuộc triền miên vào chính sách lao động rẻ. Khi thực hiện được những điều này sẽ hạn chế các khuyết tật về môi trường và tham nhũng chính sách, cũng như xử lý tốt hơn các vấn đề xã hội và phúc lợi.

Quan tâm nhiều hơn đến các thành phần yếu thế, người nghèo

Ý thức hệ về sinh mạng và hạnh phúc con người sẽ là ý thức hệ xứng đáng được các quốc gia theo đuổi.

Quyền lợi dân tộc và quốc gia tự khắc được đặt lên hàng đầu.

Các nước, và Việt Nam càng không thể là ngoại lệ, phải quan tâm nhiều hơn đến sự an bình và phúc lợi của người dân. Tác động từ đại dịch cho thấy thành phần thu nhập thấp, các nhóm dễ bị tổn thương bị thiệt thòi nhiều nhất.

Cần phải thừa nhận người lao động trong các khu công nghiệp hay người lao động di cư trong các thành phần kinh tế phi chính thức cũng là thành phần rất dễ bị tổn thương trước các cú sốc dịch bệnh và kinh tế.

Các nước nghèo như Việt Nam, vốn đã thiếu nguồn lực để đảm bảo cho thành phần kinh tế lớp dưới, phải có những thay đổi trong quy định về mối quan hệ quyền lợi và trách nhiệm giữa doanh nghiệp và người lao động để đảm bảo xử lý tốt những vấn đề xã hội nêu trên. Các ràng buộc mới có thể khiến tăng trưởng kinh tế chậm lại vì tăng chi phí, nhưng đó là một trong những cách đi tới một xã hội phát triển nhân văn.

Như vậy, hệ thống chính sách để hỗ trợ người lao động, người dễ bị tổn thương trước các cú sốc lớn do tác động của dịch bệnh hay thiên tai nên là quan tâm chính của Nhà nước. Thay vì chạy theo tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá (hệ lụy là tham những hoành hành, môi trường bị tàn phá, bất bình đẳng trong phân phối thu nhập, lệ thuộc nước ngoài – đặc biệt là Trung Quốc), Nhà nước cần ưu tiên cải cách thể chế theo hướng hiệu quả, hiệu lực và công bằng thay vì đầu tư nhiều tiền của cho khu vực công rộng lớn, cho các doanh nghiệp của Nhà nước, trong khi lại thiếu các bệ đỡ để hỗ trợ người khó khăn.

Kinh tế và y tế, bất cập của bài toán lợi ích – chi phí và vai trò của quản trị công

Kinh tế và y tế cũng không hiệu quả nếu thiếu vai trò quản trị công; khẳng định nguyên tắc “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”: Bài toán đầu tư hiện đại hóa hệ thống y tế và chi phí dành cho nó trong cân đối lợi ích và chi phí xem ra chỉ có ý nghĩa tương đối khi đại dịch như dịch Covid-19 xảy ra.

Các nước dù rất giàu, có hệ thống y tế hùng mạnh, cũng không thể đầu tư đầy đủ, sẵn có cho mọi người vì đó là bài toán bất khả thi về chi phí. Các nước nghèo hơn nếu có hệ thống cảnh báo, tự cảnh báo sớm hơn vẫn có thể kiểm soát dịch bệnh tốt hơn với ít chi phí hơn. Điều đó cho thấy vai trò không thể thiếu của một hệ thống quản trị công linh hoạt và kỷ luật, công khai, minh bạch và tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền và người dân.

Việt Nam sẽ đầu tư và nâng cấp khả năng phòng chống dịch bệnh như thế nào không còn là công việc mang tính ngắn hạn và địa phương, mà rõ ràng sẽ trở thành một chương trình tổng thể, dài hạn và quốc gia. Chính sách đầu tư cho thiết bị y tế, dược phẩm, sinh học dịch tễ, phát triển đầy đủ hệ thống y tế dự phòng và y tế tuyến cơ sở, giảm bất bình đẳng về chăm sóc y tế, nhất là về chất lượng khám và khả năng chi trả, và mở rộng nguồn lực cho hệ thống y tế chắc chắn phải được quan tâm hơn trong các chiến lược về kinh tế và phát triển.

Công nghệ và trí tuệ nhân tạo

Đại dịch Covid-19 chắc chắn làm sâu sắc và phổ biến hơn việc ứng dụng công nghệ trong giao tiếp và trong đời sống kinh tế, văn hóa và chính trị các quốc gia.

Về mặt kinh tế, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo chắc chắn sẽ là lĩnh vực cạnh tranh mới khốc liệt hơn của các quốc gia và điều này càng củng cố hơn thế mạnh vốn có của các nước phát triển.

Việt Nam là nước nông nghiệp có thể xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gạo, nên xem lại chính sách sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp trong tình hình mới nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như lợi thế trong quan hệ quốc tế.

Việt Nam cần có những thay đổi và chiến lược thích ứng như thế nào để không bị bỏ lại phía sau, trong khi sở hữu một lực lượng lao động công nghệ đang làm thuê cho các hãng công nghệ nước ngoài với giá rẻ.

Về văn hóa, chính trị, cách thức ứng dụng công nghệ và trí tuệ nhân tạo trong giao tiếp và trong quản lý xã hội chắc chắn sẽ phản ánh mức độ văn minh và tôn trọng người dân của từng quốc gia cũng như phản ánh mức độ công khai, minh bạch của hệ thống quản trị công.

Nông nghiệp và an ninh lương thực

Đại dịch Covid-19 cũng đã cho thấy xu hướng toàn cầu hóa sẽ bị đảo ngược, từ đó quốc gia nào tự lực được về lương thực sẽ giảm lệ thuộc vào các quốc gia khác.

