Thứ Năm, 28/03/2024
32 C
Ho Chi Minh City

Cơ hội đầu tư các cổ phiếu thủy sản

Lê Hoài Ân (*) - Nguyễn Thị Ngọc Ngân (**)

Kinh tế Sài Gòn Online

Kinh tế Sài Gòn Online

(KTSG) – Thị trường xuất khẩu trở thành điểm tựa phát triển cho kinh tế Việt Nam khi tăng trưởng xuất khẩu trong 10 tháng đầu năm vẫn đạt trên 16%. Ngành thủy sản vẫn duy trì tăng trưởng, tuy nhiên có sự phân hóa lớn giữa các doanh nghiệp trong ngành dựa trên khả năng tự chủ sản xuất, tương ứng với đó là triển vọng về giá cổ phiếu cũng khác nhau.

Từ triển vọng lạc quan đến bi quan

Trong giai đoạn đầu năm, hầu như các dự báo đều nghiêng về xu hướng lạc quan cho ngành thủy sản trong bối cảnh dịch Covid-19 khi đó đang được kiểm soát tốt và Việt Nam được cho là có thể giành được thị phần của các quốc gia xuất khẩu thủy sản bị dịch Covid-19 nặng nề. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 nổ ra ở Việt Nam khiến cho nền kinh tế đình trệ và ngành thủy sản cũng không ngoại lệ.

Trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu gia tăng từ đầu năm, việc thực hiện “3 tại chỗ” đã khiến cho chi phí sản xuất của doanh nghiệp gia tăng mạnh. Sản lượng sản xuất của các nhà máy sụt giảm mạnh, trong khi các chi phí khác từ điện, bao bì, xét nghiệm, vận tải, đặc biệt cước vận tải biển đều tăng mạnh. Những yếu tố đó đã ảnh hưởng mạnh đến biên lợi nhuận của doanh nghiệp.

Kim ngạch xuất khẩu cá tra ở Việt Nam trong quí 3-2021 bị ảnh hưởng nặng bởi tình hình dịch Covid-19 tại các tỉnh thành phía Nam. Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong ngành đều phải ngừng sản xuất, còn các doanh nghiệp lớn chỉ hoạt động 30-50% công suất. Kim ngạch xuất khẩu cá tra tháng 8 của Việt Nam giảm 25% so với cùng kỳ năm trước mặc dù tính tổng cả năm thì xuất khẩu cá tra vẫn duy trì mức tăng trưởng gần 10% so với năm trước.

Những điểm sáng đối với các doanh nghiệp vẫn tự chủ sản xuất

Việc mở cửa trở lại của ngành dịch vụ ăn uống trên toàn cầu sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu đối với sản phẩm thủy sản, đặc biệt đối với mảng cá tra vốn là dòng hàng chủ lực của thủy sản Việt Nam. Đồng thời, nguồn cung cá tra của Việt Nam có thể sẽ không phục hồi hoàn toàn cho đến năm 2023 do sự gián đoạn trong sản xuất cá tra nói trên, từ đó ảnh hưởng đến giá cá tra nguyên liệu cũng như hoạt động nuôi trồng. Vì vậy, giá cá tra được dự báo tiếp tục xu hướng tăng trước nhu cầu thị trường gia tăng.

So với giai đoạn trước, hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp thủy sản đã sụt giảm đáng kể do phần lớn các doanh nghiệp đều thu hẹp quy mô sản xuất khi giá trị hàng tồn kho của toàn ngành đều sụt giảm, tương ứng với điều kiện vĩ mô khó khăn đã được phân tích ở trên. Tuy nhiên, vẫn có những doanh nghiệp duy trì hoạt động đầu tư, trong đó doanh nghiệp đầu ngành là Công ty Vĩnh Hoàn (VHC) vẫn duy trì được tăng trưởng doanh thu nhờ thực hiện hợp lý hóa sản xuất.

Trong nửa cuối năm 2021, thị trường Mỹ sẽ tiếp tục dẫn đầu mức tăng trưởng doanh thu cá phi lê do nhu cầu cuối năm tăng mạnh và giá xuất khẩu cá phi lê sang Mỹ tăng cao. Do đó những doanh nghiệp nào có thị trường xuất khẩu mục tiêu là Mỹ có thể được hưởng lợi nhiều từ xu hướng trên.

Ngành nông nghiệp nói chung và ngành thủy sản nói riêng ở Việt Nam là một ngành rất tiềm năng dựa trên những lợi thế của quốc gia. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào trong ngành cũng phát huy được. Bằng chứng là có rất nhiều các doanh nghiệp thủy sản đã phải rời sàn trong những năm qua. Vùng nguyên liệu và khả năng tự chủ sản xuất là vấn đề tử huyệt lớn của các doanh nghiệp trong ngành, do đó những doanh nghiệp làm chủ được yếu tố này sẽ có một lợi thế rất lớn trong giai đoạn sắp tới.

Lợi thế nguồn nguyên liệu và chuỗi cung ứng tạo sức bật tăng trưởng

VHC đã thực hiện chiến lược đầu tư khá ổn định trong những năm qua với mục tiêu xây dựng một mô hình kinh doanh tận dụng tối đa các phế phẩm trong quá trình sản xuất để tạo ra một chu trình khép kín. Dự kiến vào cuối năm nay VHC sẽ đưa vào vận hành nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi thủy sản. Các hoạt động đầu tư cho chuỗi giá trị này có thể lên đến 2.000 tỉ đồng trong ba năm tới. Chính lợi thế nguồn nguyên liệu và kiểm soát quá trình sản xuất đã giúp cho VHC luôn có biên lợi nhuận tốt hơn so với các doanh nghiệp khác.

Giá cá phi lê xuất khẩu của VHC trong giai đoạn tới được các công ty chứng khoán dự báo sẽ tăng từ mức 2,8 đô la lên 3,2-3,4 đô la Mỹ/ký trong khi tỷ lệ chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp (SG&A) dự kiến sụt giảm đáng kể khi quy mô doanh số gia tăng.

Cổ phiếu VHC hiện giao dịch ở mức P/E (giá/thu nhập một cổ phiếu) dự phóng cho năm 2021 và 2022 lần lượt là 12,3 lần và 10,3 lần, đều là các mức cao so với mức P/E trung bình trong quá khứ. Đây là mức giá đã phản ánh tương đối giá trị hợp lý của VHC. Tuy nhiên, tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của VHC vẫn còn rất lớn với những dự án lớn mở rộng vùng nguyên liệu cũng như xây dựng chuỗi giá trị khép kín. Những dự án này không những góp phần duy trì xu hướng tăng trưởng tốt trong doanh thu của VHC mà còn góp phần cải thiện biên lợi nhuận ròng, vốn thường rất mỏng trong mảng xuất khẩu thủy sản của các doanh nghiệp Việt Nam.

(*) CFA
(**) SSI

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm

Tin mới