Nông nghiệp với trách nhiệm đảm bảo an toàn lương thực và trong tinh thần tự lực tự cường kinh tế sẽ nổi lên như một mặt trận quan trọng. Việt Nam là nước nông nghiệp có thể xuất khẩu nông sản, đặc biệt là gạo, nên xem lại chính sách sản xuất và xuất khẩu nông nghiệp trong tình hình mới nhằm đảm bảo an ninh lương thực quốc gia cũng như lợi thế trong quan hệ quốc tế.

Biến đổi khí hậu và việc Trung Quốc xây dựng các đập thủy điện tràn lan trên thượng lưu sông Mêkông là hai yếu tố đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đất đai nông nghiệp và đời sống của hơn 20 triệu người dân Việt Nam.

Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, đấu tranh mạnh mẽ hơn với Trung Quốc để bảo vệ đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời có chiến lược nông nghiệp thích nghi với biến đổi khí hậu và cả với chính sách phát triển thủy điện thiếu trách nhiệm của Trung Quốc.

Ý thức hệ về sinh mạng con người

Đại dịch Covid-19 có thể làm cho cuộc tranh luận về ý thức hệ bớt đi ý nghĩa. Mức độ nghiêm trọng của đại dịch khiến các nước thu về cố thủ, lấy quốc gia dân tộc làm trọng, và lấy sự an toàn và hạnh phúc của người dân là thước đo thành công.

Các quốc gia dù lớn nhỏ cũng không thể nhân danh sông núi gần nhau, lý tưởng chính trị hay văn hóa tương đồng để áp đặt việc giao thương hàng hóa hay việc đóng cửa biên giới của quốc gia khi vận mệnh của người dân nước khác bị đe dọa.

Ý thức hệ về sinh mạng và hạnh phúc con người sẽ là ý thức hệ xứng đáng được các quốc gia theo đuổi. Quyền lợi dân tộc và quốc gia tự khắc được đặt lên hàng đầu.

Công khai, minh bạch và giải trình – chìa khóa của thành công

Việt Nam sở hữu một lực lượng lao động dồi dào với giá rẻ. Ảnh minh họa Minh Tâm.

Cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 đã làm tăng uy tín Việt Nam trên trường quốc tế, sự công khai và minh bạch cũng như sự giải trình, cung cấp thông tin liên tục cho người dân đã trở thành thương hiệu cho Việt Nam. Bên cạnh đó, lòng tin và sự hợp tác của người dân cũng phải được nhắc đến như một yếu tố quan trọng.

Có thể thấy, chính nguyên tắc công khai, minh bạch và giải trình của chính quyền trong chống dịch có tính quyết định cho sự hợp tác, kỷ luật và lòng tin của người dân vào chính quyền. Lòng tin và sự hợp tác, kỷ luật của người dân luôn là tài sản vô cùng quý giá để quốc gia chiến thắng trong một cuộc chiến một khi chính quyền khai thác đúng.

Chúng ta có thể tin rằng để giải quyết các tồn tại trong kinh tế và phát triển đã nêu trên, chính quyền cần tiếp tục khai thác tài sản quý giá này và không cách nào khác hơn là tiếp tục phát huy công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình.

Công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm giải trình sẽ hỗ trợ tốt hơn cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và chất lượng hơn theo nghĩa hạn chế tham nhũng, hạn chế tác hại đến môi trường sống, giảm lệ thuộc vào FDI kém chất lượng, tăng cường FDI chất lượng cao.

Công khai, minh bạch và giải trình sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh đạo đức, bình đẳng và hiệu quả, thúc đẩy đầu tư và chia sẻ lợi ích của các nguồn vốn trong nước, hạn chế sự lệ thuộc vào yếu tố nước ngoài, hướng tới tự cường kinh tế.

Bên cạnh đó, nó cũng giúp cải thiện chất lượng nhân sự của hệ thống, tạo môi trường công bằng kích thích người tài tham gia làm việc trong khu vực công nói riêng và các nguồn lực xã hội khác hiệu quả hơn; thúc đẩy quá trình cải cách tư pháp, cải cách hành chính mau chóng và hiệu quả.

Nguyên tắc công khai, minh bạch phải được mở rộng trong mọi lĩnh vực của quản trị nhà nước để càng làm tăng lòng tin giữa dân và chính quyền từ đó đất nước sẽ thực hiện được những khát vọng độc lập và tự cường.

Tạo sự khác biệt hay chinh phục thị trường bằng sự khác biệt là một nguyên tắc dẫn dắt thành công của các doanh nghiệp. Quốc gia cũng vậy, Việt Nam đã tạo được sự khác biệt trong cuộc đại chiến Covid-19.

Đây là cơ hội để chúng ta bước tiếp tạo ra sự khác biệt bằng việc củng cố và xây dựng một nền văn hóa tự trọng, tôn trọng sự thật, con người hành xử văn minh và nhân văn. Từ đó hình thành một nền kinh tế thị trường lấy sự trung thực, sáng tạo và uy tín làm nguyên tắc hành xử; hình thành một nền giáo dục nhân bản và khai phóng; một nền chính trị công bằng lấy hạnh phúc của mọi tầng lớp nhân dân làm mục tiêu, lấy lợi ích dài hạn của dân tộc và danh dự quốc gia làm trọng.

Có thể không quá lời, sự tự trọng và khiêm tốn quốc gia và sẵn sàng gánh vác các trách nhiệm quốc tế có lẽ nên được xem xét cẩn trọng như nền tảng để chúng ta vươn lên, chinh phục nhân tâm và thoát nghèo.

(*) Trường Đại học Kinh tế TPHCM

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới